Xã hội

Ông Chu Xuân Phàm bị Formosa đuổi việc vì phát ngôn gây sốc?

(DNVN) - Sau phát ngôn gây sốc "chọn tôm cá hay chọn nhà máy", ông Chu Xuân Phàm, Phó phòng đối ngoại công ty Formosa đã bị đuổi việc.

Tin tức trên báo Infonet, phóng viên Infonet tại Hà Tĩnh vừa nhận được tin nhắn của ông Chu Xuân Phàm Phó phòng đối ngoại Formosa thông báo ông đã bị Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đuổi việc do lỗi phát ngôn về vấn đề cá chết ở Vũng Áng.

Ngày 25/4, khi báo chí hỏi về vấn đề ô nhiễm nguồn nước biển, cá chết hàng loạt, nghi do ống xả thải của Dự án Formosa tại biển Sơn Dương, ông Chu Xuân Phàm đã trả lời, đại ý: khi có dự án xây dựng tại đây thì rất khó để có thể được cả hai, vừa đánh bắt hải sản vừa xây dựng khu công nghiệp. Phát ngôn của ông Phàm về việc "chọn cá tôm hay chọn nhà máy" đã gây sự phản ứng mạnh mẽ trong dư luận.

Ông Chu Xuân Phàm - Trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội bị đuổi việc. Ảnh báo Dân trí.

Ông Chu Xuân Phàm đã có tin nhắn gửi cho PV báo Infonet, nội dung như sau: "Em chào sếp, do câu nói của em, gây người dân bức xúc, em vừa bị công ty đuổi việc, em thật có lỗi, em cảm ơn các sếp quá khứ đã giúp công ty và em nhiều, em luôn nhớ ơn của sếp" (BTV Infonet phiên nghĩa từ tin nhắn không dấu). 

“Tôi bị đuổi việc là do những phát ngôn không đúng đắn của mình, gây nhiều búc xúc cho người dân. Tôi đáng bị như vậy dù cảm giác hiện tại là rất buồn, mình gây ra chuyện thì phải chịu trách nhiệm. Chỉ xin người dân Việt Nam tha thứ và bỏ qua cho những phát ngôn của tôi. Tôi thành thật xin lỗi một lần nữa”, ông Chu Xuân Phàm cho biết trên báo Tuổi trẻ.

Cũng theo ông Phàm, trong chiều nay sẽ thu xếp hành lý ra Hà Nội để về Đài Loan. Trước đó, trong cuộc họp báo Ban lãnh đạo công ty Formosa cho biết sẽ kỷ luật ông Chu Xuân Phàm vì những phát ngôn gây sốc của mình.

Ngày 25/4, trong cuộc trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, khi được hỏi về việc từ khi nhà máy hoạt động thì vùng biển quanh đường ống xả ngầm ra biển không còn tôm cá hay sinh vật biển, ông Chu Xuân Phàm - trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội - đã có những phát biểu “gây sốc”.

Ông Phàm nói: "Hai cái này mình phải lựa chọn một, tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay tôi muốn xây dựng một ngành thép hiện đại? Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này. Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được…”

 

Từ đầu tháng 4/2016 cá nuôi lồng bè của người dân gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bắt đầu chết. Hiện tượng cá chết bất thường này sau đó lan ra cá, tôm nuôi bằng nguồn nước biển, cá tự nhiên suốt dọc trên 200 km bờ biển từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tới Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Báo Vnexpress thông tin.

Tại nhiều xã ven biển, chỉ trong một ngày, người dân vớt được cả tấn cá chết trôi dạt bờ, giắt lên các mỏm đá bốc mùi hôi thối. Từ con nhỏ vài lạng tới 35-50 kg. Thống kê đến ngày 25/4, tỉnh Hà Tĩnh có 10 tấn, Quảng Bình 25 tấn, Quảng trị 30 tấn cá biển tự nhiên chết dạt bờ.
Từ ngày 20/4 đến nay, các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đều có đoàn vào khảo sát thực địa, lấy mẫu cá, mẫu nước và mẫu đất để truy tìm nguyên nhân.

Ngày 25/4, các nguyên nhân cá chết do bệnh dịch, do động đất, tràn dầu đều bị loại trừ. Lãnh đạo hai bộ Tài nguyên và Nông nghiệp đều khẳng định có độc tố rất mạnh từ môi trường tự nhiên là nguyên nhân gây họa. Tuy nhiên, độc tố đó là gì đến nay vẫn chưa được xác định.

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo