Nhịp cầu nhân ái

Nhiều doanh nghiệp hỗ trợ người dân Thừa Thiên Huế tái sản xuất sau bão lụt

DNVN – Thông qua Bộ NN&PTNT, nhiều doanh nghiệp lớn chuyên cung ứng dịch vụ nông nghiệp, sản xuất giống đã hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế về con giống, cây giống, thức ăn, chế phẩm vi sinh, thuốc sát trùng, hóa chất tiêu độc khử trùng, tư vấn kỹ thuật… với số tiền hàng tỷ đồng, nhằm hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất sau bão lũ.

Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế: Hỗ trợ đến tay người dân vùng lũ sớm ngày nào, tốt ngày đó / Quân khu 4 lập Sở Chỉ huy tiền phương ứng phó mưa lũ tại Thừa Thiên Huế

Thiệt hại hơn 2.200 tỷ đồng do thiên tai

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn, vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc hỗ trợ địa phương khắc phục sản xuất sau lũ và kiểm tra công tác phòng chống thiên tai.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong thời gian qua, tình hình bão lũ dồn dập những tháng cuối năm 2020 đã làm chết 38 người, 11 người mất tích, 142 người bị thương. Tổng thiệt hại về vật chất 2.273 tỷ đồng.

Sau thiên tai, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương kiểm tra thực địa, chỉ đạo khắc phục, động viên người dân bị ảnh hưởng bão lũ; đồng thời, tập trung khôi phục các công trình thiết yếu về nhà ở, giao thông, y tế, giáo dục, điện, viễn thông, sản xuất nông nghiệp.

Bão lũ dồn dập những tháng cuối năm 2020 đã thiệt hại về vật chất cho tỉnh Thừa Thiên Huế khoảng hơn 2.200 tỷ đồng.

Bão lũ dồn dập những tháng cuối năm 2020 đã thiệt hại về vật chất cho tỉnh Thừa Thiên Huế khoảng hơn 2.200 tỷ đồng.

Đến nay, UBND tỉnh tiếp nhận 170 tỷ đồng hỗ trợ từ Trung ương; Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp nhận tiền và hàng 106 tỷ đồng (81,5 tỷ đồng tiền mặt); tiếp nhận thông qua tài khoản của tỉnh 40 tỷ đồng; Hội chữ thập đỏ tiếp nhận 11 tỷ đồng. Bộ NN&PTNT hỗ trợ 2,15 tấn giống rau, 1.005 tấn giống lúa, 5 tấn hạt giống ngô cho người dân khôi phục sản xuất…

Tỉnh cũng đã phân bổ 70 tỷ đồng cho các địa phương an sinh xã hội và khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất. Ủy ban MTTQ và Hội Chữ thập đỏ đã và đang tiếp tục phân bổ tiền và hàng cho các địa phương.

UBND tỉnh đề xuất các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quan tâm hỗ trợ tỉnh phục hồi sinh kế, khôi phục sản xuất ổn định đời sống nhân dân. Về lâu dài, đề xuất Chính Phủ, các tổ chức quốc tế quan tâm hỗ trợ cho tỉnh khắc phục các công trình thủy lợi, đê điều, giao thông, sớm ổn định đời sống nhân dân; đồng thời, triển khai các dự án quan trọng cấp bách.

Nhiều doanh nghiệp hỗ trợ người dân tái sản xuất

 

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự vào cuộc rất đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời nhấn mạnh công tác chỉ đạo khôi phục sản xuất sau bão lũ phải sát sao, từng ngày, giống như nhiệm vụ chiến đấu, do đó các cơ quan chức năng phải cộng đồng trách nhiệm trong hỗ trợ người dân sản xuất, không để lỡ mùa vụ của nông dân. Nhiệm vụ cấp bách trước mắt là chỉ đạo khôi phục sản xuất, trong đó ưu tiên chăn nuôi gia cầm đảm bảo phục vụ thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán vì có chu kỳ sản xuất ngắn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, theo tính toán, tái chăn nuôi gia cầm từ nay đến Tết Nguyên Đán sẽ có sản phẩm, nhờ đó sẽ giúp bà con có thêm thu nhập và tạo sinh kế cho những chu kỳ sau. Tuy nhiên, để đẩy mạnh việc chăn nuôi sau lũ lụt, các địa phương phải thực hiện tốt công tác khử trùng, tiêu độc, đảm bảo môi trường an toàn, sạch bệnh… Đồng thời, thống kê cụ thể các hạng mục cần thiết nhất để xuất Trung ương xem xét, hỗ trợ kịp thời.

Nhiều doanh nghiệp hỗ trợ người dân tỉnh Thừa Thiên Huế khắc phục sản xuất sau bão lũ.

Nhiều doanh nghiệp hỗ trợ người dân tỉnh Thừa Thiên Huế khắc phục sản xuất sau bão lũ.

“Về lâu dài, Bộ đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các đơn vị liên quan xây dựng mô hình nuôi gia cầm sau mưa lũ để phổ biến, nhân rộng tại các địa phương; đồng thời chỉ đạo các viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và cơ quan quản lý địa phương tổ chức quan trắc môi trường vùng nuôi, đảm bảo môi trường an toàn trước khi thả nuôi, tránh thiệt hại”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nhấn manh.

 

Tại buổi làm việc, thông qua Bộ NN&PTNT, nhiều doanh nghiệp lớn chuyên cung ứng dịch vụ nông nghiệp, sản xuất giống đã hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế về con giống, cây giống, thức ăn, chế phẩm vi sinh, thuốc sát trùng, hóa chất tiêu độc khử trùng, tư vấn kỹ thuật… với số tiền hàng tỷ đồng, nhằm hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất.

Thay mặt chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cảm ơn sự tương thân tương ái của các doanh nghiệp đã hỗ trợ rất thiết thực, cụ thể và hứa sẽ chỉ đạo phân bổ kịp thời đến đúng địa chỉ.

Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm