Nữ tướng Pepsico Việt Nam: Thành công nhờ “thiên tính nữ”
Hơn 10 năm đồng hành cùng Suntory Pepsico Việt Nam, chị đã thành công trong việc dẫn dắt các nhãn hàng của Suntory Pepsico vượt qua bao thách thức, trở thành dẫn đầu thị trường, với sự quyết liệt, táo bạo, và khả năng thấu hiểu khách hàng của một thiên tính nữ.
Chị chính là Huỳnh Thị Xuân Liên, CEO Nhượng quyền thương mại ngành nước giải khát Pepsico Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội CLB Nữ doanh nhân TP.HCM.
Một cô gái Huế rặt xuất thân từ một gia đình gia giáo, được yêu chiều, vì sao chị quyết định một mình vào Sài Gòn lập nghiệp?
Gia đình tôi có 6 chị em, đều theo học ngành bác sĩ, sư phạm. Thời mới giải phóng, ba là sĩ quan Ngụy trở về sau cải tạo. Được cái ba hòa nhập xã hội rất nhanh, có thể chơi được với rất nhiều người cả từ hai phía nhờ xuất phát từ lòng thương yêu con người
Tôi học sư phạm Huế như các anh chị khác. Ở Huế thời đó không có quyền thì phải có tiền. Ba vất vả lo xin việc cho con, có lần ba than thở: “Tụi bay tưởng tau sướng lắm à, tau chạy như con chó đạp lửa để xin việc cho bọn bay, người ta chỉ cổng A, tau chạy cổng A, người ta chỉ cổng B, tau chạy cổng B, mà đâu có được gì!”.
Câu nói của ba làm mình thay đổi. Mình quyết định không ở Huế nữa, phải đi Sài Gòn. Phải làm gì cho mình, trước tiên là tự xin việc lấy, không để ba phải khổ vì mình. Thế là tự mình vác giỏ đi Sài Gòn
Lúc ấy, khát vọng lớn nhất của chị là gì? Khát vọng ấy đã từng bị vùi dập thế nào giữa Sài Gòn xa lạ?
Khát vọng đầu tiên trong cuộc đời lúc ấy là phải thay đổi chính cuộc đời mình, và phải là người có trách nhiệm thay đổi cả gia đình mình, để cha mẹ bớt khổ.
Hai ngành bác sĩ và giáo viên… không đi về đâu, nên phải học thêm bằng đại học kinh tế.
Mình là con út trong nhà, mọi người hay đùa con út trưởng. Nhỏ nhỏ vậy chứ mọi việc trong nhà ba mẹ đều hỏi ý kiến mình…
Mà khổ thiệt, không biết sao mình còn tồn tại nữa, nhiều bạn bè mình bỏ về Huế hết. Năm đầu tiên đến trường ba đưa cho 8 triệu đồng, lúc ấy gia đình bán vật liệu làm bia, tiền đếm từng bao từng bao.
Đến năm thứ hai gia đình bị vỡ nợ, nhà hết sạch tiền. Lúc lên tàu ba chỉ còn 120 ngàn đồng dúi cho con gái. Thế là vừa đi học, vừa đi dạy kèm tiếng Anh khan hơi rát cổ để kiếm tiền mưu sinh.
Tôi nhớ mãi căn nhà ở nhờ, hễ mưa cái là nước ngập đến tận gối, một mình tát cả nước cống nước mưa suốt đêm đến sáng, nước ngọt cũng rất khan hiếm, rửa rau xong còn để dành rửa bát…
Từ đó tôi biết quý những gì mình có được, và chẳng bao giờ sợ cực. Mọi việc trong nhà của đàn ông mình đều tự làm hết, tính xông pha quen rồi. Chồng tôi cứ bảo kiếp trước tôi là đàn ông, người ta chưa kịp làm mình đã xông vào rồi, chẳng ngại gì cả…
Trước khi vào Pepsico, chị đã trải nghiệm các công ty đa quốc gia như LG, Dutch Lady, Unilever… bài học nào đã giúp chị trở thành một thủ lĩnh marketing từng đưa nhiều thương hiệu tới thành công?
Bắt đầu với LG, rồi chuyển qua Dutch Lady, sau đó tôi đi định cư ở Mỹ, qua 6 tháng thấy không thích nữa, bỏ về.
Nhiều người nói mình khùng, nhưng tôi chưa bao giờ thấy hối tiếc quyết định của mình khi về Việt Nam.
Dù làm cho công ty toàn cầu hay công ty địa phương, thì người làm marketing cũng phải trả lời cho được câu hỏi về nhu cầu và sự thật ngầm hiểu của người dân địa phương đó là gì?
Một nhãn hiệu được yêu thích trước tiên phải là thứ người ta cần, thứ người ta thích, sau đó là cái người ta yêu.
Làm thương hiệu không có bài toán nào chung cho tất cả. Người tiêu dùng nghĩ là họ biết tất cả, nhưng thực ra làm sao nói cho họ biết cái thứ người ta không biết, làm sao tạo ra và khơi gợi nhu cầu mới mà người ta chưa từng biết là câu chuyện của người marketing.
Đơn giản như câu chuyện nước tăng lực Sting. Trước giờ nói đến tăng lực là người ta nghĩ ngay đến Bò húc, Number one, gắn với màu vàng.
Khi hỏi người tiêu dùng “ Bạn nghĩ gì khi chúng tôi có nước tăng lực không phải màu vàng mà màu đỏ, vị dâu?”, nhiều bạn trẻ nói “bị điên à?”.
Nếu người marketing mà nghe người tiêu dùng thì không thể có thương hiệu nước tăng lực lớn nhất Việt Nam bây giờ như Sting.
Khi chúng tôi tung Revive, thị trường chưa từng có loại nước uống dành riêng cho người chơi thể thao.
Hỏi các bạn vận động viên khi vận động các bạn uống nước gì? Họ nói uống trà đá, nước tăng lực… khi đưa sản phẩm cho họ uống, phản ứng của họ là… nhổ ra liền, vì từ trước đến giờ họ chưa uống sản phẩm nào như vậy cả, vị nhờ nhợ như Efferalgan…
Giờ khi uống quen vì chính thành phần vitamin, bù khoáng, bù nước, bù chất điện giải…mà họ cần, họ lại thấy ngon rồi…
Với Pepsico, yếu tố con người là quan trọng nhất. Anh Phạm Phú Ngọc Trai là người khởi đầu xây dựng một văn hóa gia đình nhưng rất Mỹ ở Pepsico, giúp cho mọi nhân viên đều sống theo chuẩn của Pepsico toàn cầu.
Chuẩn giá trị của Pepsico không treo trên tường, mà đi vào cuộc sống hàng ngày, làm việc dựa trên sự giao quyền, tôn trọng lẫn nhau, và tôn trọng cả đối thủ cạnh tranh, tôn trọng tất cả những gì đang có ở Pepsi.
“Chúng ta chỉ bán những sản phẩm mà chúng ta tự hào” đã trở thành kim chỉ nam của mọi hành động, không vì lợi nhuận mà làm khác đi, chỉ tung sản phẩm ra thị trường khi tin là tốt nhất. Tôn trọng nơi làm việc, chính trực trên thị trường, đạo đức trong kinh doanh… Mình gắn bó lâu dài với Pepsico chính vì điều này.
Con đường sự nghiệp của mình khá may mắn, giống như hai tay đồng điệu, tay trái là nỗ lực của mình, tay phải là sự ủng hộ, yêu thương của mọi người, công ty cho mình cơ hội… để vỗ lên tiếng kêu.
Trong công việc cũng vậy, tôi chẳng nề hà gì. Sếp cần là làm bằng cả tấm lòng, 200% công sức, và rõ ràng là được đền đáp.
Khi được đề bạt lên chức Phó tổng giám đốc trong Suntory Pepsico ở tuổi 35, mọi người thường hay nói đùa “Chị làm cho độ tuổi trung bình của các tổng giám đốc bị kéo xuống”, đó là niềm vui với những gì mình đạt được.
Ở Pepsico, tôi có được sự trải nghiệm, cộng thêm văn hóa cực kỳ tốt của sự hỗ trợ, thông hiểu, để cùng nhau làm tốt hơn.
Trong phát triển con người, khi người ta tin ai có khả năng thì không ngại trao cơ hội, dù lúc đó họ chỉ đạt 80%.
Mình tri ân người sếp như anh Phạm Phú Ngọc Trai, và những người sếp sau anh, luôn trao công việc và trao cơ hội.
Ở vị trí này, tôi cũng làm y như vậy với các nhân viên của mình nếu thấy tương lai của người khác, sẵn sàng trao cơ hội để họ phát triển.
Khi tin ai đó sẽ đặt trọn niềm tin, trao quyền, rồi đứng sau để cùng dắt tay họ, “thả” từ từ khi họ đã vững vàng, giống như dìu đứa bé khi mới biết đi. Cách sống đó thực sự tốt đẹp.
Chị từng chia sẻ nguyên tắc quản trị bằng yêu thương?
Với tôi đó là nền tảng, bắt đầu của mọi cái.
Trong cuốn sách "Cuộc đời là một hành trình tâm linh", thiền sư Sayadaw Ujotika có viết: "Chúng ta phải tận dụng mọi cơ hội đế sống với lý tưởng tâm linh của mình, trong mối quan hệ tương giao với mọi người, mọi mối quan hệ xã hội… Mặc dù biết mình không hoàn hảo, xong mình luôn cảm thấy thanh thản...”.
Ở Pepsico, chị lao công là bạn thân thiết với tôi, vào công ty gặp chị tôi luôn hỏi “người yêu hôm nay uống gì?”.
Đối với sếp hay chị lao công đều cùng một cách yêu thương. Sự chính trực nằm ở đó, không phân biệt đối xử.
Để vươn lên vị trí cao nhất nhì trong một tập đoàn đa quốc gia với một phụ nữ hẳn không đơn giản?
Điều đầu tiên tôi luôn phải nhắc là mình không phải phụ nữ, để nhắc mình phải làm việc như người ta.
Cuộc họp đầu tiên với cấp lãnh đạo toàn người nước ngoài lớn tuổi từ Ấn Độ, Nhật Bản, quả thật cũng run. Nhưng sau đó thì ổn, vì công việc là công việc, sự tôn trọng là ngang nhau.
Mặc dù mình là phụ nữ, dựa trên nguyên tắc cái gì đúng là làm, không bị những cảm xúc yếu đuối dẫn dắt, để họ thấy con nhỏ này không nhỏ. Họ biết mình là phụ nữ, nhưng không vì thế mà đối xử với mình khác đi.
Các sếp hay nói về mình là rất mở lòng để đón nhận những điều người khác nghĩ về mình mà không… xù lông nhím. Điều đó giúp ích mình rất nhiều.
Nếu mình xù lông chẳng bao giờ đón nhận được điều gì, cũng chẳng ai chia sẻ với mình nữa.
Đón nhận người khác nói về mình như một món quà, nếu họ nói mình chưa tốt đôi khi chạnh lòng, nhưng phải ngồi xuống nghĩ lại tại sao họ nghĩ mình như thế.
Mình đón nhận những lời chỉ trích của người khác một cách tích cực, và đặt hết công sức và tâm huyết vào công việc của mình, nhờ đó được mọi người yêu thương, vì nhỏ này không… “phùng mang trợn má”, cũng biết lắng nghe…
Sau này mấy phó tổng khác cũng đi tìm mình học hỏi kinh nghiệm, dù lớn tuổi hơn mình, thậm chí có người còn không dám nhận chức. Mình đã khuyến khích anh ấy, giờ anh là phó tổng 2 năm rồi.
Khi đã cố gắng hết sức rồi thì đón nhận thành công hay thất bại cũng nhẹ nhàng hơn, không bị đắm chìm vì thất bại, cũng không “bay” quá sức khi thành công, cho mình sự cân bằng.
Khi đối tác Nhật Suntory nhảy vào, những giá trị rất Mỹ như Pepsico có gì thay đổi?
So sánh chuẩn giá trị của Pepsico và Suntory, tôi thấy về cốt lõi hoàn toàn tương đồng, chỉ khác ở cách diễn đạt ngôn từ.
Pepsico khi chọn đối tác hẳn đã chọn những người tương đồng với mình, thể hiện những gì Pepsico xây dựng ở Việt Nam trong những năm vừa qua không thay đổi nhiều.
Có thêm một đối tác mạnh chỉ làm cho mình mạnh hơn lên mà thôi.
Trước xu hướng tiêu dùng nước uống thay đổi liên tục, áp lực với người lãnh đạo là gì?
Làm gì cũng phải hiểu người tiêu dùng xem họ muốn gì, cao hơn nữa có những thứ họ muốn mà chưa biết.
Với sản phẩm, đó là chiến lược dài hơi, có lộ trình ngắn hạn, trung hạn, dài hạn… Pepsico đang tập trung cho chiến lược trung hạn và dài hạn.
Đối với người Việt Nam, xu hướng quan tâm sức khỏe ngày càng nhiều hơn, nhưng chỉ xuất hiện ở các thành phố lớn.
Thị trường giải khát Việt Nam còn nhỏ lắm, chỉ bằng ¼ so với Thái Lan, bằng 1/7 so với Philippines.
Hơn 70% dân số Việt Nam ở nông thôn, sử dụng sản phẩm hiện tại chưa cao, thị trường còn phát triển dài lắm.
Câu chuyện làm sao tăng thêm thức uống tiêu dùng cho người Việt Nam nhiều hơn.
“Lò đào tạo” Pepsico và Unilever cũng đã đóng góp đáng kể cho thị trường nhân lực cấp cao Việt Nam, nhất là đội ngũ marketing, theo chị yếu tố nào là quyết định để giúp nhân viên trưởng thành nhanh chóng?
Quay lại câu chuyện trao quyền, dù công ty trong nước hay toàn cầu, sự trao quyền cho nhân viên cơ hội được làm, được thỏa chí. Sự cân bằng giữa hỗ trợ toàn vùng từ New York và sự tự thân rất lớn, đó là cơ hội để tạo nên thành công vượt bậc cho thị trường Việt Nam.
Nếu lấy hàng từ New York về bán thì chỉ phát triển rất bình thường. Địa phương hóa con người, cách suy nghĩ, những ý tưởng, khiến cho người marketing có nhiều cơ hội trải nghiệm, giúp họ lớn nhanh.
Thứ hai là bắt nguồi từ văn hóa. Ở Pepsi không trừng trị sự sai phạm làm mất đi tính người.
Các sếp nhận trách nhiệm, là người đứng sau, cùng nhân viên học hỏi để lớn lên. Còn nếu làm sai là… lên đường thì không bao giờ có người lãnh đạo trẻ.
Mới đây khi Suntory đưa thêm giá trị “Cứ làm đi, sai lại sửa, làm tiếp, đừng sợ thất bại”. Điều đó làm cho nhân viên dám táo bạo hơn…
Vậy trong đời làm marketing, chị đã từng gặp thất bại chưa?
Đã làm marketing thì không phải lúc nào cũng đúng, có thành công mỹ mãn, có thất bại, đó là chuyện bình thường. Miễn là mình không sai về chuẩn giá trị thì không thể dung thứ, chỉ sai trong cách nhìn nhận thị trường.
Có lúc tung sản phẩm không thành công, đây là lúc phải cùng nhau vượt qua thất bại, học được gì từ thất bại, lần tung tới sẽ làm được gì? Học đúng nghĩa chứ không phải để tiếp tục sai. Luôn nhìn lại, đánh giá một cách nghiêm túc.
Cũng như người dẫn đầu của Pepsico là anh Trai, chị bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, tiền bạc… từ rất sớm cho cộng đồng doanh nhân, cho xã hội?
Quan tâm tới khách hàng, người tiêu dùng, vì môi trường mà chúng ta đang sống... là điều mà anh Trai làm rất sốt sắng. Tôi học được ở anh điều đó.
Thay vì cuối tuần đi dạy kiếm 10- 20 triệu, mình dành thời gian chia sẻ cho các bạn trẻ hoàn toàn tự nguyện, điều đó thấm vào máu mình, là một lựa chọn rõ ràng.
Là người mê sách, và hay tặng sách Phật pháp cho bạn bè, cơ duyên nào dẫn chị tới đạo Phật? Thiền có giúp chị tìm thấy sự an yên?
Vợ chồng tôi nghe giảng Pháp rất nhiều từ thiền sư Ajahn Brahm. Ưa thích tặng sách cho người khác, trong đạo Phật gọi là bố thí pháp, bố thí là chia sẻ thôi.
Đương nhiên chia sẻ tiền bạc ai cũng cần, nhưng bố thí pháp giúp người ta hiểu chuyện gì rồi cũng sẽ qua, dù là hạnh phúc tột bậc, đau thương tột cùng… từ đó sẽ giữ được cân bằng.
Tôi chỉ đang học Phật pháp thôi, còn hành thì đang cố gắng.
Như trong tác phẩm "Buông bỏ buồn buông", bằng những bài viết ngắn dễ hiểu, thiền sư Ajahn Brahm đã giúp ta biết cách làm sao mình làm thùng rác cho tất cả người khác mà thùng rác của mình không hôi thối!
Hãy làm một thùng rác rỗng đáy, hãy nghe những gì họ nói để vơi đi nỗi buồn, nhưng đừng lấy nỗi buồn của họ làm nỗi buồn cho chính mình.
Kiến thức của tôi về đạo Phật có tí xíu, chồng tôi mới là người tìm hiểu về đạo Phật kỹ hơn.
Anh ấy vốn là CEO một công ty phần mềm, nhưng đã quyết định… nghỉ hưu, để dành thời gian cho những gì có ý nghĩa hơn.
Anh đang tập trung xây dựng dự án Thiền Sài Gòn (Saigon Meditasion Project), tạo ra trang web chia sẻ những kiến thức mà Thiền có thể mang lại cho mọi người, và dành thời gian viết sách. Anh đã thành con chim tự do…
Mặc dù anh nghĩ tôi rất sốc, nhưng tôn trọng quyết định của anh vì mục đích tốt đẹp.
Tôi không mong có hai ba chục triệu USD, đó không phải là mục tiêu cuộc đời. Đúng là tôi không thể nghèo, chỉ cần trang trải đủ để sống với những gì mình đam mê.
Tôi bắt đầu Thiền khoảng nửa tiếng mỗi ngày… Có ngày họp tới bảy, tám cuộc, đến cuộc thứ 6 tôi không biết nói gì nữa, chỉ ngồi thiền 10 phút thấy cái đầu mình sáng ra liền.
Tuổi trẻ hiện nay trầm cảm nhiều quá vì không cân bằng được. Tôi mong có tiền để tài trợ cho các thầy mở nhiều hơn các lớp Thiền cho giới trẻ để giúp các em vượt qua áp lực cuộc sống, cân bằng thân tâm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo