Nữ chủ tịch dẫn dắt startup đắt giá thế giới
Theo số liệu tháng 1/2018 của CNN, Didi là một trong những startup có giá trị cao nhất thế giới với định giá 56 tỷ USD. Điều khác biệt của nó so với các ứng dụng gọi xe khác nằm ở quy mô. Với 400 triệu khách hàng tại hơn 400 thành phố Trung Quốc, mỗi ngày có 25 triệu lượt đặt xe qua Didi.
Chủ tịch Jean Liu gia nhập Didi vào năm 2014, hai năm sau khi công ty thành lập. Cô trở thành một trong những nữ nhân viên cấp cao nổi tiếng nhất tại Trung Quốc khi dẫn dắt startup này phát triển vũ bão và vượt qua căn bệnh ung thư vú vào năm 2016.
Con gái của nhà sáng lập Lenovo sở hữu giọng nói chuẩn Mỹ nhờ theo học tại Đại học Havard. Bên cạnh việc điều hành công ty, cô có thể trực tiếp đàm phán cùng những nhà đầu tư. Tháng 12/2017, Jean Liu gọi thêm số vốn 4 tỷ USD, nâng tổng mức đầu tư cho Didi trong năm 2017 lên 10 tỷ USD.
Nỗ lực xây dựng Didi của Jean Liu bắt đầu từ nỗi ám ảnh về giao thông của thủ đô 22 triệu dân Bắc Kinh. Năm 2012, Jean Liu không thể sở hữu xe hơi riêng do rắc rối về giấy tờ, cô phụ thuộc hoàn toàn vào taxi. Mỗi sáng, Jean cùng ba con leo lên xe để đến trường học, sau đó cô mất thêm hai tiếng đồng hồ để đến văn phòng tại trung tâm công nghệ cao Zhongguancun cách đó 40km. Nhiều lần, cô phải đợi ròng rã dưới mưa để bắt xe. Nhiều tài xế chạy vượt qua cô dù không chở khách nào.
Trong khoảng thời gian này, cô gặp gỡ Cheng Wei - nhà sáng lập của Didi để bàn thảo kế hoạch đầu tư. Bị thuyết phục bởi tham vọng tái định nghĩa mạng lưới giao thông thành thị, Jean Liu quyết định từ bỏ công việc tại ngân hàng đầu tư Goldman. Khi nộp đơn từ chức, vị sếp cũ của cô từng nói: "Cô nghĩ gì vậy? Từ bỏ tất cả để làm việc cho một công ty gọi taxi à?"
Trọng trách đầu tiên của Jean Liu là kiểm soát cuộc sát nhập với đối thủ nội địa Kuaidi Dache để trở thành Didi Dache, sau đổi tên thành Didi Chuxing.
Thử thách lớn thứ hai của Jean Liu là đối đầu với Uber. Đối thủ đến từ Mỹ rót vốn ào ạt vào Trung Quốc, kỳ vọng bành trướng tại hàng chục thành phố lớn ở đại lục. Travis Kalanick - nhà sáng lập Uber còn thuê người nhà của Jean Liu đảm nhận chức vụ cấp cao.
Phản ứng của Didi là điều chỉnh giá, mở ra cuộc chiến lớn kéo ròng rã hai năm của hai startup nhất nhì toàn cầu. Uber "đốt" 2 tỷ USD cho cuộc chiến giành miếng bánh thị phần béo bở. Didi không kém, thậm chí còn chi nhiều hơn. Jean Liu gọi về cho công ty không ít khoản vốn từ các gã khổng lồ số hóa như Alibaba, Tencent. Trong khi đó, Uber phải gánh chịu áp lực từ các nhà đầu tư vì thua lỗ tỷ USD.
Jean Liu không muốn tiếp tục đối đầu dù cô thắng thế. Cô đưa ra thỏa thuận để mua lại mảng kinh doanh của Uber Trung Quốc bằng 18% cổ phần của Didi, kết thúc cuộc chiến mà theo Jean Liu là "kinh động đất trời".
Một sáng mùa xuân 2016, Jean Liu lần đầu đặt chân đến văn phòng Uber để thương thảo cuộc mua bán. "Bản năng nói rằng tôi không nên bước vào đó", nữ Chủ tịch cho biết. Cô lo ngại sự xuất hiện của mình sẽ khiến những nhân viên của Uber cảm thấy bị sỉ nhục.
Sau thương vụ, toàn bộ nhân viên của Uber Trung Quốc nghiễm nhiên trở thành người của Didi. Cô chiếm cảm tình của họ bằng cách kể những câu chuyện, từ việc công ty cho đến cá nhân. Cô kể: "Tôi cứ nghĩ hai chú cún lông xù của tôi có kích thước cỡ chú gấu bông, không ngờ sau đó chúng vụt lớn, to hơn cả một con cừu. Những chiếc taxi tôi gọi đều không thể nhét nổi ba đứa con, hai chú cún. Đó là động lực để tôi làm việc tại đây".
Jean Liu chia sẻ, bí quyết giúp Didi chiến thắng là "không cuốn theo cuộc chiến". Trong suốt thời gian cạnh tranh, Didi vẫn tiếp tục cho ra mắt nhiều dịch vụ mới. Một số chuyên gia cho rằng, Didi không thể thua cuộc. "Bỏ ra 2 tỷ USD tại Trung Quốc đối với một công ty Mỹ là tổn thất lớn. Về phía Didi, cũng những nhà đầu tư Trung Quốc đứng sau họ, chi ra 2 tỷ USD để giành vị thế tại quê nhà không là gì cả", một chuyên gia người Trung Quốc cho biết.
Đến hiện tại, Jean Liu vẫn mô tả thương vụ với Uber là một "cuộc hợp tác", chứ không phải "chiến thắng". Con gái nhà sáng lập Lenovo không muốn bị đánh đồng với văn hóa "nếu không làm hư hỏng thứ gì đó, bạn chưa di chuyển đủ nhanh" của thung lũng Silicon, nơi Uber ra đời. Jean Liu tự nhận phong cách điều hành của mình là "nhút nhát". "Tôi cũng như bao cô gái Trung Quốc khác, chăm chỉ làm việc và luôn cúi mình. Tôi phải học cách nói lên chính kiến của mình trong thời gian đầu của sự nghiệp", nữ Chủ tịch cho biết.
Sau khi giành được vị thế tại sân nhà, mục tiêu tiếp theo của Jean Liu cho Didi là mở rộng kinh doanh. Công ty hiện hợp tác cùng các nhà sản xuất xe hơi để tạo nên những chiếc xe "thiết kế đặc biệt cho mục đích chia sẻ". Jean Liu cũng tham vọng ở mảng xe điện, xe không người lái, xe thông minh.
Jean Liu tưởng tượng rằng, ở thì tương lai, cô sẽ không phải dùng đến chiếc điện thoại di động của mình để đặt xe về nhà. "Chỉ cần một ứng dụng nhận diện giọng nói nào đó, và tôi chỉ cần nói: tôi cần về nhà, ngay bây giờ", cô cho biết. Một phút sau, chiếc xe đến đón cô ấy. Jean không cần chọn loại xe cô yêu thích, trí tuệ thông minh (AI) sẽ đoán ra. Thậm chí, hệ thống ứng dụng còn đưa ra lời đề nghị đặt xe, biết được cô sẽ đi đâu. Tài xế thỉnh thoảng sẽ là con người, nhưng thông thường là máy móc.
Chiếc xe sẽ chạy dọc trên những con đường điều khiển bởi AI, không có đèn giao thông. Những chiếc xe sau khi lái sẽ tự chạy về bãi đỗ bên ngoài trung tâm thành phố, trả lại không gian cho những công viên cây xanh. Jean Liu tin rằng điều đó sẽ trở thành hiện thực, và Didi - công ty của cô sẽ trở thành gã khổng lồ công nghệ và vận chuyển.
Hơn tất cả, Jean Liu tham vọng mang dịch vụ ra thị trường toàn cầu. Hiện nay, rất ít các công ty Trung Quốc thuộc lĩnh vực Internet tiến ra nước ngoài. Trong khi đó, Didi thực hiện đầu tư cho những dịch vụ đặt xe khác như Lypt tại Mỹ, Ola tại Ấn Độ và Taxify tại châu Âu. Năm 2016, Didi nhận gói đầu tư một tỷ USD từ ông lớn Apple, dấy lên tin đồn bộ đôi "nắm tay" làm xe thông minh. Năm 2017, công ty mở phòng nghiên cứu xe tự lái tại thung lũng Silicon, thuê nhân sự từ nhiều tập đoàn hàng đầu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo