Văn hóa

Ngược đời khi mất tiền mua vé đến rạp xem… quảng cáo

Tình trạng lạm dụng quảng cáo trong phim điện ảnh đang khiến không ít khán giả cảm thấy khó chịu.

Chưa hết mệt mỏi với việc hàng loạt bộ phim truyền hình bị cắt nhỏ bởi quảng cáo, giờ đây, khán giả Việt còn phải chứng kiến sự xuất hiện dày đặc quảng cáo của các nhãn hàng trên màn ảnh rộng. Tình trạng lạm dụng quảng cáo trong phim điện ảnh đang khiến không ít khán giả cảm thấy khó chịu. Nhiều người cho rằng, sẽ thật bất công khi họ bỏ tiền túi đến rạp để… xem quảng cáo.

 
Vừa bước ra khỏi rạp sau khi xem xong bộ phim “Chàng trai năm ấy”, chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh, một khán giả ở thành phố Hồ Chí Minh khẽ lắc đầu. Theo chị Trinh, phim chẳng có gì đáng chê bởi nội dung hay, diễn xuất tốt, cảnh quay đẹp, nhưng mệt mỏi bởi bị chèn vào quá nhiều quảng cáo. Điện thoại, xe máy, bia… là những sản phẩm xuất hiện nhan nhản trong bộ phim này, với đầy đủ các góc quay. Có cả những phân đoạn được xây dựng một cách gượng ép nhằm mục đích quảng cáo. Việc quảng cáo không khéo léo, tinh tế đã khiến bộ phim nhận một điểm trừ từ khán giả.
 
Nhiều khán giả cảm thấy phiền lòng bởi quảng cáo xuất hiện quá nhiều. (Ảnh: Tri Thức)
 
Chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh chia sẻ: “Khi bỏ tiền ra mua vé đến rạp xem phim, ai cũng mong muốn xem được một bộ phim hay, thoải mái. Với những bộ phim dù xem quảng cáo những vẫn suôn sẻ thì em không nói làm gì. Còn có một vài bộ phim đưa vào những tình tiết quảng cáo rất quá lố, em thấy nó hơi kỳ.”
 
Không đợi đến phim “Chàng trai năm ấy” khán giả mới khó chịu bởi quảng cáo. Vài năm trở lại đây, khi nhiều bộ phim điện ảnh trong nước tạo được tiếng vang thì tình trạng lạm dụng quảng cáo đã xuất hiện. Trong đó, dòng phim giải trí, thương mại luôn là ưu tiên hàng đầu của các nhà tài trợ. Trên thực tế, việc quảng cáo các sản phẩm trong một tác phẩm điện ảnh đã xuất hiện hàng chục năm về trước, khởi đầu từ Mỹ rồi lan dần sang khu vực châu Âu, châu Á và khá thành công. Thế thì, tại sao người xem các nước vẫn thấy thích thú với việc này, trong khi khán giả Việt lại tỏ ra bức xúc? Theo các nhà chuyên môn, mọi thứ nằm ở tay nghề và cái tâm của người làm phim. Khi chèn những ý tưởng quảng cáo vào các phân đoạn, đôi khi biên kịch, đạo diễn và nhà sản xuất chỉ muốn làm vui lòng nhà tài trợ mà không lường trước được phản ứng của người xem. Thất bại của việc quảng cáo nằm ở chỗ này.
 
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đạo diễn Đào Bá Sơn, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phim nhựa khẳng định: tất cả là vì lợi nhuận. Đây là nhu cầu thiết yếu bởi nhà sản xuất cần một khoản chi phí không hề nhỏ để bù lỗ cho tiền đầu tư.
 
Đạo diễn Đào Bá Sơn cho rằng trách nhiệm nằm ở nhà sản xuất. (Ảnh: TT&VH)
 
Đạo diễn Đào Bá Sơn nhấn mạnh: “Trách nhiệm ở đây trước tiên là ở các nhà sản xuất. Họ là người quyết định bỏ tiền làm phim, họ là người ký hợp đồng làm sản phẩm quảng cáo. Người thứ hai có trách nhiệm biến tất cả những sản phẩm đó vào nội dung phim chính là đạo diễn. Nhưng tôi nghĩ rằng, ngoài hai người này còn người thứ ba rất quan trọng, nếu như về mặt điện ảnh đó chính là Hội đồng duyệt quốc gia.”
 
Đã có một thời gian dài khán giả trong nước chẳng mặn mà gì với phim Việt. Sau nhiều nỗ lực đổi mới, khoảng 5 năm trở lại đây, phim Việt đã bán được vé, thậm chí nhiều phim còn gây sốt vé với doanh thu hàng chục tỷ đồng. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho ngành điện ảnh nước nhà. Thế nên, một trong những điều mà các nhà sản xuất phim cần làm lúc này là cân nhắc thật kỹ từng chi tiết thể hiện trong phim, từ nội dung cho đến quảng cáo, để không làm người xem thất vọng.
 
 
Theo VOV
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo