Văn hóa

Người Ý làm luận án về cồng chiêng

Thạc sĩ - nhạc công Vincezo Della Ratta - 32 tuổi, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Ý - đã quyết định đến Việt Nam và chọn cồng chiêng Tây Nguyên làm đề tài cho luận án tiến sĩ của mình.

Để thực hiện đề tài này, ông Vincezo Della Ratta đã đến các buôn làng, cùng uống rượu cần, đánh cồng chiêng, dự đám tang... cùng với bà con tại các tỉnh Tây Nguyên từ nhiều năm nay. Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với ông.

* Thưa ông, lý do nào khiến ông quyết định chọn cồng chiêng Tây Nguyên làm đề tài luận án tiến sĩ của mình?


- Tôi tốt nghiệp đại học chuyên ngành âm nhạc dân tộc và cũng là một nhạc công trong một ban nhạc chuyên về các nhạc cụ dân tộc tại thủ đô Roma của Ý. Tôi bắt đầu chú ý đến cồng chiêng của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam từ nhiều năm trước và rất thích thú khi được xem người dân tộc Jarai tại tỉnh Gia Lai biểu diễn cồng chiêng trên các kênh truyền hình. Năm 2006, một đoàn nghệ nhân cồng chiêng của Tây Nguyên, trong đó có các nghệ nhân của buôn Kô Sia (P.Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), qua thành phố Turin (Ý) biểu diễn, tôi đã đến xem trực tiếp và bị “mê hoặc” từ đó.

Năm 2007, tôi quyết định bay qua Việt Nam và đến Tây nguyên bắt đầu tìm hiểu cho đề tài luận án. Năm 2009, tôi tham dự một hội thảo chuyên đề về cồng chiêng Tây nguyên tại TP Pleiku (Gia Lai).

Từ đó đến nay tôi đã có một số lần đi đến thôn buôn của các tỉnh Tây Nguyên tìm hiểu thêm.

* Ông nghiên cứu về cồng chiêng Tây Nguyên như thế nào?

- Thật ra đề tài của tôi là nghiên cứu toàn bộ các nhạc cụ dân tộc, nhưng cồng chiêng Tây Nguyên là một mảng lớn. Phương pháp của tôi là nghiên cứu điền dã - tức là trực tiếp đi xuống các buôn làng ghi chép, cảm nhận và thu thập lại từ cuộc sống sinh hoạt văn hóa thực tế. Tôi đặt quan điểm từ sách vở, quan điểm về cồng chiêng của những người nghiên cứu một bên và đặt quan điểm của tôi ở phía song song. Từ đó tôi sẽ trình bày hiểu biết của tôi trong quá trình bảo vệ luận án.

* Ông có ấn tượng gì về cuộc sống của người dân Tây Nguyên và sinh hoạt văn hóa cồng chiêng?


- Tôi đã trực tiếp xem người dân biểu diễn và cũng tự mình... đánh chiêng, thấy rõ ràng nó khác tất cả các môn âm nhạc khác. Người đánh cồng chiêng kết hợp giữa cảm xúc, cảm giác và không gian. Mỗi lần đánh là một lần âm điệu phát ra khác và ở mỗi vị trí của chiêng cũng sẽ có một âm điệu khác, quá trình lên âm của cồng chiêng cũng biến tấu theo kiểu “tự thân âm vang” giống như một dụng cụ ảo thuật...

Người dân Tây Nguyên cũng rất đặc biệt. Lúc đầu tôi đến dự các đám tang, các nghi lễ thì người dân không cho tham gia nhưng vẫn mời tôi uống rượu cần. Tôi muốn hòa đồng, muốn cùng sống để hiểu về sinh hoạt, phong tục nên đã uống rượu cần và nhiều lúc uống tới mức gần say, lúc say rồi họ mới... đưa cồng chiêng cho tôi đánh thử. Quả là một trải nghiệm quý báu. Tôi tham gia giã gạo cùng bà con, cùng họ tổ chức đám ma và xem họ biểu diễn cồng chiêng... Đến giờ câu nói bằng tiếng Việt mà tôi nhớ nhất khi ở với người dân tộc thiểu số là “không say không về”! (Vincezo nói câu không say không về bằng tiếng Việt một cách hài hước).

* Ông đã “thu hoạch” được những gì sau chuyến nghiên cứu, trải nghiệm này?


- Tôi thấy âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên là một lĩnh vực rất đặc biệt, rất thú vị và có gì đó bí ẩn.

Thật khó để tôi có thể diễn tả hết các hiểu biết về bộ môn này bởi mỗi dân tộc có một bộ chiêng khác nhau, cách chơi cũng khác nhau.

Điều mà tôi cảm thấy thích thú nhất là được hòa mình vào cùng với người dân, được cùng họ tổ chức những nghi lễ và trong các nghi lễ đó tôi được trực tiếp cầm chiêng để đánh. Khi được đánh chiêng trong không khí như thế, tôi đã cố tập trung và cảm nhận vì sao nó trở nên hấp dẫn đến vậy. Đó là một loại nhạc cụ rất đặc biệt và cảm giác khi đánh vào cũng thật đặc biệt. Cùng với những trải nghiệm và hiểu biết, khi về Ý tôi sẽ cố giải thích cho mọi người biết về không gian văn hóa cồng chiêng theo cách hiểu của tôi.

* Ông dự định khi nào sẽ hoàn thành luận án và sử dụng đề tài khoa học này như thế nào?

- Dự kiến sau khi kết thúc đợt nghiên cứu ở Đắk Lắk, tôi sẽ đi thêm một số địa phương khác và khoảng hai năm nữa sẽ bảo vệ đề tài tại Đại học La Sapienza University of Rome (TP Rome). Đề tài nghiên cứu của tôi trước hết đó là đam mê và sở thích của tôi, chứ tôi chưa nghĩ tới nó sẽ phục vụ mục đích lớn nào cả.



Ông Vincezo giã gạo cùng bà con ở huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk - Ảnh: B.D.

Tại buổi nói chuyện với cán bộ Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk ngày 5-12, thạc sĩ Vincezo Della Ratta cho biết ông cảm nhận được cồng chiêng Tây Nguyên đang từng bước thay đổi. “Tôi đã được trực tiếp xem các buổi lễ, các nghi thức trong đó người dân có đánh cồng chiêng như một sinh hoạt văn hóa. Trong một số buổi lễ tôi còn thấy người ta dùng... đàn guitar để đệm vào dàn âm thanh của cồng chiêng. Đây rõ ràng có sự thay đổi - kết hợp. Tôi không đánh giá được việc kết hợp này tích cực hay tiêu cực, nhưng có thể thấy cách sử dụng cồng chiêng cũng ít nhiều có biến đổi theo hướng thể hiện sự giao tiếp, mở rộng hơn chứ không còn đóng khung trong sinh hoạt cộng đồng nữa” - ông Vincezo nói.

 

 

Lan Hương (Theo Tuổi Trẻ)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo