Văn hóa

Nhà Gươl - biểu tượng văn hóa của người Cơ Tu

Nhà Gươl là nơi hội tụ tinh hoa trong văn hóa và kiến trúc và xứng đáng là một tác phẩm nghệ thuật tạo hình đặc sắc mang "linh hồn" của người Cơ Tu.

Gươl, tiếng Cơ Tu có nghĩa là công cộng - cộng đồng. Với người Cơ Tu, Gươl là loại hình kiến trúc độc đáo truyền thống và có vai trò quan trọng trong cuộc sống của họ.

Gươl là nơi để hội đồng già làng (Tacooh pươl) họp bàn và phán quyết những vấn đề hệ trọng mang tính sống còn của cộng đồng... nơi để tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của buôn làng như: Lễ ăn mừng lúa mới (Cha ha roo tơmêê), Lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cà Tu (Pơ-ngoót); Lễ ăn mừng được mùa (Bhuối aví)... Vì thế, dù giàu hay nghèo, muốn giữ được truyền thống thì trong bản phải có Gươl. Nhà Gươl được coi là nơi tôn kính, chốn linh thiêng thờ các vị thần linh dân gian, ông bà tổ tiên và nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Cơ Tu.

Nhà Gươl không chỉ là sản phẩm của một cá nhân mà là kết quả của sự chung tay góp sức của tất cả gười dân trong làng. Dưới những bàn tay khéo léo của những người thợ giỏi nhất, nhà gươl nổi bật được cái vẻ bề thế nhưng rất tự nhiên, hội tụ được tinh hoa kiến trúc từ bao đời. Để rồi, qua bao đời, nó trở thành niềm tự hào của người Cơ Tu.

Nhà Gươl - biểu tượng văn hóa của người Cơ Tu.

Theo phong tục xưa, sau khi đã chọn được đất làm nền thì người Cơ Tu tổ chức lễ dựng nhà Gươl. Lễ này được tổ chức vào sáng sớm khi Mặt trời vừa mọc ở hướng Đông. Đầu tiên là dựng cây cột cái, khi cột này được dựng ngay ngắn, già làng lấy một ít nước đổ vào cây cột cái đó như cầu mong thần linh phù hộ cho dân làng khoẻ mạnh, sống hoà thuận, đoàn kết, hạnh phúc, thương yêu nhau…

Nhà Gươl của người Cơ Tu gần giống nhà sàn của người Cơ Tu, làm băng gỗ, lợp bằng lá gồi hoặc lá mây nhưng nó bề thế và được chạm khắc công phu hơn.

Nhà Gươl được xây dựng ở khu vực trung tâm của cộng đồng dân cư. Nét đặc trưng nổi bật của nhà gươl Cơ Tu chính là bộ mái cao, cuốn tròn hai đầu hồi. Nét đặc trưng khác biệt của nhà Gươl với đa số loại nhà của các tộc người khác là con số chẵn: Số gian chẵn, số cột chẵn... thậm chí đòn nóc cũng chẵn.

Nhà Gươl của đồng bào Cơ Tu xây dựng theo một phong cách riêng biệt, thể hiện rõ nét văn hoá riêng có của dân tộc này và được chính bàn tay, khối óc của cả làng làm nên. Gươl có một cái trụ to ở chính giữa (rmăng), xung quanh nhiều trụ nhỏ kết nối với nhau thành hệ thống vững chắc. Cây cột này khẳng định uy quyền, sự lớn mạnh của bản này với bản khác. Cây cột cái ở giữa có hình khắc giống với hình trên cột đâm trâu (xờnuh) biểu tượng của cái trục của làng. Nhìn vào cây cột cái của nhà Gươl (cây cột to hoặc nhỏ) chúng ta có thể biết được uy quyền và sức mạnh của làng đó.

Toàn cảnh ngôi nhà Gươl của người dân tộc Cơ Tu.

Xung quanh, những tấm ván thưng, những thanh xà chạm trổ tinh tế, sống động hình ảnh của các con vật gắn bó với người Cơ Tu như: Trâu, tắc kè, trăng, kỳ đà, thằn lằn... và một số cảnh sinh hoạt đời thường của cộng đồng cũng được thể hiện như: người đàn ông đánh trống, phụ nữ bồng con... Mặt trong của mái treo sọ các thú vật săn bắn được hoặc sọ trâu sau các lễ, treo các nhạc cụ truyền thống… Phần trên của cây cột giữa thường xuyên có treo một đầu trâu mới làm lễ hiến sinh trong thời gian gần nhất.

 

Tỉ lệ chiều cao giữa mái, sàn và tổng thể là 2/1/3 - một tỉ lệ hết sức hợp lý trong bố cục tạo hình - cho dù nghệ nhân Cơ Tu không hề biết đến "tỉ lệ vàng" trong kiến trúc. Điều đó cho thấy sự cảm nhận về nghệ thuật của những nghệ nhân làm nhà gươl rất tinh tế, điều này thể hiện rõ nét hơn trong kết cấu kiến trúc và nghệ thuật trang trí nhà Gươl.

Khác hẳn với lối kiến trúc chịu lực dàn đều bằng hệ thống cột - xà thường thấy ở nhà rông hay đình làng, hệ thống chịu lực trong kết cấu kiến trúc nhà gươl tập trung vào một cây cột "bố" được chôn rất sâu chính giữa lòng nhà kéo dài lên đỉnh nóc liên kết toàn bộ hệ thống dầm, xà và đòn nóc tạo thành một cái ô khổng lồ.

Đối xứng qua cột trung tâm là những "cột mẹ", số cột gấp đôi số gian của một nhà gươl. Các cột này liên kết với nhau thông qua hệ thống dầm, xà tạo nên một bộ khung hết sức vững chãi. Ở hai đầu hồi, các vách ngăn được làm bằng ván dày hoặc vỏ cây vừa bền, vừa chắc, vừa có tác dụng như một lớp cách nhiệt, đây là tấm lá chắn cho các chiến binh Cơ Tu phòng chống thú dữ và kẻ thù nơi khác đến.

Những chiếc mặt nạ của nhà Gươl Cơ Tu.

Với độ dốc lớn nhưng hệ thống đòn mái chỉ có 1 điểm tì duy nhất lên bộ khung và liên kết từng đôi một tại đỉnh nóc, nhưng không vì thế mà mái nhà gươl lại kém chịu lực, bởi toàn bộ đòn mái đã được 2 cây đòn nóc ép chặt. Loại kết cấu 2 đòn nóc này chưa hề thấy ở các kiến trúc gỗ khác trên đất nước ta. Vì thế, nhà Gươl rất thoáng, sâu.

Yếu tố nổi bật là các thành phần trang trí hoa văn hình kỉ hà, hết sức tinh tế. Gồm các loại hình tam giác, hình tròn, hình ô trám, đường gấp khúc.... được sắp xếp rất logic, tạo nên các dải trang trí nối tiếp theo những motip thống nhất từ trong ra ngoài.

 

Phía trên hai đầu nhà Gươl thường được chạm, khắc hình gà trống hoặc hai đầu trâu nhô sừng lên đối diện. Bên trong được chạm các hình ảnh rất độc đáo, mang những nét văn hóa riêng của người Cơ Tu, như: Hình ảnh các chàng trai, thiếu nữ Cơ Tu múa cồng chiêng, săn bắt thú rừng...

Có thể nhận ra điêu khắc nhà Gươl của người Cơ tu gắn với linh hồn của mỗi thôn, làng. Chính vì thế, người Cơ Tu tin rằng chính linh hồn của làng đã tạo nên linh hồn cho các tác phẩm điêu khắc. Đây cũng là chốn linh thiêng, mọi người phải tôn kính.

Nên đọc
Theo Dân tộc Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo