Pháp luật

Vụ cá chết hàng loạt: Formosa cúi đầu xin lỗi chỉ là hình thức?

(DNVN) - Mặc dù lãnh đạo Formosa đã cúi đầu xin lỗi vì phát ngôn "chọn cá hay nhà máy" nhưng lại bỏ ngỏ nhiều câu hỏi về hiện tượng cá chết khiến dư luận cho rằng hành động xin lỗi chỉ là hình thức.

Tin tức trên báo Tuổi trẻ,  chiều 26/4, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) đã họp báo để giải trình “những phát ngôn gây sốc của ông Chu Xuân Phàm” và những vấn đề xung quanh việc xả thải của công ty này.

Giải trình trước việc Tuổi Trẻ ngày 26/4 đăng những phát ngôn gây sốc của ông Chu Xuân Phàm “bắt cá tôm hay nhà máy, chọn đi”, ông Trương Phục Ninh cho rằng ông Phàm đã có phát biểu không đúng đắn, không phải là lập trường và là phát ngôn của Formosa. Ông Ninh nói: “Chúng tôi gửi lời xin lỗi chân thành nhất đến Chính phủ và toàn thể nhân dân Việt Nam” (về phát biểu của ông Phàm - PV).

Lãnh đạo Công ty Formosa Hà Tĩnh cúi đầu xin lỗi nhưng lại bỏ ngỏ nhiều câu hỏi của báo chí về hiện tượng cá chết hàng loạt. Ảnh TTXVN.

Tại buổi họp báo, các nhà báo đặt câu hỏi: “Có hay không việc xả thải của Formosa gây nên tình trạng cá chết hàng loạt vừa qua?”.
Ông Trương Phục Ninh trả lời: “Việc có liên quan đến tình trạng cá chết hay không thì các cơ quan chức năng đã và đang điều tra, chúng ta hãy chờ câu trả lời của các cơ quan chức năng. Công ty chúng tôi cũng rất mong các cơ quan chức năng sớm làm rõ nguyên nhân cá chết, gỡ bỏ mối nghi ngờ của dư luận”.

Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: tại sao Formosa không thông báo khi tiến hành súc rửa đường ống theo quy định? Phía Formosa không trả lời thẳng vào vấn đề mà lại giải thích lòng vòng việc đầu tư 45 triệu USD xây dựng hệ thống xử lý nước thải, việc xả thải luôn tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, làm tốt việc bảo vệ môi trường. 

Nhiều câu hỏi về quy trình súc rửa, sử dụng hóa chất súc rửa... bị Formosa bỏ qua không trả lời, tuy nhiên một đại diện công ty này lại bày tỏ sự tha thiết: “Chúng tôi muốn hòa nhập và phát triển lâu dài cùng với vùng đất này”.

Phóng viên Minh Thùy (báo Tiền Phong) nói: “Tôi thật sự hụt hẫng và bất ngờ. Nhiều câu hỏi vẫn còn bị bỏ ngỏ, những mối ngờ vực của dư luận trong việc Formosa có liên quan hay không đến hiện tượng cá chết vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng. Họp báo như thế thà không họp thì hơn”. 

Dư luận cho rằng, việc xin lỗi của Formosa chỉ là hình thức để xoa dịu dư luận chứ chưa thể giải đáp hết thắc mắc của báo giới có hay không việc Formosa liên quan đến hiện tượng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung. 

 

Với những gì đã phát ngôn và hành động, lời xin lỗi của Formosa là đúng. Nhưng hết hơn là hành động thể hiện doanh nghiệp này thực sự cầu thị trong chuyện bảo vệ môi trường biển thì vẫn chưa thấy rõ. Báo Trí thức trẻ thông tin.

Đến lúc này, các cơ quan chức năng vẫn đang nỗ lực để tìm ra nguyên nhân cá chết, và cũng không loại trừ nghi vấn từ Formosa. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có chỉ đạo mạnh mẽ yêu cầu phải sớm tìm ra nguyên nhân và truy trách nhiệm đến cùng. Và giữa lúc mọi chuyện chưa được sáng tỏ, thì mọi mũi tên của dư luận vẫn đang nhắm vào Formosa. 

Câu phát biểu của ông Phàm, cũng như những gì mà Formosa đã làm đã cho thấy sự thiếu trách nhiệm của một nhà đầu tư nước ngoài, trong việc thực hiện nghĩa vụ phải bảo vệ tài nguyên, môi trường khi rót vốn đầu tư. Formosa là dự án lớn với quy mô lên tới 10 tỷ USD, lại đầu tư vào công nghiệp nặng (luyện gang thép) - một lĩnh vực có tác động lớn đến môi trường, nếu không có quy trình xử lý đảm bảo theo tiêu chuẩn, thì hệ quả là khôn lường.

Một chuyên gia truyền thông cho rằng: Không chỉ phải tỉnh táo hơn với những gì mà Formosa đang làm, mà cần phải tỉnh táo để lắng nghe đầy đủ những gì mà đại diện của Formosa nói. Nhà đầu tư sẽ không dại gì, khi dự án chưa hoàn thiện và đi vào hoạt động tổng thể, lại có thể bị dính vào nghi án bê bối vì xả thải ra môi trường.

"Các tập đoàn đang đầu tư và sẽ đầu tư vào Việt Nam sẽ quan sát cách họ được bảo vệ như thế nào và sẽ cân nhắc chuyển nguồn vốn vào Việt Nam như thế nào. Những việc tưởng nhỏ nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới đầu tư nước ngoài vào 1 quốc gia." - chuyên gia này cảnh báo.

 

Nên đọc
Dã Qùy (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo