Doanh nghiệp - Doanh nhân

Người nông dân làm giàu từ chè trên đất Mỹ Bằng

Đến Mỹ Bằng, Yên Sơn, Tuyên Quang hỏi anh Hoàng Việt Cường không người dân nào là không biết đến với bằng sự mến mộ, cảm phục và như một tấm gương sáng để noi theo. Ở vùng đất này họ gọi anh với cái tên khá thân thuộc “ Cường chè”.

 Không khó khăn để tìm tới nhà anh Hoàng Việt Cường vì hỏi nhà anh, ai cũng biết và nhiệt tình chỉ đường, một điều nữa là hầu hết mọi con đường ở đây đều được trải bê tông theo tiêu chí về nông thôn mới . Khi chúng tôi đến, anh vẫn còn lặn ngụp dưới ao để bắt cá, biết chúng tôi là phóng viên từ xa đến thăm, anh vội lên bờ tiếp đón cởi mở, chân chất đúng dáng một anh nông dân thực thụ. 

 Lăn lộn mưu sinh

 Rót chén chè xanh mời khách anh cho biết, anh sinh năm 1960 trong một gia đình thuần nông có 6 anh chị em, sau khi học hết Phổ thông trung học, với niềm đam mê học lái xe từ nhỏ sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học anh đã đi học lái xe và về lái xe cho công ty quặng Apatit Lào Cai, đến năm 1996 do cha mẹ già yếu nên anh bỏ việc lái xe ở Lào Cai để về chăm sóc bố mẹ già. Trong thời gian ở nhà, nhờ quen biết nên anh xin vào làm lái xe cho nông trường chè Tháng 10 (công ty chè Mỹ Lâm bây giờ PV ), tuy nhiên lái xe chưa đầy 1 năm anh lại nghỉ việc vì lúc này nhà máy chè giải thể, do phương tiện không có nên anh xin nghỉ luôn, sau khi lập gia đình, vợ chồng anh đã nhiều nghề để sinh sống. 

Anh chia sẻ, từ những năm 1999, 2000 sau khi chuyển đổi cơ chế, tỉnh Tuyên Quang có quyết định giao đất cho nông dân hoạt động sản xuất nông nghiệp, gia đình anh quyết định nhận đất và ký hợp đồng sử dụng đất có thời hạn sử dụng là 50 năm với  diện tích 2ha. Ban đầu gia đình anh chọn cây sắn, sau đó chuyển sang trồng mía nhưng hiệu quả mang lại không đáng kể, doanh thu có năm còn bị lỗ, dù sản lượng cao nhưng việc tìm đầu ra gặp rất nhiều khó khăn.

Sau đó, nhận thấy mảnh đất này có hợp thổ nhưỡng với chè, có nguồn nguyên liệu, nhiều nhà máy chế biến, thành phẩm có thị trường tiêu thụ, nên gia đình anh quyết định chuyển hướng sang cây chè, và anh tin rằng sự lựa chọn đó của mình là không sai. Gia đình anh “bén duyên” với cây chè từ đó.

Cây chè: “Duyên” và “Nghiệp”

Qủa đúng như vậy, việc chọn giống chè Bát Tiên (giống chè nổi tiếng của Đài Loan, Trung Quốc) đã mang đến năng suất cao, thu lại nhiều lợi nhuận không chỉ cho gia đình anh Cường mà nhiều người dân trồng chè nơi đây. Đặc trưng của chè Bát tiên là có hương vị thơm ngon đặc biệt, đẹp màu, đượm nước, được người tiêu dùng ưa chuộng… Trồng cây chè khác với trồng các loại cây khác 1 năm có thể thu hoạch được từ 6 đến 7 tháng, gốc trồng ổn định, sống được nhiều năm, cây chè dễ chăm sóc, từ 1 đến 2 tuổi cây khép tán hàng năm chỉ mất công sới sáo chăm bón, tuổi thọ cao là những điều mà các cây trồng khác không có được.

Khác với nhiều gia đình khác đến mùa thu hoạch chè chủ yếu cắt bằng máy còn gia đình anh vẫn làm thủ công (tức hái chè bằng tay) nên búp chè của gia đình anh vẫn giữ được “thương hiệu” riêng của mình. Bên cạnh đó, anh cho xây 2 lò để tự sao chè ở nhà để lấy thành phẩm, và chè do gia đình anh làm ra 100% là chè sạch.

Ngoài ra, anh còn tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương làm thời vụ trong việc hái chè, sao chè, vận chuyển…có lúc đạt 40 nhân công với mức trả 90.000 đồng/công/ngày. Để phát triển cây chè tốt bản thân anh cũng đi học hỏi ở các mô hình trồng chè trong cũng như ngoài tỉnh, ngoài ra anh còn tham gia các lớp khuyến nông, khuyến công do tỉnh và xã tổ chức.. từ các lớp học này đã khiến anh có nhiều kinh nghiệm để áp dụng thực tế trên giống chè Bát Tiên mà gia đình anh đang trồng.

 
                                                                                        
                                                                                                                                                                                                               Anh Cường đang chăm sóc cho vườn chè đặc sản Bát Tiên của gia đình
 
Chè Bát Tiên do gia đình anh sản xuất đã được đông đảo người dân địa phương ưa chuộng, không chỉ phân phối cho các đại lý trong tỉnh, mà còn ở các tỉnh bạn khác như Hà Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái… Tính trung bình hàng năm, sản lượng chè của gia đình anh Cường đạt từ 30-40 tấn, tính từ đầu năm đến nay sản lượng chè của gia đình anh đạt trên 20 tấn, phần đấu đến cuối năm sẽ đạt 40 tấn. Sau khi trừ các chi phí nguyên liệu, chăm bón, vận chuyển… lợi nhuận đạt khoảng 300 triệu đồng/ năm. Không chỉ thu lợi nhuận từ cây chè, gia đình anh còn đào ao thả cá, nuôi 1000 con gà lấy thịt và trứng, doanh thu từ chăn nuôi đạt khoảng 200 triệu đồng/năm. Mô hình vườn-ao-chuồng của gia đình anh đang phát huy hiệu quả và mang lại lợi nhuận cao.
 
Với số vốn ban đầu bỏ ra khoảng 50 triệu đồng/ha, đến nay vợ chồng anh đã có của ăn của để, xây được căn nhà đầy đủ tiện nghi, nuôi hai con đang học đại học Y. Chia sẻ về những khó khăn, anh Cường cho biết, thời gian đầu anh phải lăn lộn đi mua phân bón ở xa, việc tìm đầu ra còn gặp nhiều hạn chế, nhưng nhờ sự nỗ lực cố gắng của bản thân anh và gia đình, cũng như được sự tạo điều kiện tốt của địa phương gia đình anh đã gặt hái được những thành quả đáng nể. Nói về kế hoạch trong thời gian tới, anh cho biết, gia đình anh sẽ chú trọng đến loại chè đặc sản bởi có nhiều đầu ra được nhiều người ưa chuộng, doanh thu cao hơn nhiều so với chè thường.
 
Chia tay gia đình anh, vị chè Bát Tiên anh mời chúng tôi uống khi chuyện trò mới càng ngấm, vị ngon ngọt không thể lẫn với hương vị của loại chè nào khác. Hi vọng rằng, trong tương lai gần, chè Bát Tiên của gia đình anh Cường cũng như của những người dân trồng chè trên đất Mỹ Bằng sẽ đến được những nơi xa hơn, mang hương vị đặc trưng của mình đến nhiều người.
 
Đỗ Trần

 

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo