Những quán ăn có thâm niên trên 30 năm ở phố cổ Hội An
Quán cơm gà hơn nửa thế kỷ giữa lòng phố cổ
Cơm gà bà Buội là món ăn có mặt ở Hội An từ những năm 50 của thế kỷ 20. Nhiều năm qua, quán cơm gà này vẫn nổi tiếng và xuất hiện khá nhiều trong các cẩm nang du lịch phố Hội, là nơi được nhiều khách du lịch tìm đến. Quán nằm ở một căn nhà nhỏ trên đường Phan Chu Trinh nhưng luôn tấp nập dân địa phương và khách du lịch.
Quán chỉ phục vụ cơm gà và các món ăn kèm từ gà. Chủ quán cho biết, gà nấu ăn phải là loại thả vườn, đẻ một lứa thì thịt mới chắc, dai và ngon hơn. Gạo nấu cơm cũng chỉ dùng loại cũ, để ít nhất từ một năm trở lên. Các loại rau sống được lấy trực tiếp từ làng rau Trà Quế gần đó.
Muốn cơm ngon thì gạo trước khi nấu sẽ ngâm với nghệ rồi đem vo sạch, nấu trong nước dùng cùng mỡ gà. Lượng mỡ này lúc nấu sẽ tan ra khiến cơm tơi và thơm hơn. Cơm nấu tơi nhưng hơi khô. Khách có thế tự cho thêm tương ớt khi thưởng thức, hoặc pha một chén muối tiêu chanh để chấm với thịt. Suất cơm ở đây được đánh giá là khá đầy đặn, giá 40.000 đồng.
Suất cơm gà còn được phục vụ kèm theo một đĩa đu đủ, củ cải ngâm chua, ăn chung sẽ đỡ ngán hơn. Ngoài món cơm gà nổi tiếng, gỏi gà xé cũng được nhiều khách gọi. Muốn thịt gà không quá mềm và dai, người đứng bếp phải canh đúng khoảng thời gian. Phần nước luộc gà được tận dụng làm nước súp cho khách.
Bánh bao, bánh vạc Hoa Hồng Trắng
Bánh bao, bánh vạc là hai loại bánh có nguyên liệu cách làm gần giống nhau và thường ăn chung trên một đĩa. Đến Hội An, muốn dùng thử món đặc sản này, bạn đừng quên ghé vào nhà hàng Hoa Hồng Trắng trên đường Hai Bà Trưng. Tại đây, bạn không chỉ thưởng thức được bánh bao, bánh vạc ngon mà còn có thể tận mắt nhìn thấy quá trình làm bánh công phu của họ.
Nguyên liệu chính để chế biến hai loại bánh này là gạo, loại gạo thật trắng, nguyên hạt, dẻo, thơm, trồng trên ruộng đất sạch. Nhân bánh vạc được làm từ tôm đất giã nhuyễn trộn với một ít tiêu, tỏi, hành, sả cùng những gia vị bí truyền. Nhân bánh bao được làm từ thịt heo, nấm mèo, hành lá thái mỏng rồi cũng xào cùng gia vị bí truyền đó. Có lẽ phần gia vị này cũng là một nguyên nhân khiến bánh bao, bánh vạc chỉ có thể ăn ngon ở Hội An.
Bánh mì Madame Khánh
Nếu nhiều du khách biết đến bánh mì Phượng nổi tiếng ở Hội An thì bánh mì madame Khánh cũng nổi tiếng không kém. Nằm trên đường Trần Cao Vân, hơi xa khỏi khu phố cổ một chút, bánh mì Madame Khánh là quán bánh mì nhỏ xíu với một tủ bánh giản dị, bình thường. Phần nhân bánh của tiệm gồm hơn 10 loại nhân gồm: thịt quay, thịt nướng, trứng chiên, dưa góp, pate, phô mai, xốt, nộm... đều được chính tay bà Khánh làm rất tỉ mỉ, với những bí quyết tẩm ướp, chế biến của riêng bà.
Đã hơn 80 tuổi nên bà Khánh thao tác làm bánh chậm rãi, thế nên với những ai quen ăn đồ "fast food" hoặc ít thời gian có lẽ không hợp để ngồi đợi bánh hoàn thành. Tuy nhiên nên đủ kiên nhẫn, bạn sẽ có một "phần thưởng" xứng đáng với sự chờ đợi của mình.
Trên trang Tripadvisor, bên cạnh những bình luận của khách hàng về bánh mì của Madame Khánh như “bữa trưa tuyệt vời nhất bạn có thể ăn”, “món ăn ngon nhất ở Việt Nam”, hay “món ăn tuyệt vời”… khách hàng không bao giờ quên dành những lời khen chân thành nhất đối với người chủ quán cao tuổi nhưng vô cùng chu đáo.
Hoành thánh quán Vạn Lộc
Hoành thánh là món ăn của người Hoa nhưng tồn tại ở Hội An khá lâu rồi nên cũng thường được coi là một trong những món đặc sản của Hội An. Hoành thánh có ba dạng là súp, chiên và mì. Những loại này đều được ăn nhiều vào tầm giờ chiều để lót dạ trước khi thưởng thức các món chính.
Nguyên liệu chính gồm bột mì, trứng gà và tôm. Bột sau khi đánh cùng trứng và ủ lên men được cán mỏng, cắt thành từng ô nhỏ làm vỏ bánh. Phần nhân gồm tôm ướp gia vị giã nhuyễn. Hoành thánh được chan một chút nước dùng thơm mùi dứa, cà chua và nấm rơm. Bạn sẽ được phục vụ kèm một đĩa rau cải xanh non. Đây chính là sự kết hợp đầy ăn ý của món ăn. Du khách có thể tìm ăn món này ở quán Vạn Lộc, 27 Trần Phú.
End of content
Không có tin nào tiếp theo