Thị trường

Nông sản tắc đầu ra: Mười ba năm nay vẫn thế

Trước thực trạng nhiều mặt hàng nông sản như dưa hấu, thanh long, hành, tỏi...chất đống trên ruộng đồng, trên vỉa hè các thành phố lớn, hoặc ùn ứ hàng nghìn tấn nơi cửa khẩu, dường như nông dân vẫn một mình một chợ. Đáng tiếc, “câu chuyện dưa hấu 13 năm nay vẫn diễn ra như thế, thậm chí đôi lúc còn nghiêm trọng hơn”, như nhận xét của ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị thành phố Hà Nội .

 

 Tất cả tại nông dân?

 

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị thành phố Hà Nội
 

- Từng làm ở ngành thương mại, ông đã bao giờ chứng kiến nông sản ế, thừa, tràn ngập khắp cánh đồng?

 

+ Ông Vũ Vinh Phú: Cách đây hơn chục năm, tôi đã từng xuống xem luống củ đậu ở Quỳnh Phụ - Thái Bình, chuột ăn hết. Chuột nhiều chả ai đánh. Củ đậu không thu hoạch vì không ai mua, cứ đầy chuột. Rồi còn cảnh trẻ con lấy cà chua ném nhau.

 

Lúc đó tôi làm Phó giám đốc sở thương mại đi nghiên cứu thị trường để đưa hàng về Hà Nội.

 

- Câu chuyện đấy vẫn liên tục tái diễn , nguyên nhân ở trên ruộng đồng hay ở “bộ não” tham mưu trong điều hành, quản lý của cơ quan nhà nước ?

 

+ Ông Vũ Vinh Phú: Phải nhìn câu chuyện dưa hấu dưới góc độ quản lý nhà nước. Quản lý nhà nước là những ông thầy dẫn dắt cho doanh nghiệp và nông dân. Có câu chuyện đổ tội cho nông dân sản xuất manh mún, thi nhau làm, rồi tại sao đưa dưa hấu lên cửa khẩu nhiều thế.

 

Đổ tội cho người nông dân là không nên mà chính là phải dẫn dắt, chỉ việc cho người nông dân như thế nào. Đó là do câu chuyện hệ thống rối rắm, phân tán, không có nhạc trưởng.

 

Đáng nhẽ hàng lên ùn ùn thế thì Bộ Công Thương và các tỉnh phải thông báo cho Quảng Nam đừng đưa dưa ra nữa, tìm cách tiêu thụ nội địa với giá thấp hơn có phải tốt không. 500 xe lên chỉ xuất được sang biên giới 200 xe, còn đâu nằm chết dí dài hàng chục cây số. Thanh long cũng thế, thủy sản tươi cũng thế.

 

Bài toán tổng thể của nông sản Việt Nam là như thế. Buôn bán tiểu ngạch, sản xuất manh mún, hệ thống phân phối kém không có sự phối hợp, cơ quan quản lý nhà nước ít quan tâm.

 

Từ câu chuyện dưa hấu, tới đây còn vải thiều, nhãn, chôm chôm không cẩn thận lại vẫn như thế. Nông dân lại chết. Nông dân họ chân lấm tay bùn, cần cù làm thôi. Thấy có gì lãi là bán nên đừng trách nông dân. Tại anh không hướng dẫn cho nông dân giống như thầy giáo không được trách học trò. Nó như tờ giấy trắng phải hướng dẫn cho nó.

 

Như tôi sang Hàn Quốc, bà bán khoai bảo tìm kiếm trên mạng là bà đấy biết hôm nay khoai bán đâu tốt nhất, mang chợ nào bán tốt nhất. Thông tin của họ như thế cơ mà.

 

- Chí ít là đã mười ba năm như ông nói, dường như cơ quan quản lý vẫn chưa biết khắc phục thế nào, còn ông có sáng kiến gì không?

 

+ Ông Vũ Vinh Phú: Chúng ta đang có lỗi với người nông dân, ngư dân và người tiêu dùng. Chúng ta nên chọn một số cây chủ lực như dưa hấu, thanh long, xoài để tập trung phát triển. Những cây Việt Nam có thế mạnh.

 

Phải đi từ sản xuất. Tức là phải có một đề án phát triển cây ăn quả. Sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả ở thị trường Việt Nam và xuất khẩu. Cái này phải có nhạc trưởng là Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp.

 

Thứ nữa là phải có quy hoạch vùng. Đất nước Việt Nam rộng mênh mông như thế thì phải chọn vùng nào trồng dưa hấu là tốt nhất, trồng thuận lợi nhất về thiên thời địa lợi nhân hòa, để cho quả dưa hấu to, ngon, có vị sắc ngọt nhất để có thể cạnh tranh về chất lượng và giá cả.

 

Tới đây vào thị trung chung còn phải cạnh tranh với dưa hấu Thái Lan, dưa hấu Indonesia ngay trên thị trường trong nước. Người Việt Nam có ăn riêng dưa hấu của Việt Nam đâu.

 

Từ khi gieo hạt dưa hấu phải trả lời được bốn câu hỏi bán cho ai? bán ở đâu? bán thời điểm nào là tốt nhất và bán với giá nào? Phải biết đích đến của quả dưa hấu chứ không phải cứ để đầy ra như thế. Sắp tới vải thiều không cẩn thận lại chết.

 

Sao không làm nước ép dưa hấu?

 

- Ông vừa nói đến quản lý, còn vai trò của khoa học công nghệ thì sao?

 

+ Ông Vũ Vinh Phú: Đi đôi với sản xuất là phải có cả khoa học công nghệ. Phải sản xuất lớn, cánh đồng lớn đưa cơ giới hóa vào, có thuốc trừ sâu, trống dịch bệnh, chống ngập và phải có kho dự trữ.

 

Cần phải có dự trữ bảo quản sau thu hoạch. Đã lưu thông phải có lưu trữ vì nó có tác dụng để bảo quản những khi chưa cần bán, đỡ hao hụt.

 

Sau đó là gắn với phân phối. Sản xuất và phân phối không thể tách rời được. Phải có mạng lưới phân phối ở nội địa. Mỗi tỉnh bao nhiêu chợ đầu mối như chợ đền Lừ, chợ Long Biên ở Hà Nội. Kết nối giữa các vùng miền rất quan trọng. Kết nối còn liên quan đến vấn đề lưu thông hàng hóa, đường xá phải tốt, không ngăn sông cấm chợ.

 

Hệ thống phân phối phải mạnh và khoa học. Đưa ra thời điểm nào, đưa ra thời tiết nào và đồng thời khâu tiêu thụ phải điều tra sức mua của người dân. Điều tra không phải điều tra số lượng mà điều tra túi tiền của người mua.

 

Sau khi điều tra nhu cầu thì bảo quản hàng cho tốt, như thế mới không bị hỏng và luân chuyển vốn mới tốt.

 

Cuối cùng phải có sự rút kinh nghiệm và điều chỉnh nơi thừa nơi thiếu. Ví dụ trước đây thống nhất Quảng Nam bán cho Hà Nội là chính. Nhưng nếu Hà Nội ứ thì chuyển sang Hải phòng chẳng hạn. Câu chuyện lại vẫn là ông nhạc trưởng.

 

Bộ Khoa học và Công nghệ phải tìm giống dưa trái vụ. Bán rải vụ ra. Bộ Công thương còn có nhiệm vụ cho các nhà khoa học chế biến dưa hấu.

 

Tại sao không làm nước ép dưa hấu, bán rẻ cho người tiêu dùng bằng nước đựng trong hộp giấy. Đố các bạn tìm thấy trong siêu thị có nước hộp giấy dưa hấu. Chúng ta kém là kém chỗ đó. Hướng đi này có thể giải quyết được lượng lớn dưa hấu ế.

 

Việc này làm rất đơn giản, không cần thiết bị ghê gớm lắm mà chỉ cần vô trùng. Trong khi đó nước hoa quả nước ngoài bán 35.000 đồng/hộp. Hiện nay trên thị trường có nước ổi, đào, táo mà không thấy có nước dưa hấu mà dưa hấu thì đang ế.

 

Đây là vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ , Bộ Công thương. Nếu giải được bài toán đấy nó mới toàn diện. Tôi nhắc lại là vẫn phải có nhạc trưởng.

 

Câu chuyện dưa hấu 13 năm nay vẫn diễn ra như thế thậm chí đôi lúc còn nghiêm trọng hơn (Ảnh: Báo Phú Yên)

 

Đất mình, khí hậu mình, người Nhật làm

 

- Có thực tế, bất chấp những “lỗ hổng” chính sách như ông vừa nói, người nước ngoài vẫn không ngừng đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam và họ gặt hái được khá nhiều thành công?

 

+ Ông Vũ Vinh Phú: Đúng là bây giờ có cái lạ, đất mình, khí hậu mình, người mình, giống của mình mà lại để Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản vào đầu tư nông nghiệp. Tôi cứ tự hỏi, vì sao người Việt Nam không phải là người đầu tiên đưa công nghệ cao vào nông nghiệp. Nếu nâng năng suất lên gấp mấy chục lần sẽ đem lại giá trị gia tăng rất cao.

 

Cà chua mình 10 tấn, họ đưa công nghệ tưới nhỏ giọt thu hoạch được 60 tấn. Lúa Nhật trồng ở Nam Định, bây giờ đóng túi gạo Nhật bán không phải mười mấy nghìn một cân nữa mà 60.000/kg. Họ khai thác ở trên đất mình mà bản thân người Việt Nam lại không khai thác được. Câu chuyện ngược đời là ở đó.

 

Thuế, phí, thủy lợi, thuốc trừ sâu nên giảm cho người trồng cây chủ lực để có sức cạnh tranh. Thu cái này chẳng đáng bao nhiêu đâu nhưng lại được lợi cho đất nước, cho người nông dân và người tiêu dùng.

 

Nhầm địa chỉ

 

- Từ nãy ông vẫn nói về quản lý nhà nước, còn khâu trong phân phối sản phẩm của người nông dân đến tay người tiêu dùng là các doanh nghiệp, các chợ đầu mối, siêu thị chưa thấy?

 

+ Ông Vũ Vinh Phú: Vừa rồi, chỉ có mỗi Co.opmart tham gia vào phân phối dưa hấu còn nhiều siêu thị câm lặng. Trong khi sinh viên làm được thì nhiều siêu thị câm lặng. Nhiều tổng công ty nhà nước như Hapro cũng chả thấy lên tiếng câu nào.

 

Thực ra siêu thị không bán nhiều dưa lắm. Có người bảo Sở Công Thương Hà Nội chủ trương đưa hành tím ở Sóc Trăng vào siêu thị thì tôi thấy thế nào đấy. Tôi bảo mỗi siêu thị bán có mỗi 3kg/ngày, chính ra phải rải ra các chợ. Chợ mới là nơi bán hành nhiều nhất.

 

Indonesia trước đây tiêu thụ đến 70% hành tím ở Sóc Trăng bây giờ bỏ. Tư thương chả ai mua.

 

Siêu thị bán thanh long, dưa hấu cũng rất ít. Phần lớn phải đưa ra chợ đầu mối. Vì chín mươi phần trăm người tiêu dùng bây giờ đi chợ, không phải đi siêu thị, cho nên tôi cho rằng Sở Công thương chọn nhầm địa chỉ kinh doanh.

 

Siêu thị bán hai kg hành một ngày, thậm chí hai lạng. Chợ mới là nơi mua nhiều vì vừa rẻ hơn lại vừa thuận tiện hơn. Các chợ cũng là quản lý của Sở Công thương. Phải tổ chức các điểm bán ở các chợ mới là chính.

 

Vừa rồi dưa hấu đem bán ở dọc đường chứ đâu có bán ở siêu thị. Mặc dù siêu thị có hăng hái nhưng dưa hấu không bán được bao nhiêu. Bày được chục quả. Người ta đi siêu thị thường nhớ mua thêm chứ không thì thôi. Chợ mới là nơi bán chính.

 

Thiếu hiệp định

 

- Cuối cùng, con đường xuất khẩu thì sao. Làm gì để hết cảnh ùn tắc nơi cửa khẩu?

 

+ Ông Vũ Vinh Phú: Vừa rồi chúng ta chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch, tư thương với tư thương. Nhưng bây giờ phải có hiệp định biên mậu. Các nước làm lâu rồi. Như hiện nay vải thiều đã làm rồi. Doanh nghiệp Trung Quốc phải cử người sang đồng ruộng dưa hấu đếm quả, nếu thấy thời tiết thuận lợi có triển vọng thì ký bao tiêu.

 

Ví dụ như vải ký một vạn quả, đến lúc mua người trồng chỉ phải xếp lên xe đếm quả, còn kiểm tra chất lượng là doanh nghiệp Trung Quốc.

 

Sau khi lên xe niêm phong lại và từ đó doanh nghiệp Trung Quốc chịu trách nhiệm qua biên giới. Bên kia có người của họ đón. Chỉ mất một phút qua biên giới. Đằng này dưa hấu mình mang lên không có chủng loại, không có chất lượng. Đứng xếp hàng ở dọc đường, lúc đấy doanh nghiệp Trung Quốc lật ra chọn quả nào ngon thì lấy không thì thôi và như thế họ có quyền ép giá.

 

Mỗi xe kiểm mất ba tiếng. Cách làm thế là chết. Người kinh doanh phải học cách buôn bán. Tức là xe dưa hấu phải được định hình ngay trên đất Việt Nam. Mình phải ký hiệp định với Trung Quốc về vấn đề kiểm định một lần qua biên giới, kiểm định cả số lượng, chất lượng, thống nhất hợp đồng rồi mới đưa đi.

 

Dưa khi đã lên xe coi như là hàng của Trung Quốc. Chúng ta phải kiểm định song phương, một lần. Kiểm định qua hiệp định. Kiểm định với tư cách hai nước hoặc giữa hai địa phương chứ không phải buôn bán kiểu này. Người có hàng luôn bị thua thiệt.

Hồng Trang
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo