Nữ nhân viên Google và chặng đường bán nhà để khởi nghiệp
Reene Wang là con một, sinh ra khi chính sách một con vẫn đang được thi hành tại Trung Quốc. Thế hệ của cô từng được The Guardian nhận định là "thế hệ cô đơn nhất". Thời trung học, Reene trải qua quãng thời gian dài bị trầm cảm vì phải rời thành phố để về quê học ở trường nội trú.
Trong khoảng thời gian đó, dù kết quả học tập luôn dẫn đầu lớp và kết thân được với nhiều bạn bè, cô vẫn không thể thoát khỏi cảm giác cô đơn. Đó là nguyên nhân khiến Reene sau này quyết định theo học ngành Tâm lý học tại Đại học Bắc Kinh. "Tôi muốn tìm hiểu về chính bản thân mình, học để biết lý do tại sao tôi lại bị trầm cảm", Reene chia sẻ.
Bước ngoặt đến với Reene khi cô tình cờ có dịp tìm hiểu về việc viết code sau một lần làm bài tập giúp bạn trai cũ. Sau nhiều lần làm bài tập hộ các sinh viên khác của khoa công nghệ thông tin, Reene nhận ra mình thực sự có năng khiếu và niềm đam mê với việc lập trình.
"Viết code mang đến cho tôi cảm giác thành công và tự tin", Reene nói. Trong suốt thời sinh viên, cô nhận lập trình và làm website để kiếm tiền. Tốt nghiệp năm 2009, cô không ngay lập tức tìm công việc liên quan đến lập trình mà quyết định thử thách bản thân, sửa đổi bản tính khép kín bằng cách đầu quân làm nhân viên bán hàng cho một công ty. Cô bán các dịch vụ tư vấn giáo dục, giúp học sinh chuẩn bị cho các kỳ thi lớn như SAT và GMAT.
Ngay từ khi là sinh viên và đam mê lập trình, Google luôn là môi trường làm việc mơ ước của Reene Wang, nhưng cô không biết tiếng Anh, trong khi đó lại là một trong những yêu cầu hàng đầu nếu muốn trở thành nhân viên của tập đoàn này. Khi nhận được lời mời phỏng vấn của Google, Reene quyết định bỏ việc, dành toàn bộ 3 tháng để học tiếng Anh, chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn nhưng không được nhận. Trong suốt thời gian dài sau đó, Reene ngủ tại phòng ký túc xá của bạn bởi cô không có tiền tiết kiệm.
Cô cũng từng bỏ dở buổi thương thảo thu nhập với Tencent - một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc chỉ vì biết được rằng Google đang tổ chức một hội chợ việc làm tại một trường đại học gần đó.Cô tiếp tục nộp đơn ứng tuyển và 6 tháng sau, một lần nữa Reene trượt buổi phỏng vấn với lý do cô còn quá trẻ và ít kinh nghiệm.
Năm 2011, Reene khi ấy đã quá tuyệt vọng và thiếu tiền nên đồng ý nhận việc tại Oracle - một công ty phần mềm lớn. Tuy nhiên, vào ngày đầu tiên làm việc tại đây, cô nhận được cuộc gọi từ phòng nhân sự Google với lời mời làm việc mà cô vẫn luôn chờ đợi. Reene ngay lập tức nhận lời và bỏ việc tại Oracle trong vòng chưa đầy 24 giờ.
Bốn năm sau, trải qua quá trình làm việc cho Google tại văn phòng Dublin và Tokyo, cô dần thăng tiến lên vị trí quản lý ứng dụng kiếm tiền trên thiết bị di động. Trong quãng thời gian làm việc cho Google ở Nhật Bản, mỗi ngày cô phải lái xe một tiếng để đi làm. Là một người luôn "ám ảnh về năng suất", Reene tận dụng khoảng thời gian này để nghe các chương trình audio đồng thời thực hành tiếng Nhật.
Từ trải nghiệm phải mất đến hàng tiếng đồng hồ "loanh quanh" khắp các ứng dụng phát thanh mới tìm ra được chương trình ưng ý, CEO Castbox tự đặt ra câu hỏi tại sao cô không tự phát triển ứng dụng nội dung audio thân thiện và hiệu quả hơn. Nghĩ là làm, Reene sau đó quyết định nghỉ việc tại Google vào năm 2015 và trở về Trung Quốc để khởi nghiệp.
"Tôi không phải là người thích làm nhiều việc một lúc. Toàn tâm toàn ý cho một thứ là phong cách làm việc của tôi", Reene Wang thẳng thắn. Cô chỉ mất 4 ngày để xây dựng nền tảng của CastBox. Tháng 1/2016, Reene bắt đầu đăng ứng dụng của mình lên Playstore của Google. Chưa đầy một tháng sau, sản phẩm này nhanh chóng tạo đột phá với 500.000 lượt tải về.
Reene biết cô đã làm ra đúng thứ mà thị trường cần. Giải thích cho bước đi đầu tiên là đăng tải ứng dụng lên Playstore, Reene phân tích: "Apple đã thống lĩnh thị trường audio với ứng dụng Podcast cho hệ điều hành iOS. Vì vậy, chúng tôi buộc phải tìm đến Android để xây dựng cơ sở người dùng ban đầu của mình. Google không có ứng dụng audio cài đặt sẵn nên điều này tạo cơ hội cho CastBox thu hút người dùng trải nghiệm sản phẩm".
Sau thành công ban đầu, Reene nhận ra rằng, có số lượng người dùng mới chỉ là bước đệm. Để tăng trưởng bền vững, nội dung các audio cung cấp mới là yếu tố quyết định. Muốn phát triển nội dung, startup cần có thêm nguồn vốn để cải thiện sản phẩm. Dòng tiền đầu tiên của CastBox là số tiền bán nhà của Reene. Cô bán căn hộ một phòng ngủ của mình tại Bắc Kinh với giá khoảng 500.000 USD để trang trải cho các chi phí ban đầu như thuê văn phòng, quảng cáo và tuyển dụng.
CastBox phát triển nhanh chóng ngay sau đó và cần nhiều tiền hơn để mở rộng thị trường cũng như nâng cấp các chức năng ứng dụng. Trong năm 2016, công ty khởi nghiệp của Reene nhận được số tiền đầu tư đầu tiên từ ZhenFund khi công ty này biết được CastBox đang gọi vốn.
Sau khi trao đổi qua điện thoại để chứng thực thông tin, ZhenFunds gửi hợp đồng đầu tư cho Reene chỉ sau 30 phút. Ứng dụng này "trong chớp mắt" cầm trong tay một triệu USD trong vòng gọi vốn đầu tiên.
Ứng dụng phát thanh trực tuyến của Reene Wang cho phép người dùng khám phá nhiều chương trình liên quan bằng cách đưa ra các gợi ý mới mỗi ngày dựa trên đánh giá thói quen và sở thích nghe phát thanh của họ. Thêm vào đó, nền tảng CastBox cho phép người dùng tạo ra các kênh phát thanh của riêng mình.
Hiện nay, dù rất nhiều ứng dụng phát thanh trực tuyến ra đời bao gồm cả sản phẩm được phát triển bởi Apple dành riêng cho hệ điều hành iOS, CastBox vẫn có chỗ đứng nhất định nhờ áp dụng những công nghệ hàng đầu như khả năng "xử lý ngôn ngữ tự nhiên" và Học Máy (Machine Learning) để giúp người dùng tìm kiếm những nội dung phát thanh phù hợp với sở thích từ kho 50 triệu tập phát thanh khác nhau.
Sau ba năm hoạt động, CastBox vẫn đang trên đà phát triển mạnh. Vòng gọi vốn gần đây nhất, Reene Wang cho biết startup của cô nhận 13,5 triệu USD đầu tư từ SIG China. Số tiền này sẽ được dùng cho việc phát triển nội dung, đáp ứng nhu cầu của 15 triệu người dùng ứng dụng CastBox hiện nay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo