Nguyên Chủ tịch Tập đoàn dầu khí có thể bị truy cứu trách nhiệm?
Nguyên nhân khiến Chủ tịch Tập đoàn dầu khí 'bay" chức
Như thông tin đã đưa, hôm 19/7, xét đề nghị của Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 1105/QĐ-TTg về việc cho thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đối với ông Nguyễn Xuân Sơn.
Thủ tướng đồng thời đồng ý với đề nghị về việc giao ông Nguyễn Quốc Khánh, Tổng Giám đốc PVN, tạm thời kiêm thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch HĐTV PVN.
Được biết, ông Sơn sinh năm 1962, quê quán Hà Tĩnh. Trước khi trở thành chủ tịch HĐTV, ông Sơn là Phó TGĐ PetroVietnam. Ông Sơn tốt nghiệp đại học chuyên ngành vật giá và Trường Đào tạo cán bộ Dầu khí tại Đại học Kinh tế Quốc dân và tốt nghiệp khóa đào tạo chuyên ngành Quản trị kinh doanh, cấp đào tạo trên đại học tại Trường Đại học Nam Carolina (Mỹ).
Báo Vietnamnet đưa tin, trước khi vươn lên vị trí đứng đầu một tập đoàn kinh tế hàng đầu của Việt Nam, ông Sơn đã có thời gian công tác 30 năm gắn bó với ngành dầu khí với vị trí đầu tiên là cán bộ Vụ Tài chính Kế toán Tổng cục Dầu khí (năm 1984) sau đó là Tổng công ty Dầu khí Việt Nam.
Từ năm 2003 đến tháng 10/2006, ông Sơn giữ chức Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC), sau đó giữ chức Tổng giám đốc PVFC đến tháng 5/2007. Vào tháng 12/2008, ông Sơn được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương. Từ 15/11/2010 đến nay, ông đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc PVN.
Ông Nguyễn Xuân Sơn được bổ nhiệm thay ông Phùng Đình Thực - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/6/2014.
Theo nguồn tin trên báo Lao động, việc ông Nguyễn Xuân Sơn vừa bị thôi chức Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN có liên quan đến việc ông này phải chịu trách nhiệm về số vốn đầu tư của PVN tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (năm 2008 - đầu năm 2010).
Báo Lao động cho hay, việc ông Sơn trong thời gian làm TGĐ Ocean Bank đã phải chịu trách nhiệm liên đới về khoản đầu tư 800 tỷ đồng của PVN tại ngân hàng này do có nguy cơ mất trắng khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây tuyên bố mua lại bắt buộc Ocean Bank với giá 0 đồng để trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ.
Những nghi vấn này không phải không có cơ sở khi Báo cáo tình hình quản trị Ngân hàng TMCP Đại Dương năm 2014 cho thấy, tính đến 31/12/2014, PVN vẫn còn nắm giữ 80 triệu cổ phần OJB, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 20%.
Nguyên Chủ tịch PVN sẽ chịu trách nhiệm gì?
Theo báo Lao động, theo các quyết định hiện hành, “Nếu PVN nhận vốn Nhà nước mà kinh doanh lỗ thì phải chịu trách nhiệm và xử theo Quyết định 924/QĐ-TTg (ngày 18.6.2010) và Nghị định 143/NĐ-TTg (ngày 31.10.2013) của Thủ tướng Chính phủ”.
Theo đó, quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc trong việc điều hành và quản lý PVN. Điểm 4, Điều 59, mục 3, Nghị định 143 quy định “Khi vi phạm một trong các trường hợp sau đây nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV và TGĐ PVN không được thưởng, không được nâng lương và bị xử lý kỷ luật tùy theo mức độ vị phạm: Để PVN lỗ; để mất vốn nhà nước; quyết định dự án đầu tư không hiệu quả, không thu hồi được vốn đầu tư, không trả được nợ; để xảy ra các sai phạm về quản lý vốn, tài sản, về chế độ kế toán, kiểm toán...”.
Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng: “Dù việc góp cổ phần theo hưởng lời ăn, lỗ chịu, nhưng chắc chắn lãnh đạo của PVN sẽ phải chịu trách nhiệm với Nhà nước về việc quản lý vốn tại DN. Thậm chí nếu phát hiện việc sử dụng vốn nhà nước đầu tư không hiệu quả thì bồi thường hoặc chịu trách nhiệm hình sự. Việc này tới đây cơ quan chủ quản sẽ quyết định dựa trên kết luận của thanh tra, kiểm toán. Báo Lao động cho hay.
Liên quan đến vụ việc ông Nguyễn Xuân Sơn bị thôi chức, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, ông Sơn gần đây bị cơ quan công an triệu tập nhiều lần.
End of content
Không có tin nào tiếp theo