Nữ tỷ phú bí ẩn của công ty IT hàng đầu tại Mỹ
SHI là tập đoàn có người điều hành nữ giới lớn nhất tại Mỹ và đứng trong top 3 công ty thành công nhất do người nhập cư thành lập, theo thống kê của Forbes.
Bà Thai Lee giữ chức CEO và là người đưa đến sự thành công vượt bậc của tập đoàn hàng đầu về công nghệ thông tin (IT). Bà sinh ra tại Thái Lan, lớn lên ở Hàn Quốc và đến Mỹ để theo học cấp 3, rồi học lên đại học. Mặc dù là một trong những nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới với khối tài sản ước tính 1,6 tỷ USD, Lee vẫn luôn tự lái xe đến chỗ làm. Bà còn tự làm các công việc như sắp xếp lịch hẹn, đặt vé máy bay chứ không thuê trợ lý.
SHI International dưới tài điều hành của bà Lee đã phát triển từ một công ty sắp phá sản với 5 nhân viên, trở thành tập đoàn IT hùng mạnh, doanh thu đạt 6 tỷ USD mỗi năm với hơn 3.000 nhân viên trên toàn thế giới. Công ty bán sản phẩm phần cứng, phần mềm, ứng dụng, dịch vụ tư vấn cho 17.500 khách hàng gồm các hãng nổi tiếng như Boeing, Johnson & Johnson, AT&T.... với mức tăng trưởng doanh thu 15% mỗi năm.
Thai Lee được cho là một người phụ nữ bí ẩn vì rất ít khi xuất hiện trên báo giới. Thậm chí khi được xếp vào danh sách 18 nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới do Forbes bình chọn, bà cũng muốn tự rút tên mình ra. “Số tài sản không thể truyền tải chính xác lòng tôn trọng và ngưỡng mộ tôi dành cho đội ngũ nhân viên SHI”, Thai Lee nói. Quá quen với việc khách hàng dễ dàng thay đổi nhà cung cấp khi tìm thấy mức giá rẻ hơn, trọng tâm phát triển của bà chính là thái độ của nhân viên, điều được cho là chìa khóa cho sự thành công của tập đoàn.
“Tôi luôn muốn xây dựng văn hóa công ty vững mạnh. Đó là lý do công ty không có bãi đỗ xe riêng dành cho ban giám đốc, tôi đỗ chung với nhân viên. Chúng tôi muốn chắc chắn rằng bất cứ ai cũng cảm thấy được trân trọng và giá trị”, bà lý giải.
Khi còn nhỏ, gia đình bà đã phải di chuyển qua nhiều quốc gia. Bố bà là một nhà kinh tế Hàn Quốc với công việc thúc đẩy kế hoạch phát triển đất nước. Thuở thiếu thời, Lee nổi tiếng bởi khả năng học giỏi, suy nghĩ thấu đáo và cẩn thận. Bà học đại học với hai chuyên ngành kinh tế và sinh học tại Mỹ, bởi vẫn chưa thật trôi chảy tiếng Anh. “Tôi tránh chọn các khóa học buộc phải nói hay viết nhiều trong lớp, bởi quyết tâm đạt điểm cao nhất có thể. Tôi biết rằng cơ hội thành công chỉ đến khi tự thành lập công ty”.
Sau khi tốt nghiệp, bà quay trở lại Hàn Quốc và làm việc tại nhà máy sản xuất phụ tùng ôtô Daesung để tích cóp đủ tiền, quay trở lại học MBA tại đại học Harvard.
Với đầu óc nhanh nhẹn, bà chọn công việc để chuẩn bị tốt nhất cho công ty riêng sau này của mình. Bà làm việc hai năm tại tập đoàn chuyên sản xuất hàng tiêu dùng Proter & Gamble và hai năm tiếp theo tại công ty dịch vụ tài chính American Express. “Tôi biết rằng mình muốn chuẩn bị thật tốt cho kế hoạch tương lai, vì vậy những năm 20 tuổi tôi dành tất cả để học về kinh doanh”, nữ tỷ phú chia sẻ.
Năm 1989, Thai Lee kết hôn với Leo Koguan, một luật sư chuyên ngành giáo dục người Columbia, người rất ủng hộ việc bà thành lập công ty riêng. Cơ hội đến khi cặp vợ chồng nhận thấy Lautek, một công ty phần mềm tại New Jersey có bộ phận nhỏ tên gọi Software House đang gặp trục trặc. Dù có rất ít khách hàng, nhưng một trong số đó lại là tên tuổi lớn, như AT&T. Lee cùng chồng nhìn thấy những giá trị tiềm năng của công ty và quyết định mua lại với giá một triệu USD, từ tiền tích cóp của hai vợ chồng và vay mượn bạn bè. Họ đổi tên công ty thành Software House International (SHI) với giấc mơ tiến ra thị trường toàn cầu.
Dù cuộc hôn nhân của họ không được lâu bền khi li dị vào năm 2002, hai người vẫn giữ mối quan hệ đối tác kinh doanh. Thai Lee giữ 60% cổ phần công ty, 40% còn lại thuộc về chồng bà.
Lee thừa nhận lúc đầu bà vốn không mấy hứng thú trong mảng công nghệ. Thời điểm bấy giờ, máy tính vẫn chưa thật phổ biến, vì vậy sự hiểu biết của bà trong lĩnh vực này rất hạn chế. Bà dành thời gian tìm hiểu và tiếp cận công nghệ theo cách rất phổ biến với nữ giới: tính thực tế và tiện ích được đặt lên hàng đầu. Trong thời kỳ mới phát triển, SHI tạo ra sự khác biệt không phải bởi những công nghệ tiên tiến vượt mặt đối thủ, mà dựa vào dịch vụ khách hàng vượt trội.
“Tài chính eo hẹp, công ty không quảng cáo hay khuyến mãi gì cả. Những gì chúng tôi có là người làm cho công ty phát triển. Bà Lee luôn suy tính để SHI thích hợp với thị trường bấy giờ”, Melissa Grabam, phó chủ tịch kinh doanh của SHI và là cựu nhân viên Lautek nhớ lại.
Lee đã cho phép mỗi nhân viên tự ra quyết định cách quản lý khách hàng, bởi bà quan niệm rằng mỗi nhân viên là chủ của công ty, việc tự chịu trách nhiệm về khách hàng sẽ nâng cao giá trị và tạo động lực cho họ.
Một triết lý kinh doanh khác của Thai Lee là đối xử khách hàng như đối tác chứ không chỉ đơn thuần mua bán bộ phận máy tính, từ đó công ty sẽ có sự trung thành của khách. Thậm chí khi một công ty đối tác đề nghị bên cạnh phần mềm, họ còn muốn máy tính, sản phẩm SHI vốn không cung cấp, bà Lee vẫn chiều lòng khách. Đội ngũ làm việc cả cuối tuần để tìm ra giải pháp có được nguồn máy tính tốt. Giờ đây, công ty ấy đã trở thành một trong ba khách hàng lớn nhất của SHI.
“Làm những việc chúng tôi chưa từng trải qua trước đây thật sự đem lại cảm giác phấn khích. Đó là cách công ty mở rộng ra phạm vi toàn cầu với lượng khách hàng ngày một tăng”, Thai Lee nói.
Bà sống trong một căn nhà nhỏ suốt 20 năm qua và thường làm việc 7 ngày trong tuần. Thời gian rảnh hiếm hoi Lee hỗ trợ các tổ chức giáo dục và cộng đồng nghiên cứu ung thư, bởi đồng cảm với hoàn cảnh các bệnh nhân khi chị gái bà cũng từng mắc ung thư tuyến tụy.
End of content
Không có tin nào tiếp theo