Nhà sáng lập Inspired Image Hương Nguyễn: Sự tự tin sẽ khởi nguồn cho tất cả
Rời bỏ công việc kinh doanh với mức lương đáng mơ ước, Hương Nguyễn khởi nghiệp với công việc chuyên gia tư vấn xây dựng hình ảnh cá nhân tại Anh vào năm 2002. Thương hiệu Inspired Image của nữ doanh nhân đã giúp thay đổi phong cách cho hơn 3.000 cá nhân từ Âu sang Á, trong đó, chủ yếu là giới doanh nhân, nhà ngoại giao, người dẫn chương trình.
Hện nay, tên tuổi của chị đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và Liên đoàn quốc tế về Chuyên gia xây dựng hình ảnh tại Anh quốc (Federation of Image Professionals International - FIPI) cũng trao giải Master cho nữ doanh nhân. Từ năm 2015, chị là cố vấn tại Naisa Global, Hoa Kỳ - một tổ chức phi chính phủ chuyên đào tạo những người chuyên nghiệp trẻ có gốc châu Á. Dưới đây là những chia sẻ của chị về con đường lập nghiệp và Inspired Image.
* Vì sao đang rất thuận lợi trong vai trò marketing, chị lại quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ với mình, tại một đất nước mà nghề xây dựng phong cách cá nhân đã nổi tiếng toàn thế giới suốt nhiều năm qua?
Trước khi ra trường, tôi có quen một cô bạn lớn tuổi có hình ảnh rất chỉn chu, thanh lịch. Để ý, tôi thấy người xung quanh rất kính nể và tôn trọng cô ấy. Tôi tò mò hỏi tại sao lúc nào hình ảnh của chị cũng đẹp và thanh lịch như vậy? Cô nói tất cả là nhờ một chuyên gia về xây dựng hình ảnh.
Để dành một ít tiền, tôi đến gặp chuyên gia tư vấn. Tuy chi phí khá cao, nhưng sau khi nhận được những lời tư vấn của chuyên gia, mình cảm thấy đó là một đầu tư đúng đắn, cho mình biết làm sao để tạo ra được hình ảnh đi cùng với giá trị con người mình, làm cho mình đẹp hơn, giúp mình mua sắm quần áo thông minh hơn v.v.. Trải nghiệm đó đi cùng với mình nhiều năm, những lần đi phỏng vấn công việc tôi luôn được trúng tuyển nhờ chuẩn bị tốt phần hình ảnh.
Sau khi ra trường làm nhiều việc về quản lý dự án ngành sức khỏe, làm marketing trong ngành bán lẻ, thiết kế thời trang v.v.. Rồi, khi cảm thấy có đầy đủ kinh nghiệm trong môi trường làm việc, đủ kinh nghiệm sống, tôi đã quyết định khởi nghiệp ngành tư vấn hình ảnh và phong cách cá nhân.
Theo tôi, nghề này không chỉ cần kiến thức về công việc, mà cần cả kiến thức sống. Bởi vì đây là tư vấn cho khách hàng để làm sao thể hiện giá trị cá nhân qua tác phong và cách ăn mặc sao cho phù hợp vóc dáng và công việc của mình.
Thành lập thương hiệu Inspired Image, được giải Master của liên đoàn quốc tế về chuyên gia hình ảnh tại Anh Quốc, đến giờ tôi là người giám khảo cho nhóm các master của liên đoàn này. Năm vừa qua, tôi có kết hợp với công ty Debrett’s chuyên về nghi thức xã giao danh tiếng và có uy tín nhất tại Anh quốc, thành lập từ 1769, để đào tạo khóa học “Con đường đến thành công cho thanh thiếu niên”, giúp các bạn trẻ gặt hái được sự tự tin, xây dựng hình ảnh và tiếp xúc với nhiều người thuộc các lứa tuổi khác nhau.
Theo phản hồi của khách hàng, họ thích vì mình đã tạo ra cho họ hình ảnh mà họ cảm thấy hài lòng, thể hiện những gì chân thật về họ, giúp họ đẹp và tự tin hơn.
Họ thích sự lắng nghe của mình, hiểu về cuộc sống, công việc, thách thức, rào cản mà họ đang có, bằng cách dùng năng khiếu và kinh nghiệm sống của mình để giúp họ vượt qua những rào cản đó.
* Số vốn đầu tiên, vị khách hàng đầu tiên của chị?
Khởi nghiệp cách đây 16 năm, lúc đó tôi 34 tuổi, kinh nghiệm sống và làm việc đã khá đầy. Đối với một người thích phiên lưu, tôi nghiệm ra rất nhiều từ nền tảng công việc marketing, nghiên cứu, ngay cả việc đặt tên thương hiệu cũng mất nhiều thời gian cho nó. Tôi muốn tạo ra hình ảnh gây cảm hứng cho mọi người để từ đó biến thành sự tự tin, vì tự tin là sự khởi nguồn cho tất cả. Sau khi tốt nghiệp về ngành này, tôi liên tục phải học thêm, ở Anh họ đào tạo bài bản lắm.
Công việc của nhà thiết kế thời trang và xây dựng hình ảnh rất khác nhau. Thiết kế thời trang là lấy những gì xung quanh và tạo ra xu hướng thời trang cho đám đông, còn xây dựng hình ảnh là tạo ra hình ảnh mang tính cá nhân, một ấn tượng riêng về cá tính của mình bằng cách áp dụng những khía cạnh thời trang cho riêng mình, hơn là để người khác áp đặt cho mình.
Ngành này đòi hỏi phải có trình độ thẩm mỹ, vừa áp dụng, vừa học thêm chuyên sâu hơn. Tôi cũng đầu tư khá nhiều về tiền bạc và thời gian để xây dựng thương hiệu. Những năm đầu tiên mình đứng ra trực tiếp tư vấn, sau này có thêm những cộng sự khác là khách hàng của mình, những người chuyên nghiệp nam và nữ.
Năm 2002 bước vào ngành này, 95% khách hàng của tôi là nữ hết. Đến 2008, 40% khách hàng của tôi là nam rồi. Điều đó cho thấy nam giới cũng rất quan tâm tới việc xây dựng hình ảnh cá nhân. Xu hướng này rồi sẽ phát triển ở Việt Nam thôi.
* Chị đã chứng kiến nhiều khách hàng của mình “thay cách mặc, đổi cuộc đời”?
Những vị khách hàng đầu tiên của tôi hầu như đều trong giới kinh doanh, vì phí của mình không thấp như người khác. Họ là những người có công việc tốt, có trách nhiệm. Thời điểm họ tìm đến tôi là lúc họ muốn thay đổi trong công việc và cuộc sống, hoặc vừa được thăng tiến, hoặc đã lâu chưa cập nhật hình ảnh mới mẻ, hoặc là già đi, đang có sự thay đổi về cân nặng, lên ký hoặc xuống ký sau khi trải qua cơn bệnh, hoặc mới sinh con, muốn trở lại với công việc…Sự thay đổi đó làm họ cảm thấy không chắc chắn lắm về hình ảnh nên tìm đến mình.
Tôi đã thay đổi hình ảnh cho hơn 3.000 cá nhân, tôi thấy không những đứng trước gương, họ cảm thấy rất thoải mái với mình, cảm thấy mình đẹp mà nụ cười đến với họ cũng dễ dàng hơn. Có người chia sẻ “Tôi không cảm thấy sợ hãi nữa”, thậm chí có người đã tìm được người bạn đời mới nữa.
Chính họ tự nguyện marketing cho tôi, người này nói với người khác về công việc của mình. Lúc đầu khó khăn, nhưng sau một thời gian ngắn, tôi đã có lượng khách hàng ổn định. Từ trước tới giờ tôi không dùng quảng cáo, đối với dịch vụ tư vấn cá nhân, người này nói người kia thôi.
Một khách hàng là nha sĩ rất giỏi, đẹp trai, người hơi thấp chút thôi, vì vậy anh cảm thấy không tự tin với mình lắm. Tôi giúp anh cảm thấy ưu thế của mình, sau đó đi shopping với anh, có thêm tủ quần áo mới. Ba tháng sau gọi điện cho anh, anh nói “tôi cảm thấy rất thoải mái tự tin rồi.
Trước đây mỗi tối đi làm về tôi chỉ biết ngồi trước TV, sau khi gặp Hương tôi đăng ký hai CLB chèo thuyền và đi bộ với người khác, và đã có bạn gái rồi. Lúc xưa anh không dám tiếp xúc với người khác, với hình ảnh mới, anh có sự năng động mới, anh tham gia hai CLB. Thật ra mục tiêu của anh đến với mình là tìm người bạn đời trong tương lai…
Để giúp được mọi người, mình cần lắng nghe rất kỹ. Quan trọng phải tìm hiểu cá tính, cuộc đời, những thử thách của họ đang có, đặt câu hỏi khéo léo về nhu cầu của họ. Phải tư vấn tinh tế hơn dựa trên kinh nghiệm, cảm xúc, phát hiện ra nhiều thứ mới đưa ra được lời khuyên hợp lý.
Một CEO của công ty rất lớn bên Anh, cứ 6 tháng tôi gặp ông ấy một lần để tìm quần áo mới cho ông. Tiền bạc với ông không thành vấn đề.
Lần đầu tiên đi shopping với ông, ông nói “Tôi đã sử dụng nhiều công ty về tư vấn hình ảnh, nhưng lần đầu tiên tôi thấy Hương lắng nghe tôi, tôi được là nhân vật chính. Còn nơi khác họ chỉ giới thiệu những bộ mốt nhất cho tôi mà thôi”.
Bây giờ, mọi thứ đều có thể tìm thấy trên Google, vì sao chị vẫn dồn hết tâm huyết để thực hiện cuốn sách “Thay cách mặc, đổi cuộc đời”, với những câu chuyện hết sức cụ thể của Phạm Thị Mai Son - CEO công ty Maison, Lê Anh Thơ - CEO Mathnasium Vietnam, Ngô Thanh Vân - nhà sản xuất phim…?
Ở Anh, đây là dịch vụ đã có từ 1960, có vị trí rõ ràng trong xã hội. Đối với các chính trị gia, họ thường có sự hỗ trợ của các vị tư vấn hình ảnh.
Công việc này không mới ở Anh, tuy nhiên có sự thay đổi. Nhiều người có thể nói không cần tư vấn về phong cách cá nhân, cái gì cũng có thể kiếm trên Google. Tuy nhiên, ai cũng có thể viết và đăng trên Google, nhưng chỉ nói chung chung trên mạng thôi, xây dựng hình ảnh phải có tư vấn.
Bởi vậy tôi mới viết cuốn sách dành riêng cho phụ nữ Á Đông, hướng dẫn về màu sắc phù hợp với màu mắt, màu tóc, vóc dáng của người châu Á. Nếu mình áp dụng thông tin chung chung chưa chắc phù hợp với một vóc dáng nhỏ hơn, trẻ hơn tuổi của mình. Cuốn sách còn đi sâu vào những quy tắc trang phục cho từng nghành nghề, từng công việc.
So sánh với môi trường sống của Việt Nam, những nghiên cứu của tôi về tính phổ quát và tình riêng biệt của từng ngành nghề như địa ốc, pháp luật, kiến trúc… vẫn phù hợp, vì Việt Nam bây giờ đã là môi trường toàn cầu hóa, có sự cân bằng giữa quan điểm thẩm mỹ về cái đẹp và thước đo về sự thành công, chuyên nghiệp, sự tin cậy… Chính khách hàng đã cho mình cơ hội để nghiên cứu.
* So với lần đầu trở về nước cách đây 8 năm, chị thấy cách xây dựng hình ảnh cá nhân của giới doanh nhân đã thay đổi nhiều chưa?
Lúc tôi mới về, những cửa hàng thời trang không nhiều, giờ thấy cửa hàng thời trang nhiều hơn, nhưng càng nhiều thì làm sai càng lớn. Khi làm những dự án cho các công ty, câu hỏi đầu tiên họ đặt ra với tôi là “làm thế nào để tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp?”. Nhiều bạn đã có hình ảnh đẹp, nhưng thường mắc ba lỗi:
- Thứ nhất chưa có sự quan tâm đến hình ảnh chuyên nghiệp;
- Thứ hai có cố gắng nhưng kết quả vẫn hơi quá non nớt, quá trẻ, không phù hợp với môi trường công việc, chưa thể hiện sự chỉn chu, năng động hiểu biết;
- Thứ ba có sự chăm chút nhưng… hơi quá, cố gắng diện đẹp nhưng hơi giống đi tiệc tối thay vì đi đến văn phòng!
Thể hiện sự chưa tìm đến tự tin. Cuối cùng, mình chỉ cố gắng để… giống người khác! Tôi muốn qua cuốn sách này, giúp bạn làm nên hình phù hợp với mình, tạo sự gần gũi với người khác. Còn hình ảnh đẹp mà khiến mình xa cách với cuộc sống thì chỉ để người ta ngưỡng mộ chứ không phải là muốn cùng làm việc, đó chưa phải là hình ảnh của thành công, cái vỏ không ăn nhập gì với nội dung thì rất yếu, rất mong manh.
Tôi cũng muốn làm nhiều tọa đàm trong tháng tới với những đề tài rất gần gũi, thực tế với các chị em, để mọi người có thể tìm đến nhau.
* Theo chị, vì sao giới trẻ hiện nay nhiều người đổ vỡ về hình ảnh chính mình, gây ra sự trầm cảm, có người còn tìm đến cái chết?
Đó là sự hẫng hụt, áp lực rất lớn trong việc tạo dựng hình ảnh. Khi đi học áp lực đạt điểm cao, chọn ngành sau khi học ra trường phải có công việc tốt, làm ở công ty quốc tế, để có đồng lương ổn định, nhưng một mặt lại muốn sống với đam mê, nhưng không dám từ bỏ.
Việc chọn nghề của tuổi trẻ rất chông chênh. Hương là gốc Việt, nên hiểu logic của người Á Đông, cùng lúc có kinh nghiệm sống phương Tây, nên có thể nhìn thấy cả hai khía cạnh đầy mâu thuẫn đó. Ngược lại bên Mỹ họ sẽ tự đặt câu hỏi đam mê của tôi là gì? Khả năng của tôi để theo đuổi đam mê như thế nào? Thị trường công việc tôi muốn thế nào?
Câu hỏi đặt ra cho mình rộng hơn, vì công việc thì chẳng bao giờ ổn cả. Trong cuộc đời làm việc, mình sẽ đi vào nhiều ngành, cho mình sự thú vị nhưng không bền vững, sự thiếu bền vững đó khiến mình lo sợ…
Khi 34 tuổi, tôi quyết định chuyển nghề, cũng phải đấu tranh dữ lắm. Phải tìm hiểu ngành này mình có thể sống được không? Lúc đó làm marketing lương rất tốt. Trước khi vào ngành này, phải tìm hiểu rất nhiều sẽ mất gì? Chắc chắn mất thu nhập ổn định, thứ nhì phải đầu tư bao nhiêu? Khả năng thu nhập thế nào? Tôi cho tôi một thời gian sau khi chuyển nghề thu nhập rất thấp… chấp nhận thời gian đó là bao nhiêu, nếu thành công thì OK, nếu thất bại phải theo hướng khác.
Thực sự đam mê không phải lý do lôi cuốn duy nhất, nếu đam mê là một phần sự nghiệp sẽ làm cho cuộc sống thú vị hơn. Tôi luôn tìm ra những điều nếu không đáp ứng 100% đam mê phải có gì truyền cảm hứng, ví dụ có cơ hội giao tiếp với nhiều người, đi nhiều nước, tìm hiểu thị trường… Cuộc đời không phải theo đam mê là được tất cả, luôn có thử thách. Điều chỉnh ở đây là được thể hiện mình, được người khác đánh giá mình đúng hơn, được tôn trọng, từ đó mình thấy là khởi điểm cho tự tin, vui sướng, hạnh phúc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo