Những tỷ phú USD Việt đang đứng ở đâu trên bản đồ khu vực?
Trong bảng xếp hạng những tỷ phú đô la 2018 mới được Forbes công bố, Việt Nam vừa có thêm 2 người lọt vào danh sách là ông Trần Bá Dương, chủ tịch Thaco và ông Trần Đình Long, chủ tịch Hòa Phát.
Với những cái tên cũ trong danh sách, như ông Phạm Nhật Vượng, giá trị tài sản của ông cũng tăng mạnh. Forbes ước tính, tài sản của ông trị giá 4,3 tỷ USD, nằm trong top 500 những người giàu nhất thế giới.
Việc xuất hiện thêm những doanh nhân giàu có, được thế giới công nhận là một tín hiệu vui cho nền kinh tế Việt Nam, bởi nó cũng phản ánh phần nào quy mô các doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng đang dần lớn mạnh.
Mặc dù vậy, nếu so sánh Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Phillippines hay Thái Lan thì quy mô của chúng ta vẫn khá nhỏ bé, cả về số lượng lẫn quy mô tài sản.
Kể từ năm 2013, chúng ta mới có tỷ phú đô la đầu tiên có mặt trong danh sách, và sau 5 năm, danh sách những tỷ phú đô la được công nhận tại Việt Nam mới có 4 người. Trong khi đó, riêng Thái Lan đã có tới 30 doanh nhân có giá trị tài sản trên 1 tỷ USD.
Ngay cả trong khu vực Đông Nam Á cũng có những doanh nhân tầm cỡ thế giới, với tên tuổi đứng đầu toàn cầu trong lĩnh vực họ kinh doanh, dù ít được mọi người biết tới như những Bill Gates, Jeff Bezos hay Warren Buffett của châu Mỹ, châu Âu.
Thống kê cụ thể danh sách mới nhất của Forbes thì trong khu vực Đông Nam Á có 102 người có tài sản trên 1 tỷ USD, mang quốc tịch của 6 nước: Thái Lan (30 người), Indonesia (20 người), Philippines (12 người), Singapore (22 người), Malaysia (14 người) và Việt Nam (4 người).
Trong số này, có rất nhiều tỷ phú nằm trong nhóm 100 người giàu nhất thế giới, với tổng tài sản trị giá hơn 10 tỷ USD. Charoen Sirivadhanabhakdi, tỷ phú vừa chi ra gần 5 tỷ USD mua lại cổ phần của bia Sài Gòn (Sabeco) đứng thứ 65 toàn cầu với tổng tài sản trị giá 17,9 tỷ USD. Tài sản của ông Charoen trải dài từ lĩnh vực bất động sản, nước giải khát, siêu thị.
Một tỷ phú khác của Thái Lan là Dhanin Chearavanont, người vừa nhượng lại vị trí chủ tịch tập đoàn C.P cho con trai, cũng năm trong top 100 với tổng tài sản đạt 15,7 tỷ USD. C.P của ông là một trong những tập đoàn chăn nuôi, chế biên thực phẩm lớn nhất thế giới và cũng rất quen thuộc với thị trường Việt Nam.
Người đàn ông giàu nhất Malaysia, Robert Kuok, từng nổi tiếng với biệt danh “vua đường châu Á”. Tập đoàn Kuok của ông hiện hoạt động đa ngành, từ kinh doanh khách sạn, bất động sản, cho tới hàng hóa. Cháu trai của ông, Kuok Khoon Hong hiện đang vận hành Wilmar, tập đoàn dầu cọ lớn nhất thế giới và sở hữu thương hiệu dầu ăn Neptune.
Tại Indonesia, có hai anh em doanh nhân cực kỳ giàu có và nổi tiếng nhà Hartono là R. Budi Hartono và Michael Hartono. Hai anh em có khối tài sản lần lượt là 17,4 và 16,7 tỷ USD. Nhà Hartono hiện sở hữu cổ phần của một trong những ngân hàng lớn nhất Indonesia là Bank of Asia và công ty thuốc lá lớn nhất quốc gia này Djarum.
Người giàu nhất trong số những tỷ phú Đông Nam Á đó là Henry Sy. Tỷ phú Philippines năm nay đã 93 tuổi. Đứng đầu SM Investments, một trong những tập đoàn lớn nhất Philippines, ông Sy đã là người giàu nhất quốc gia này suốt 10 năm qua. Ước tính, tài sản của ông trị giá khoảng 20 tỷ USD.
End of content
Không có tin nào tiếp theo