Những triệu phú nuôi ong
Mùa ong đi lấy mật
"Đánh mật" là từ chỉ mùa khai thác mật ong từ các loại hoa, thường bắt đầu trước Tết Nguyên đán, đến khoảng tháng 5. Trước kia quy mô đánh mật nhỏ lẻ, người ở tỉnh nào nuôi ong lấy mật ở tỉnh đó. Những năm trở lại đây, cây cối ít không đủ mật hoa cho ong nên các chủ trại phải đưa đàn ong đi khắp nơi để tìm nguồn hoa, làm thức ăn nuôi ong lấy mật. Nghề “đánh mật du canh” cũng có nguồn gốc từ đó. Loài cây để ong lấy mật tốt nhất là hoa của các loại cây ăn quả, trong đó mật ong hoa nhãn có giá trị kinh tế cao hơn cả.
Trước khi đến mùa hoa nhãn Hưng Yên, những đội nuôi ong lớn trong cả nước đã thu hoạch mật hoa cà phê, cao su, vựa hoa quả ở đồng bằng sông Cửu Long, hoa vải Bắc Giang… Đến khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch, khi hoa nhãn nở rộ, người nuôi ong khắp cả nước đều quy tụ về Hưng Yên để lấy mật hoa nhãn.
Xa xa trên triền đê xã Hoàng Hanh (TP.Hưng Yên), từng đàn ong vo ve, lao vun vút trên không trung rồi đổ ào lên những bông hoa nhãn để tìm hương, hút nhụy làm mật ngọt. Đây là thời điểm những vùng trồng nhiều nhãn ở Hưng Yên sôi động nhất. Người nuôi ong, quay mật, người mua mật tấp nập bên triền đê. Những đàn ong không những tạo ra các loại mật có chất lượng mà còn mang lại mùa màng bội thu cho người dân vùng nhãn.
Năm nay thời tiết nắng ráo, có gần 50 chủ trại, mỗi trại có từ 300 đến 600 thùng ong. Anh Nguyễn Văn Lanh, 21 tuổi (quê Bắc Giang), là một chủ nuôi ong lớn nhất với 600 thùng. Sau mùa mật vải ở quê, Lanh mang ong xuống Hưng Yên được 5 ngày và đã kịp quay được 2 lần mật, thu về gần 2 tấn mật ong hoa nhãn.
Cách đó không xa là trại ong của ông Lê Khắc Bãi, 57 tuổi (Thanh Hóa). Về Hưng Yên được một tuần, 300 đàn ong của ông Bãi đã kịp quay được 3 lần mật. Ông kỳ vọng, mùa nhãn này sẽ quay được 5 vòng, thu được khoảng 5 tấn mật, bán tại chỗ với giá 80.000/kg. “Năm ngoái mưa nhiều, hoa nhãn kém không thu được nhiều mật nhưng năm nay có triển vọng hơn”, nụ cười hiền lành nở trên khuôn mặt sạm nắng, ông Bãi chia sẻ. Theo ông, mùa hoa nhãn năm nay xum xuê hơn năm ngoái, thời tiết cũng chiều lòng người nên các chủ trại ong cũng xem như có mùa vụ bội thu.
Những “nghệ nhân” mang ong đuổi hoa tìm mật
Dáng người mảnh khảnh với mái tóc bạc trắng, làn da bánh mật, ông Bãi đang nhẹ nhàng nâng chiếc cầu ong khỏi thùng rồi nheo mắt quan sát. Nhìn ông như một “nghệ sĩ” thực thụ - “nghệ sĩ” của nghệ thuật nuôi ong, người không ngừng kiếm tìm, kết tạo những tinh hoa của đất trời.
Ông Bãi từng là bộ đội chiến đấu chống Mỹ, hòa bình lập lại ông làm ở công ty nuôi ong của Nhà nước. Sau ông nghỉ việc rồi tự gây đàn ong cho riêng mình. Đến nay, ông đã có 30 năm trải nghiệm với nghề nuôi ong. Ông bảo, “nuôi ong cũng phải chăm chỉ như ong”. Hết mùa hoa này lại đến mùa hoa khác, cứ nửa năm trong Nam, nửa năm ngoài Bắc, ông Bãi cùng em trai rong ruổi với đàn ong khắp các vùng miền của đất nước.
Ông tâm sự: “Nghề nuôi ong như đánh bạc với trời. Nếu thời tiết thuận lợi dễ thành triệu phú, cũng có thể trở thành tỷ phú. Nhưng có những mùa, sau một vài tuần “săn” mật, nhiều chủ trại trắng tay”. Tuy trại ong của ông chưa năm nào mất trắng nhưng đã có năm không kiếm trác được gì.
Theo ông, nuôi ong không khó nhưng phải dự đoán chính xác được thời tiết: “Tính sai một đường là mất hết”. Hành trình chuyển ong từ vùng này sang vùng khác theo mùa hoa cũng gặp không ít rủi ro. Di chuyển ong phải đi trong đêm. Chuyến đi từ Bắc vào Năm mất đến cả tuần. “Trên đường xe gặp trục trặc trên chục lần, mỗi lần phải đỗ lại vài tiếng đồng hồ. Lúc đó các anh em phải tất bật chạy đi mua đá ướp lạnh để ong không bị chết ngạt. Có lần di chuyển chúng tôi bị thiệt hại cả 20 thùng ong”.
Ông Bãi kể về những mùa bội thu. “ Có những vụ hoa nhãn xum xuê, trời nắng đẹp, mùa hoa kéo dài, lại nhiều mật, cứ 2-3 ngày là thu được một lứa mật”. Năm 2012 là năm ông thu được nhiều mật nhất. Hơn 10 tấn mật, bán với giá xuất khẩu ông có được hơn 400 triệu đồng.
Nghề đánh mật du canh này giúp thụ phấn cho hoa, dọn rác và còn tiết một loại chất đặc biệt giúp dễ đậu quả hơn, đồng thời tạo việc làm thêm cho người dân. Một buổi quay ong, mỗi người nhận được 300.000đ. Vì thế các chủ vườn nhãn rất chào đón các đàn ong về hút mật, họ cho các chủ ong đặt trại ong ngay trong vườn.
Bắt đầu nuôi ong từ năm 11 tuổi, đến nay sau 15 năm theo nghề này Vũ Đắc Thành (Đồng Nai) đã có 300 trăm đàn ong. “Sau khi lấy mật hoa cà phê ở Đắk Lắc, tháng 2 tôi ra Hải Dương lấy mật hoa vải, rồi tháng 3 này đến Hưng Yên lấy mật hoa nhãn. Tiếp theo sẽ là Hòa Bình, Quãng Ngãi rồi chuyển dần vào Nam để bắt đầu một hành trình khác", ông chủ trẻ kể về hành trình đưa ong đi lấy mật.
Mang ong đi đánh mật là hành trình không ngơi nghỉ. Cuộc đời của những nghệ nhân nuôi ong quay đều theo vòng tròn của các mùa hoa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo