Những tỉ phú Anh chưa từng học đại học
Hiện có hơn 100 tỉ phú đang sống ở Anh, với tổng tài sản trị giá hơn 300 tỉ bảng. Trong số đó, những công dân nước ngoài thống trị danh sách người giàu nhất nước Anh, như ông trùm kinh doanh Nga và cổ đông câu lạc bộ Arsenal, Alisher Usmanov, với tài sản trị giá 10,65 tỉ bảng. Nhiều tỉ phú Anh, bao gồm cả những tỉ phú tự thân lập nghiệp, chưa từng đi học đại học. Rời học đường sớm, nhưng họ lại có những khởi đầu táo bạo trong kinh doanh, kết quả là họ trở thành những người có thu nhập cao nhất xứ sở sương mù.
Những triệu phú nổi tiếng nhưng có phần khiêm tốn hơn của Anh, như đầu bếp lừng danh James Oliver (39 tuổi) sở hữu 200 triệu bảng và nhà thiết kế thời trang Cath Kidston (55 tuổi) sở hữu 30 triệu bảng, đều chứng minh rằng bằng cấp không phải là con đường duy nhất trở thành doanh nhân giỏi. Gần đây nhất, một cậu bé học sinh trung học ở phía nam London, Nick D'Aloisio, đã thu được khoảng 18 triệu bảng nhờ bán một ứng dụng mà cậu phát triển trong khi sửa bằng GCSE của mình. Cậu bé hiện đang làm việc cho gã khổng lồ Yahoo.
Dưới đây là những tỉ phú Anh không qua đại học:
1. Richard Branson, sở hữu 2,7 tỉ bảng, bỏ học khi 16 tuổi. Ông bắt đầu công ty của mình ở tuổi 21. Hiện nhà sáng lập hãng truyền thông Virgin đã ở tuổi 64. Ông từng là một cậu học sinh mắc chứng khó đọc cho đến khi khởi nghiệp kinh doanh vào năm 16 tuổi. Ông bắt đầu bán các đĩa thu âm thông qua tạp chí của mình, thu về doanh số bán hàng bằng cách giảm giá so với các cửa hàng sang trọng trên phố. Hiệu trưởng của Branson từng nói rằng, ông hoặc là sẽ kết thúc cuộc đời mình trong tù hoặc sẽ trở thành triệu phú. Vế sau của lời tiên đoán đã linh nghiệm, hiện Branson là ông trùm kinh doanh âm nhạc, nắm trong tay 2,7 tỉ bảng. Ông thành lập hãng Virgin Records vào năm 1972 từ một vùng thôn quê ở Oxfordshire. Album đầu tiên của hãng - Mike Oldfield’s Tubular Bells, ra đời năm 1973, ngay lập tức đứng đầu các bảng xếp hạng.
2. Philip Green, sở hữu 3,1 tỉ bảng, rời trường từ năm 15 tuổi. Thương hiệu thời trang hàng đầu của ông Green là Topshop, do tập đoàn Arcardia Group sáng lập nên. Green thành lập mầm mống đế chế thời trang của mình khi còn ở tuổi niên thiếu. Vừa rời trường phổ thông, ông bắt đầu nhập quần jean từ Châu Á về bán ở London. Trong suốt những năm 1970, ông bắt đầu mua lại cổ phiếu của những nhà bán lẻ đang gặp khó khăn và bán ra để kiếm lời. Hiện là CEO của tập đoàn Arcadia, ông trùm 62 tuổi này còn sở hữu các nhãn hàng thời trang danh tiếng khác như BHS và Dorothy Perkins.
3. Mike Ashley, nắm trong tay 3,4 tỉ bảng. Tỉ phú thể thao Mike Ashley, 49 tuổi, bỏ học lúc 16 tuổi để chơi bóng quần (squash), nhưng một chấn thương đã biến ông từ vận động viên thành doanh nhân. Ashley là ông chủ câu lạc bộ bóng đá Newcastle United và trở thành tỉ phú nhờ chuỗi cửa hàng bán lẻ quần áo thể thao giảm giá Sports Direct của mình ngay từ khi mới ra trường. Ông là chủ sở hữu duy nhất của một doanh nghiệp phát triển nhanh chóng, trong đó có những nhãn hiệu phổ biến như Dunlop, Slazenger, Karrimor và Lonsdale.
4. Laurence Graff, sở hữu 2,8 tỉ bảng. Nhà tài phiệt kim cương 76 tuổi này kiếm được hàng tỉ bảng bằng cách cung cấp nữ trang và bán đồ trang sức cho những khách hàng giàu có ở nước ngoài. Ông bắt đầu sự nghiệp khi mới là một nhân viên học việc 15 tuổi ở cửa hàng bán đồ trang sức Hatton Garden. Khi cửa hàng này sập tiệm, ông bắt đầu bán những mẫu thiết kế của riêng mình, và đến giữa những năm 1970 tìm nguồn cung ứng đá quý cho các khách hàng ở Trung Đông.
5. John Caudwell, có trong tay 1,7 tỉ bảng. Ông trùm truyền thông và nhà sáng lập hãng Phones4U, 61 tuổi, bỏ học giữa chừng khi 16 tuổi, bắt đầu học việc ở một nhà máy sản xuất lốp xe, trước khi chuyển sang bán ôtô cũ. Ông nhảy vào cuộc cách mạng điện thoại di động vào những năm 1980, với công ty tên là Midland Mobile Phones, sau này đổi thành Phones4U, mà ông bán với giá 1,5 tỉ bảng vào năm 2006. Hiện ông vẫn kinh doanh viễn thông, đầu tư vào hàng hải, hàng không và quản lý tài sản.
6. Alan Sugar, sở hữu 900 triệu bảng. Mặc dù có 2 bằng tiến sĩ danh dự của các trường đại học ở London, song ông Sugar chưa từng học đại học. Năm nay, 67 tuổi, ông bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh bằng việc bán các đồ điện tử lặt vặt, nhưng kiếm lời lớn do bán với giá rẻ hơn các nhà bán lẻ khác. Năm 1991, Alan Sugar trở thành chủ tịch và cứu câu lạc bộ Tottenham Hotspur khỏi tình trạng bên bờ vực phá sản.
Theo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo