Người sáng lập Saigonbooks: Làm chủ khó nhưng vô vàn hạnh phúc
Nhân viên có thể bỏ sếp chứ không bỏ việc
Gom kinh nghiệm hơn 20 năm làm thuê và sáng lập doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Quỳnh khẳng định, nhân viên làm việc thường không chỉ vì đồng lương, mà còn tùy thuộc vào sự quan tâm của người lãnh đạo. Có người tự hào bởi đang làm việc trong những công ty doanh thu nghìn tỷ, thì mỗi cá nhân ở doanh nghiệp khởi nghiệp kỳ vọng nhiều hơn vào sự quan tâm, chia sẻ của người sáng lập và điều hành.
“Khi gặp các bạn trẻ start-up, tôi luôn đặt về, bạn đã tự vấn bản thân là đã đủ lòng yêu thương con người, cư xử tốt, lối sống tích cực không? Trong kinh doanh, mọi người đều đã trưởng thành nên nếu ai đó phải dùng kỹ thuật để yêu thương ai đó sẽ khó tồn tại lâu dài”, giám đốc điều hành Saigonbooks chia sẻ.
Quan điểm dùng người của ông Quỳnh là mọi nhân sự trong một tập thể đều quan trọng, nhưng ai cũng có thể được thay thế, ngay cả những lãnh đạo chủ chốt, nên luôn có phương án dự phòng nguồn nhân lực cả ở trong và ngoài doanh nghiệp.
“Có thể không giỏi 3/4 phép toán, là cộng, trừ và nhân. Còn đối với “chia” buộc phải giỏi. Đó là chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm cho những cộng sự”, ông Quỳnh nói.
Giám đốc điều hành Saigonbooks tự nhận, mình như một huấn luyện viên mà doanh nghiệp là một đội bóng. Ở đó, nhân sự được tạo đủ “đất” để thể hiện hết khả năng cũng như nhiệm vụ của mình cho việc hoàn thành mục tiêu chung.
Trên trang cá nhân, ông Quỳnh từng trích kết quả khảo sát của Harvard Business Review (HBR) khi truyền cảm hứng và động viên nhân viên trở thành kỹ năng quan trọng nhất của người lãnh đạo, chiếm 38%.
“Trách nhiệm lớn nhất, quan trọng nhất của người quản lý chính là: truyền cảm hứng và động viên, chăm sóc nhân viên. Không thể trở thành nhà quản lý giỏi nếu không làm tốt điều này. Bởi, “nhân viên không từ bỏ công việc, họ chỉ bỏ sếp mà thôi”, ông Quỳnh tâm đắc.
Đây là lý do ông cho rằng, gây dựng một start-up giống như trồng cây. Sẽ khó khăn, khổ sở để chăm sóc, nhưng vô vàn hạnh phúc khi thấy chúng lớn lên từng ngày.
Sách không chỉ là giấy
Tự do là động lực để ông Nguyễn Tuấn Quỳnh “ra riêng” ở tuổi không còn trẻ, lại gắn với kinh doanh sách - sản phẩm mà ông yêu thích, nhưng lại chưa từng có kinh nghiệm thương mại hóa chúng.
Có ít nhất 5 trở ngại mà ông Quỳnh đã phải vượt qua.
Thứ nhất, quy mô thị trường sách Việt Nam khoảng 2.500 tỷ đồng và dù tăng trưởng đều đặn trong 5 năm đầu, Saigonbooks cũng chỉ nắm được 10% thị phần, nghĩa là đạt doanh thu không quá 250 tỷ đồng.
Thứ hai, thiếu hụt nhân sự giỏi.
Thứ ba, thời gian xoay vòng vốn lâu, bởi mất khoảng 50% doanh thu cho khâu phân phối cũng như ký gửi.
Thứ tư, thị trường đã có quá nhiều công ty kinh doanh sách.
Thứ năm, một công ty non trẻ khó có thể tiếp cận và mua bản quyền những quyển sách danh tiếng.
Ông Quỳnh cho biết, sự khác biệt của Saigonbooks nằm ở chỗ, đây không đơn thuần chỉ là đơn vị kinh doanh sách giấy, mà mục tiêu là công ty sản xuất nội dung trên nhiều nền tảng từ giấy, audio, video, phim,...
“Sự khác biệt mà nhà kinh doanh sách phải gây dựng được đến từ việc ứng dụng truyền thông và bán hàng sao cho một quyển sách nổi tiếng trở thành best seller”, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh chia sẻ kinh nghiệm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo