Nhà đầu tư hoạt động vì lợi ích cổ đông: Kẻ lừa đảo trở thành người hùng
Trở lại những năm 1970-1980, những nhà đầu tư hoạt động vì lợi ích cổ đông như Icahn bắt đầu thâm nhập các công ty. Họ trở nên giàu nhanh chóng nhờ việc “tống tiền” các công ty và các cổ đông khác.
Thông thường, những nhà đầu tư này sẽ mua một lượng lớn cổ phiếu của công ty và đe dọa sẽ làm ầm ĩ về việc công ty hoạt động kém hiệu quả tới mức nào. Bởi vậy, thay vì bị sao lãng công việc và bị bôi nhọ hàng tháng trời, ban lãnh đạo công ty thường thuyết phục những “kẻ đột kích” này rút vốn bằng việc mua lại các cổ phiếu mà họ nắm giữ với mức giá cao hơn mức giá của thị trường.
Công ty mất tiền, các cổ đông mất tiền, chỉ có những nhà đầu tư này được hưởng lợi trong lúc công ty đang khó khăn. Từ đó, những nhà đầu tư này được gắn với những cái tên như “kẻ đột kích doanh nghiệp” hay “kẻ tống tiền công ty”.
Ngày nay, những nhà đầu tư này lại trở thành những người cứu cánh cho những cổ đông khác và giúp họ giàu hơn.
Về cơ bản, các nhà đầu tư hoạt động vì lợi ích cổ đông hiện nay vẫn mua một lượng lớn cổ phiếu của công ty và đề xuất những ý tưởng để công ty hoạt động tốt hơn. Sau đó, họ sẽ vận động các cổ đông khác gây sức ép lên ban lãnh đạo công ty để thực hiện những ý tưởng đó.
Những đề xuất thay đổi của họ rất đa dạng: từ việc kêu gọi các công ty lớn trả thêm tiền cho các cổ đông như cách Icahn đã yêu cầu Apple, tới việc thay đổi chiến lược và lãnh đạo công ty như các Daniel Loeb đã làm tại Yahoo.
Chiến lược hành động của họ là: Thay vì ngồi dự đoán diễn biến của thị trường, họ chủ động can thiệp vào công ty theo hướng có lợi cho cổ đông. Nhờ đó, ngay sau khi các nhà đầu tư hoạt động vì lợi ích cổ đông công bố kế hoạch đầu tư vào một công ty nào đó, giá cổ phiếu của công ty đó thường có xu hướng tăng nhanh.
Ví dụ, năm ngoái, khi Carl Icahn tiết lộ việc mua một lượng lớn cổ phần trong Apple, giá cổ phiếu của hãng ngay lập tức đã tăng 5,69% và đóng cửa với mức tăng 4,75%, phiên giao dịch có mức tăng cao thứ hai trong lịch sử của Apple.
Những cái tên quen thuộc như Carl Icahn của Icahn Enterprises, David Einhorn của Greenlight Capital, Nelson Peltz của Trian Partners, Daniel Loeb của Third Point, Paul Singer của Elliot Management, hay Bill Ackman của Pershing Square là những cái tên được giới đầu tư thường xuyên săn đón.
Mặc dù vậy, nhiều người vẫn chỉ trích rằng các nhà đầu tư hoạt động vì lợi ích cổ đông chỉ có thể mang lại lợi ích ngắn hạn bằng việc tăng giá cổ phiếu, còn về dài hại thì giá trị của công ty lại bị giảm đi.
Song bằng chứng gần đây về việc can thiệp của các nhà đầu tư này trong khoảng 2.000 trường hợp lại chứng minh điều ngược lại. Tính trung bình, mức giá cổ phiếu và hiệu quả hoạt động của các công ty sau 5 năm được đầu tư đã trở nên tốt hơn các đối thủ cùng ngành. Những bằng chứng thuyết phục này đã góp phần giải thích vì sao danh tiếng của các nhà đầu tư hoạt động vì lợi ích cổ đông ngày càng nâng cao.
End of content
Không có tin nào tiếp theo