Văn hóa

Nhờ Tết Việt mà tôi nhớ ý nghĩa Giáng sinh

Một tác giả người Anh có bài viết đăng trên BBC so sánh Giáng sinh với Tết cổ truyền với cái nhìn nuối tiếc khi Giáng sinh không còn không khí đầm ấm như Tết của người Việt Nam. DNVN xin trích đăng bài viết này để bạn đọc có thêm cái nhìn về về văn hóa Việt Nam qua con mắt người ngoài

Tại Anh chứng kiến những phút tranh nhau mua hàng trong ngày hội mua sắm kiểu Mỹ vào thứ Sáu (Black Friday).

 

Năm nay, mới vừa đến tháng 11 mà cơn sốt Giáng sinh đã làm nóng Anh quốc. Các cửa hàng trang hoàng lộng lẫy, chơi những ca khúc Giáng sinh quen thuộc.

 

Chỉ một hai tuần sau, các đoạn quảng cáo Giáng sinh lâm ly được các nhà bán lẻ tung ra, thúc ép người dân mua hàng đừng chậm trễ.

 

Kể từ dạo ấy, không khí Giáng sinh bao trùm khắp nơi, và cũng ngày càng trở nên nông cạn và sến ‘chảy nước’.

 

Với tôi, năm nay càng chứng tỏ rằng Giáng sinh đã trở nên quá thương mại. Chưa bao giờ lại có sức ép to lớn như vậy, buộc người ta bỏ những đồng tiền dành dụm cho những món quà thời trang đắt tiền.

 

Đỉnh điểm là ngày hội mua sắm kiểu Mỹ vào thứ Sáu (Black Friday) với vô số hàng giảm giá. Khách hàng hung hăng xông vào cửa hàng giành giật từ tivi cho đến giày dép. Trong tiếng nhạc Giáng sinh, người ta đánh nhau tại quầy, và có trường hợp, bảo vệ phải vào để vãn hồi trật tự.

 

Đa số người dân cảm thấy bực bội, giận dữ chứ chả thấy mình phải lịch sự với người khác. Ngày Black Friday đã trở thành đối nghịch với ý nghĩa của Giáng sinh.

 

Đã sống qua nhiều Giáng sinh ở Việt Nam, tôi suýt quên mất chủ nghĩa thương mại đáng chán ở nhà.

 

Giáng sinh ở Việt Nam khác lắm, giống như ngày Tình nhân Valentine thứ hai. Đó là khi các cặp yêu nhau rủ đi chụp hình, ăn tối ở nhà hàng dễ thương, tặng nhau quà. Cũng có vài hình ảnh quen thuộc như ông già Noel, cây Noel, đèn trang trí, nhưng giống như ở Anh, người Việt cũng quên ý nghĩa của Giáng sinh rồi.

Tác giả hy vọng các giá trị của Tết không mất đi khi Việt Nam giàu lên.

 

Kỳ lạ thay, tôi nghĩ người dân Anh có thể học hỏi về ý nghĩa của Giáng sinh bằng cách quan sát cách người Việt đón Tết.

 

Giống như Giáng sinh, Tết Việt Nam được đánh dấu bởi việc tặng quà, thăm nhà nhau, ăn uống với bạn bè, gia đình.

 

Nhưng khác với Giáng sinh, Tết ở Việt Nam vẫn hầu như chẳng thay đổi sau hàng trăm năm.

 

Tại Việt Nam, người ta đi những quãng đường xa, thậm chí từ nước ngoài về, để sum vầy đón Tết.

 

Bảo vệ truyền thống 

 

Những truyền thống như dọn nhà cho sạch, thắp hương, cúng bái vẫn quan trọng. Thay vì mua quà đắt tiền, người ta lì xì để lấy hên. Nếu có tặng quà thì là tặng những món bạn cần như quần áo cho trẻ và người già chứ không phải là những món xài cho vui rồi bỏ. Dịp Tết là khi người ta làm từ thiện nhiều hơn. Bạn bè và hàng xómg cũng ăn mừng với nhau.

 

Những bạn Việt Nam từng mời tôi vui Tết tại nhà. Lòng tử tế của họ luôn khiến tôi ngạc nhiên.

 

Thưởng thức món ăn ngon, chúc nhau may mắn, trò chuyện ấm cúng – chúng nhắc tôi nhớ Giáng sinh nên là thế nào.

 

Tôi hy vọng khi Việt Nam giàu lên, các giá trị của Tết sẽ không bị hy sinh như Giáng sinh ở nhiều nơi.

 

Người ta vẫn bảo tôi là Tết chán lắm, cứ phải ở nhà, còn cửa hàng thì đóng cửa. Nhưng một lựa chọn ngược lại còn tệ hơn. Ở Anh, Ngày Giáng sinh (25/12) chưa qua thì cơn sốt mua sắm đã bắt đầu. Tiếng chuông ngân bị lấn án đi bởi tiếng của tiền.

 

Dù bạn sống ở đâu, cuộc sống hàng ngày đều có thể mệt mỏi và vất vả. Vì vậy, dành thời gian ăn mừng, thoải mái bên người thân luôn quan trọng.

 

Xin nhớ như vậy khi bạn mừng Giáng sinh hay Tết. Vì còn những điều quan trọng hơn là việc mua đầu DVD giảm giá.

Ngân Hà (Theo BBC)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo