Nhạc sến sống cùng thời gian
Mới đây, một chương trình truyền hình thực tế hát nhạc bolero được tổ chức ở TPHCM thu hút tới 6.000 thí sinh tham gia.
Âm nhạc bình dân nhất
Theo nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, nhạc sến là một “chi phái” của nhạc vàng, nhưng là loại nhạc bình dân nhất của nhạc vàng. Nó phản ảnh tinh thần đời sống của những lớp người dân như người giúp việc, người làm thuê. Nhạc vàng trước năm 1975 chỉ gồm hai điệu đơn giản mà hầu như ai chơi đàn cũng đánh được cả, đó là điệu bolero và điệu slow rock.
Sau năm 1975, không chỉ nhạc Tây mà nhạc vàng cũng bị cấm. Rồi sau đó, phong trào nhạc trẻ, rồi làn sóng xanh, thậm chí nhạc rock, tiếp tới là nhạc jazz bắt đầu được gầy dựng. Song bất chấp tất cả, nhạc sến vẫn chiếm một vị trí không thể thay thế trong lòng người.
Mới đây, chương trình ca nhạc “Dấu Ấn” của ca sĩ Bảo Yến là một minh chứng. Ca sĩ này vốn xuất thân từ nhạc ngoại, sở trường là nhạc rock, nổi tiếng với bài Hotel California, nhưng cô chỉ thực sự làm nức lòng khán giả với những tình khúc bolero của Hoàng Phương như Chuyện tình hoa muống biển, Chiều hè bãi biển, hay Mẹ Gò Công…
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhận xét, điệu bolero và slow rock, đều xuất phát từ Nam Mỹ nhưng đã được Việt hóa triệt để với sự chậm rãi đến kinh ngạc, đến mức một số nhà nghiên cứu nước ngoài nói rằng đó là “ngâm thơ” và chúng thường được sử dụng làm chủ đề để phát triển các đoạn cải lương. Ngoài ra, nhạc sến cũng có một tiết tấu rất đơn giản, những ca khúc tiết tấu phức tạp như “Còn thương rau đắng mọc sau hè” của Bắc Sơn là rất hiếm.
Những “ông hoàng nhạc sến”
Sự bùng nổ trở lại của nhạc sến những năm 1980-1990 đã hình thành những cái tên như “ ông hoàng nhạc sến” Ngọc Sơn chẳng hạn. Sau một số chuyện lình xình, ca sĩ này rất ít xuất hiện trên truyền hình, nhưng đừng ai nhầm lẫn rằng Ngọc Sơn giải nghệ, vì anh luôn được chào đón trong các chương trình biểu diễn ở các tỉnh. Khi ca sĩ này hát ở sân khấu 126, khán giả rất nô nức. Chương trình “Dấu Ấn” tổng kết sự nghiệp các nghệ sĩ, rồi đến chương trình Ngọc Sơn, lần đầu tiên xuất hiện tình trạng vé giả và nhiều khán giả không thể vào được khán phòng.
Nhạc sến cũng từ hải ngoại liên tục về nước để đáp ứng yêu cầu của khán giả, điển hình là Hương Lan, Phương Hồng Quế… song thực sự gây ra “bão” chỉ có thể là Quang Lê và sau đó là Chế Linh.
Không nơi nào nhiều tụ điểm hát với nhau như ở Sài Gòn, con số những điểm như vậy lên đến cả ngàn. Còn những quán treo biển “cà phê nhạc” có thể lến đến dăm ngàn, mà trong đó không hề biểu diễn nhạc sống, mà đơn giản họ chỉ phát suốt ngày những bài nhạc sến phục vụ công nhân, sinh viên học sinh, trí thức già, thậm chí cả văn nghệ sĩ nữa.
Họa mi núi rừng Siu Black xuống Sài Gòn mở quán nhạc rock rồi phá sản. Ngày cuối cùng đóng cửa quán, Siu Black còn nói với tôi rằng người Sài Gòn chỉ thích nhạc sến thôi. Nhạc rock ư? Người ta nghe chúng, nhưng khi hát thì họ lại hát nhạc bolero.
Tôi chứng kiến ở quận 3 quán hát với nhau của nữ nhạc sĩ Quỳnh Lệ mà những người 60-70 tuổi chính là khách hàng thân thiết. Họ thuộc vô số những bản nhạc sến, với nội dung na ná nhau, kể chuyện những mối tình tan vỡ vì giàu nghèo chênh lệch, hay sự trôi nổi của cuộc đời phiêu dạt. Những bài hát này, thoạt nghe, tưởng như của cùng một nhạc sĩ sáng tác. Bởi chúng đều dựa trên âm hưởng dân ca, ở giọng thứ, và đều kể các câu chuyện theo kiểu “nhà nàng ở cạnh nhà tôi”…
Viết nhạc sến không dễ
Phải nói rằng, nhạc sến tồn tại là một thách thức với những người nghiên cứu về âm nhạc. Bởi lẽ, tiết tấu cuộc sống ngày càng nhanh, thậm chí âm nhạc vũ trường, âm nhạc điện tử, những điệu nhảy sôi động đang tràn ngập trên ti vi, nhưng nhạc sến thì trái ngược hẳn. Nhạc sĩ Đài Phương Trang (sinh năm 1940) vẫn biểu diễn hàng tuần tại một quán nhạc nhỏ. Ông là tác giả của ca khúc Căn nhà dĩ vãng, đặc biệt nổi tiếng là Người yêu cô đơn. Ông kể rằng, những mối tình ông viết ra phần nhiều đều là tưởng tượng và đơn phương.
Nhạc sĩ trẻ Tuấn Khanh, M.C miễn phí cho chương trình của Đài Phương Trang nói rằng: “Ngay chính các nhạc sĩ cũng rất ngại cái tiếng nhạc sỹ nhạc sến. Họ đâu biết rằng nhạc sến là một phần rất giá trị của âm nhạc miền Nam nói riêng và Việt Nam nói chung”. Quả thật, ngay cả trong chương trình của chính mình, nhạc sĩ Đài Phương Trang cũng chỉ biểu diễn một nửa ca khúc sến, còn lại ông vẫn hướng tới nhạc sang.
Người ta thường hình dung nhạc sĩ dòng nhạc sến là người ít học hành, tự học, cuộc sống cũng khá vất vả phong trần, như nhạc sĩ Vinh Sử chẳng hạn, hay những người rất từng trải như Châu Kỳ - một người bạn âm nhạc rất thân thiết của gia đình chúng tôi từ trước 1945, hay những người phiêu bạt khắp phương trời như Duy Khánh. Họ ít khi được các nhà nghiên cứu đặt cùng “mâm” với những Văn Cao, Phạm Duy hay Trịnh Công Sơn. Song, thực tế rất nhiều ca khúc theo phong cách sến vài chục năm gần đây được viết ra khắp từ hải ngoại đến trong nước, nhưng để in dấu vào lòng người thì không hề dễ dàng. Những ca khúc sến được chính người nghe sàng lọc vì chúng chẳng có giải thưởng hay sự tôn vinh nào ngoài những quán cà phê bình dân. Tôi cũng chứng kiến nhiều cuộc trà dư tửu hậu của các nhạc sĩ Sài Gòn, họ cố tìm cho ra “bí quyết” sáng tác nhạc sến, nhưng đều “bó tay”.
Nhạc sến nghe na ná nhau, nhưng không phải là sản phẩm hàng loạt. Chính nhạc sĩ Đài Phương Trang, vốn là một nhà giáo, cũng thừa nhận rằng: “ Những câu nhạc như Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn chính là một phần cuộc đời tôi”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Động thái đáng chú ý của Phạm Hương giữa tin đồn rạn nứt với chồng đại gia
Quỳnh Nga xuất sắc trở thành Nữ hoàng Bước nhảy hoàn vũ 2024
Hành trình rực rỡ của Hoàng Yến Chibi tại "Chị đẹp đạp gió 2024"
Nữ ca sĩ nổi tiếng bị ‘yêu râu xanh’ sàm sỡ ngay giữa chốn công cộng, bị ám ảnh tâm lý nhiều năm
Vợ chồng Bình An gặp sự cố ‘dở khóc dở cười’ ngày cuối năm, CĐM bình luận ‘kiếp nạn vẫn chưa hết’