Văn hóa

Những báu vật gốm xứ Hòa Bình

Trong quá trình tiếp xúc với các nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật ở Hòa Bình, Hà Nội, tôi được nghe một thông điệp: có tới 1/3 số cổ vật gốm của các nhà sưu tập tư nhân trên địa bàn Hà Nội có nguồn gốc từ tỉnh Hòa Bình. Mang thông tin lạ đó, tôi đi tìm hiểu về gốm cổ ở Hòa Bình.

Cổ vật trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ngoài Bảo tàng tỉnh là nơi lưu giữ nhiều nhất số lượng gốm cổ, số còn lại nằm trong các sưu tập tư nhân, bảo tàng tư nhân, nhà truyền thống, phòng Văn hóa - thông tin và tại kho Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố. Số cổ vật nằm trong dân hầu như không đáng kể.

 

Khi tìm hiểu về nguồn gốc của các kho gốm cổ này được biết, phần lớn chúng đều được tìm thấy từ các ngôi mộ cổ. Chính nhờ tục chia của cho người chết của đồng bào dân tộc Thái, Mường xưa kia mà một số lượng lớn các hiện vật gốm được bảo tồn và trở thành cổ vật, bảo vật của thời nay. Các gia đình càng giàu có và quyền quý thì những hiện vật chia cho người chết càng nhiều, càng có giá trị.

 

 

Vào những năm đầu thập kỷ 80, thế kỷ XX, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã khai quật hàng chục ngôi mộ cổ trên địa bàn tỉnh như: khu mộ cổ Ngọc Lâu (Lạc Sơn), khu mộ cổ Đống Cúi (Cao Phong), khu mộ cổ xóm Bay (Tân Lạc), khu mộ cổ Đống Thếch (Kim Bôi), khu mộ cổ thuộc huyện Lương Sơn...

 

Số hiện vật được khai quật từ các khu mộ cổ này phong phú về loại hình và rất có giá trị. Ngoài gốm cổ Việt Nam vào các thời Lý, Trần, Lê..., các nhà khoa học còn tìm thấy cả gốm Nhật Bản, Trung Quốc trong các ngôi mộ cổ có niên đại tới hơn 300 năm.

 

 

Trong kho tàng gốm cổ hiện còn lại tại tỉnh có một số hiện vật đặc biệt có giá trị và được xem là báu vật của cổ vật gốm không chỉ ở Hòa Bình mà còn là báu vật gốm ở Việt Nam. Đó là chiếc thạp gốm cổ thời Lý, chum gốm và con nghê gốm thời Trần.

 

 

Năm 1987, Công an huyện Kim Bôi đã phát hiện và bắt giữ một chiếc thạp gốm cổ đang trên đường vận chuyển trái phép ra khỏi địa bàn, ngụy trang bằng việc chở cát xây dựng. Chiếc thạp này cao 37cm, đường kính miệng 30cm, nặng 17 kg, được phát hiện trong khu mộ cổ Kim Truy, xóm Bái Mu, xã Kim Truy (Kim Bôi).

 

Thạp có men phủ màu xanh lục, dáng hình trụ, không quai, đế bằng, không chân. Lòng thạp được chia thành hai ngăn dọc. Hoa văn chủ đạo trang trí trên thân thạp là các nữ thần chim (Kinnari) trong tư thế đang ca múa và tấu nhạc. Điều đặc biệt của hiện vật này chính là các họa tiết trang trí nữ thần chim trên thân thạp.

 

Cho tới bây giờ, các nhà nghiên cứu mới chỉ tìm thấy họa tiết trang trí nữ thần chim trên kiến trúc gỗ, đá trong các chùa, tháp Phật giáo. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam hoạ tiết này được tìm thấy trên một đồ gia dụng.

 

 

Theo tiến sĩ Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh thành Việt Nam nhận xét: “Đây là hiện vật đặc biệt quý hiếm, có giá trị cao về văn hoá và kinh tế. Khó mà định giá được về hiện vật này. Với hoa văn, kiểu dáng như vậy, chiếc thạp này đã trở thành độc bản tại Việt Nam. Có thể chiếc thạp này là hàng đặt độc bản chứ không phải là hàng sản xuất đại trà”.

 

 

Bảo vật tiêu biểu thứ hai phải kể đến đó là chiếc chum gốm hoa nâu thời Trần, cao 72 cm, đường kính miệng 38 cm, còn gần như nguyên vẹn, chỉ sứt một miếng nhỏ ở đế, có men trắng ngà vẽ nâu. Hoa văn trang trí chủ đạo là hoa, lá sen và sóng nước. Đây là hai mô típ hoa văn trang trí chủ đạo của mỹ thuật thời Trần.

 

Khi được mang ra để định giá năm 2003, hiện vật này được gọi là thạp gốm hoa nâu. Thạp gốm hoa nâu được phát hiện ở nhiều địa phương thuộc đồng bằng Bắc Bộ nhưng chưa có chiếc nào có kích cỡ lớn như chiếc này nên Hội đồng Giám định cổ vật năm 2003 đã nhất trí đổi tên cho hiện vật thành chum gốm hoa nâu  và định giá  2, 5 tỉ đồng.

 

 Con nghê gốm thời Lý.

 

 

Gốm hoa nâu xuất hiện vào thời Lý và phát triển rực rỡ vào thời Trần. Gốm hoa nâu là dòng gốm đặc biệt ở Việt Nam. Dòng gốm này chỉ xuất hiện ở miền Bắc. Các cuộc khai quật từ những con tàu đắm ở các hải cảng đã tìm thấy rất nhiều hiện vật gốm thuộc các dòng gốm khác nhưng chưa bao giờ thấy có gốm hoa nâu trong các cuộc khai quật tàu đắm đó. Cùng với nhiều nhiều kênh thông tin khác đã chứng tỏ đây là dòng gốm nội địa, không hề xuất khẩu. 

 

 

Niên đại gần 700 năm với những hoa văn mang văn hóa của thời kỳ xuất hiện, chiếc chum gốm hoa nâu này đã mang trong mình nhiều thông điệp về một thời kỳ lịch sử rực rỡ của dân tộc  thời Trần.

 

 

Tháng 5 năm 2014, Bảo tàng tỉnh đã trưng bày lưu động tại hội trường xã Dũng Phong (Cao Phong). Tại phòng trưng bày này, bên cạnh những di vật cổ vật của tỉnh, Bảo tàng tỉnh đã lựa chọn những cổ vật tiêu biểu của Mường Thàng để mang về trưng bày.

 

Trong đó, nổi bật nên một bảo vật quý hiếm, đó là con nghê gốm thời Trần (thế kỷ XIII -XIV). Con nghê cao 64 cm, trong tư thế ngồi chầu trên đế tròn, đầu ngẩng, cổ đeo chuỗi nhạc trang trí hoa văn cánh sen; cổ và thân tách rời được tạo tác lắp khớp với nhau. Men trắng rạn, điểm men lam, miệng bôi son nâu.

 

Con nghê gốm được bảo tồn gần như nguyên vẹn và thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách. Họ cứ ngắm mãi, ngắm mãi để tìm xem giá trị của cổ vật này nằm ở đâu. Có lời đồn cho rằng ngày đó (năm 1986), giới buôn bán đồ cổ trả giá cao lắm. Số tiền có thể xây được mấy tòa nhà 3- 4  tầng.

 

 

Giá cả trên thị trường đồ cổ thì vô cùng. Khi định giá cổ vật, người ta thường căn cứ vào giá trị của cổ vật. Cổ vật được xem là nhân chứng của quá khứ. Giá trị của cổ vật được nhìn nhận và đánh giá trên nhiều khía cạnh. Mỗi khía cạnh lại đại diện cho một giá trị riêng biệt.

 

Nói đến giá trị của cổ vật trước tiên phải nói tới giá trị tự thân hay giá trị vật chất của nó. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều tiêu chí để đánh giá cổ vật. Một cổ vật đẹp trước tiên phải còn nguyên vẹn hoặc tương đối nguyên vẹn; kiểu dáng, hoa văn độc đáo mang dấu ấn của một thời đại.

 

Cổ vật phải gắn với thời gian, niên đại mà nó tồn tại, càng lâu năm, giá trị càng cao. Nhiều cổ vật có giá trị lớn bởi bên cạnh giá trị vật chất tự thân, cổ vật đó còn mang các giá trị phi vật thể. Cổ vật nào có chủ nhân danh tiếng thì giá trị cổ vật lại càng cao.

 

Ví như cổ vật là những đồ dùng của vua, chúa hay hoàng hậu của các triều đại trước rồi nếu như cổ vật đó mà quý hiếm, ít người có  hay là cổ vật độc bản thì giá trị thật vô cùng.

 

 

 Tính đến thời điểm hiện nay, nếu tính về cổ vật là nghê gốm thì cả tỉnh chỉ còn lại duy nhất cổ vật này. Con nghê gốm đã được Hội đồng Giám định cổ vật (trong đó có tiến sĩ Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng) giám định và định giá 1 tỉ đồng (năm 2003).

 

 

 Theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam thì con nghê là linh vật đặc biệt. Nó thường được đặt trước cổng làng hay trước cổng các đình, chùa, đền, miếu có nhiệm vụ trấn giữ. Nghê là con vật biểu trưng mang yếu tố huyền thoại, dũng mãnh, thiên biến vạn hóa, tượng trưng cho trí tuệ. Hình dáng con nghê được biến thể từ sư tử và chó dữ. Có con được tạo tác giống loài chó nhiều hơn, có con được tạo tác có bờm như sư tử.

 

 

Vậy tượng nghê này có nguồn gốc từ đâu? Tại sao lại gọi là bảo vật của Mường Thàng, chúng ta cùng lần ngược thời gian để tìm hiểu.

 

 

Năm 1986, Công an huyện Kỳ Sơn phát hiện một số người dân xóm Bãi Bệ, xã Dũng Phong đào bới trái phép được một con nghê gốm. Công an huyện đã thu hồi và nộp cho Công an tỉnh ngày 17/3/1993. Ngày 3/2/2010, Công an tỉnh đã bàn giao lại cho Bảo tàng tỉnh lưu giữ và bảo quản.

 

 

Trò chuyện với ông Bùi Mộng Lân, Bí thư Đảng ủy xã Dũng Phong (Cao Phong) được biết: “Con nghê này do một hộ dân ở xóm Mới (Đồng Cúi) phát hiện được trong khu mộ cổ Đống Cúi của xã. Đây là khu mộ của nhà lang Mường Thàng xưa. Xưa khu mộ nằm trên một quả đồi thấp, rộng tới gần chục ha.

 

Chiều dài tới 1km, chiều rộng tới 300 - 400 m.  Các dãy mộ san sát nhau, mộ nọ cách mộ kia chỉ từ 1 - 2 m. Nhiều ngôi mộ được chôn các cột mồ bằng đá xanh. Cả khu mộ được rừng cây bao phủ âm u và huyền bí.

 

Trong những năm cuối của thập niên 80, thế kỷ XX, tình trạng đào trộm các ngôi mộ cổ tìm cổ vật rộ lên. Khu mộ cổ Đống Cúi cũng ở trong tình trạng đó. Có thể con nghê gốm này được chọn để trấn giữ cho khu mộ của nhà lang Mường Thàng”.

 

 

Hiện nay, kho tàng gốm cổ Hòa Bình dễ có tới vài nghìn hiện vật. Mỗi hiện vật, cổ vật lại ẩn chứa những thông điệp lịch sử, văn hóa của từng thời kỳ và mang trong mình những câu chuyện huyền thoại về chủ nhân đã sử dụng chúng.

 

Mỗi cổ vật đó lại mang trên mình những giá trị kinh tế khó định giá được... Tất cả những điều đó đã làm phong phú cho kho tàng di sản văn hóa của tỉnh.

 

 

Theo Báo Hòa Bình
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo