Văn hóa Văn hóa Những chuyện kỳ bí không thể lý giải ở hang Tám Cô Hang Tám Cô ở km16, đường 20 - Quyết Thắng, thuộc địa phận H.Bố Trạch, Quảng Bình là nơi xảy ra rất nhiều câu chuyện bí ẩn, không lý giải nổi. Hang Tám Cô vốn dĩ là một hang đá nằm trên đường 20 - một tuyến đường huyết mạch trên dãy Trường Sơn thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Tương truyền, cái tên hang Tám Cô có từ khi 8 cô gái Thanh niên Xung phong (TNXP) đến đây làm nhiệm vụ giữ huyết mạch giao thông... Ảnh: Đài tưởng niệm ở khu vực hang Tám Cô. Vào ngày 14/11/1972, có 8 TNXP cùng quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa gồm 4 nam và 4 nữ đang làm nhiệm vụ đã vào hang Tám Cô tránh máy bay Mỹ ném bom. Không may bom làm miệng hang đổ sập, cả 8 người hi sinh. Đến năm 1996, cửa hang được mở, hài cốt của các anh chị mới được cất bốc mai táng. Kể từ đó nhiều chuyện lạ đã xảy ra ở nơi đây. Ảnh: Lối lên hang Tám Cô. Cách đây hơn 10 năm, một đoàn cán bộ vào lấy tảng đá ở hang về đặt tại một khu tưởng niệm. Đá được cẩu lên, xe chạy một đoạn thì không thể nổ máy, mặc tài xế thử hết cách. Đoàn vội mua 8 quả trứng luộc mang đến thắp hương tại cửa hang, xin giúp đỡ... Hôm sau, dù không làm gì nhưng xe lại chạy bình thường. Sau này, chuyện những xe không nổ vì chủ xe không chấp hành lễ nghi như vậy rất hay xảy ra. Ảnh: Khung cảnh ngoài cửa hang. Đêm 19/5/2009, trong lễ kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn, đúng lúc trung tướng Đồng Sỹ Nguyên kết thúc phát biểu và tất cả mọi người nghiêm trang hướng về đền mặc niệm, thì từ trong hang vang lên 3 tiếng kêu to của loài tắc kè. Sáng ra, bảo vệ tìm thấy sau tủ đựng sổ ghi lưu bút có 1 tổ tắc kè với 8 quả trứng dính vào bức tường thành 1 vòng cung. Sau đó trứng nở ra 8 con tắc kè con khỏe mạnh. Ảnh: Bên trong hang. Theo lời kể các cán bộ quản lý di tích, các cây chuối rừng ở trước hang thường chỉ đậu đúng 8 nải, dù hoa vẫn ra liên tục, gợi nhiều liên tưởng về con số 8 linh thiêng của hang Tám Cô. Ảnh: Bia tưởng niệm các TNXP đặt ngoài cửa hang. Một lần, đoàn khách đến từ Hà Nội đang kính cẩn dâng hương tại hang thì một chị trong đoàn bỗng òa khóc và hờn trách: “Ở Hà Nội vào mà sao không mua cho chúng em mấy cái gương?”. Mọi người nghĩ lại, ngày xưa, các cô gái ở miền Bắc đi vào chiến trường thường mang theo gương lược để sử dụng. Sau đó, đoàn cử người mua gương lược vào dâng lên bàn thờ trong hang, lúc sau chị đi cùng đoàn mới hồi tỉnh lại bình thường. Một lần khác, đoàn cán bộ phụ nữ Thanh Hóa vào thắp hương ở hang. Sau đó một chị bỗng ngồi bệt xuống, ôm mặt khóc nức nở và nói: “Ngoài quê vào mà không có nổi một vòng hoa à? Chúng em không cần anh chị mang lễ lạt gì, chỉ mong một vòng hoa thôi”. Mọi người trong đoàn liền cho xe đi mua vòng hoa mang về dâng cúng. Khoảng 2 tiếng đồng hồ sau, chị kia hồi tỉnh. Ảnh: Vỏ bom làm kẻng báo động được lưu giữ từ thời kỳ chiến tranh. Không dừng lại ở đó, mùa hè năm 2008, khi các công nhân đang thi công sân khấu để làm lễ kỷ niệm 5 năm ngày đón chứng nhận Di sản thế giới cho Phong Nha - Kẻ Bàng thì trời bỗng nổi mưa gió ầm ầm, mọi chuyện có nguy cơ đổ bể. Lúc đó, những người tổ chức mới vào đền tưởng niệm cạnh hang Tám Cô khấn vái các anh các chị. Ngay sau đó trời bỗng dừng mưa gió, và buổi lễ thành công như mong đợi. Ảnh: Khu đền thờ bên hang. Những điều trùng hợp khó lý giải như vậy đã khiến hang Tám Cô trở thành một địa điểm linh thiêng, bất kỳ ai đi qua, dù vội đến mức nào cũng dừng xe lại, vào thắp nén hương. Nên đọc Theo Kiến thức Copy link Link bài gốc Lấy link Theo Kiến thức Từ khóa: hang Tám Cô Quảng Bình Kỳ bí Thanh niên Xung phong đài tưởng niệm Hoằng Hóa Thanh Hóa đường Trường Sơn Phong Nha - Kẻ Bàng