Người Tày rộn rã đón Tết Nguyên đán
Tết đến, Xuân sang là dịp người Tày trong xã Thanh Hòa được nghỉ ngơi, mặc trang phục truyền thống, đến nhà nhau để thăm hỏi, chúc tết. Hoạt động vui nhất phải kể đến là múa sư tử. Trước Tết cả tháng, các đội múa Sư tử được thành lập, tập luyện chăm chỉ để cống hiến những màn nhảu múa cầu may cho cộng đồng.
Từ trưa ngày mùng một, đội múa sư tử trong xã đã đến từng gia đình chúc Tết. Ông Luân Văn Sơn, thành viên trong đội múa sư tử xã Thanh Hòa, cho biết: Múa sư tử với người Tày trong phong tục là cầu mong năm mới làm ăn phát lộc phát tài. Không bao giờ có gia đình nào từ chối đội múa sư tử. Thường thường múa từ cầu thang lên đến nhà, lạy ông bà tổ tiên xong lại xuống phía dưới. Múa xong lên nhà, ngồi uống rượu, uống nước với gia chủ và hát hò vui chơi, góp vui ngày Tết, rất có ý nghĩa.
Nhạc cụ để múa sư tử là trống, thanh la, chũm chọe. Hai người múa sư tử, một đầu sư tử lớn và một đầu sư tử con. Hai đầu sư tử được trang hoàng sặc sỡ với những chỉ vàng lóng lánh, những quả bông ngũ sắc trên đỉnh đầu và tai.
Cách trang trí phần thân con sư tử có phần khác nhau tùy theo từng địa phương. Ở Văn Lãng, người ta thường may ghép các loại vải đơn màu với nhau dọc theo chiều thân con sư tử tạo thành dải màu ngũ sắc. Múa sư tử được người Tày yêu thích vì có nhiều vũ điệu khỏe khoắn, phù hợp với tinh thần thượng võ của người miền núi. Ông Đình Khoa, xã Thanh Hòa, cho biết: "Dịp Tết Nguyên đán cứ gần tết từ 27, 28 tháng Chạp múa đón Tết và múa đến 15 tháng Giêng. Từ 7, 8 tuổi, tôi đã đi theo các ông các cụ múa sư tử và phong tục này được duy trì cho đến tận bây giờ. Sư tử đến đón Tết chúc cho gia đình làm ăn phát đạt, con cháu hiếu thảo, chăm ngoan học giỏi. Gia chủ không mời mình cũng đến chúc Tết cho các gia đình".
Múa sư tử là hình thức biểu diễn tổng hợp trong đó múa là chủ đạo, nhưng không tách rời khỏi nhạc và tích trò. Đi đôi với múa là biểu diễn các bài quyền, kiếm, binh khí trong võ thuật dân tộc. Người thể hiện được loại hình này không chỉ có sức khỏe, sự dẻo dai, khéo léo mà còn cần có trí tưởng tượng về hình ảnh của các con linh vật như hổ, mèo, sư tử... cũng như tính cách của chúng; để khi nhập vai, con sư tử với nhiều tư thế, dáng điệu khác nhau, tất cả như một vở kịch bằng mặt nạ đầy cuốn hút, mê hoặc.
Một đội sư tử có từ 7 đến 8 người để thay thế nhau trong vai trò của người cầm đầu sư tử, người đánh trống, người đánh thanh la, người cầm chũm chọe. Ngoài ra còn có thêm 3 vị trí nữa dành cho các nhân vật phụ họa bằng các trò diễn là người diễn mặt vượn, người diễn mặt khỉ và người diễn đầu sư tử bé, dành cho trẻ em. Ông Lương Quốc Trịch, trưởng thôn Bản Mìn, xã Thanh Hòa, cho biết: Múa sư tử lên nhà, gia chủ sẽ mời lên. Theo phong tục, sư tử lên nhà mang đi những điều không may mắn cho gia chủ trong năm cũ đi hết và mang lại những điều tốt đẹp đến cho gia chủ trong năm mới.
Không khí Tết ở xã Thanh Hòa, nơi sinh sống chủ yếu của người Tày, thật rộn rã. Những cây đào phai khoe sắc nghiêng mình bên ngôi nhà sàn. Tiếng cười nói của các chị, các mẹ ngập tràn không gian chái bếp, nơi mọi người đang chuẩn bị bữa cơm để đón khách tới chơi nhà.
Ngày Tết, người Tày chuẩn bị công phu những món ăn được làm từ sản vật của địa phương để dâng cúng ông bà tổ tiên. Trên bàn thờ giữa nhà, những mâm cỗ đầy đủ, tươm tất để đón năm mới trong sự sung túc, an vui. Những lễ vật dâng lên bàn thờ gia tiên thể hiện tấm lòng, sự đền đáp của con cháu đối với các đấng sinh thành, với những người đã khuất.
Ngoài sân, sắc Xuân ngập tràn trên từng nếp nhà, trong sắc hoa đào, mận rực rỡ, trong nụ cười hồn nhiên của trẻ nhỏ và vẻ đẹp mộc mạc của vùng sơn cước những ngày mùa Xuân
End of content
Không có tin nào tiếp theo