Xã hội

Vụ cá chết hàng loạt: Phát ngôn gây sốc của Giám đốc đối ngoại Formosa

(DNVN) - Liên quan đến cá chết hàng loạt dọc 4 tỉnh miền Trung, Giám đốc đối ngoại của Formosa Hà Tĩnh đã gây sốc dư luận khi cho rằng hoặc lựa chọn chọn nhà máy, hoặc cá tôm.

Tin tức trên báo VTC News, nhóm phóng viên VTC 14 đã tìm gặp và phỏng vấn ông Chu Xuân Phàm - Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Với vẻ rất thật lòng, ông Chu Xuân Phàm nói rằng phải chỉ có một sự lựa chọn, hoặc là nhà máy thép, hoặc là cá tôm. "Nhiều khi mình không được cả hai thì mình phải lựa chọn. Tôi muốn bắt cá tôm hay là tôi muốn xây một cái nhà máy thép hiện đại," ông Chu trao đổi PV VTC14

Một nhà máy luyện thép của dự án Formosa trong khu kinh tế Vũng Áng. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN.

Giám đốc đối ngoại của Formosa đã phát ngôn gây sốc khi cho rằng người dân ở đây cũng như Nhà nước sẽ phải cân nhắc và lựa chọn, vì việc xả thải chắc chắn có tác động đến môi trường. Không thể có chuyện vừa có nhà máy thép mà biển nơi đây vẫn nhiều tôm cá.

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh cho biết hiện tượng cá chết hàng loạt trên địa bàn: 3 xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà, Kỳ Ninh có 14 hộ nuôi cá bè, với 18 lồng nuôi các loại cá như cá hồng, bớp, giò, mú, chẽm. Số lượng cá giống chết 37.200 con; riêng tại xã Kỳ Lợi, cá gần thu hoạch mất trắng trên 2 tấn, tổng thiệt hại hơn 1,5 tỷ đồng. Báo Kinh tế đô thị thông tin.

Không chỉ cá nuôi trong lồng bè "bất đắc kỳ tử" mà cá tự nhiên trên biển cũng không thoát. Ông Trần Đình Hường, thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi cho biết: “Tôi làm nghề chài lưới, đi biển mấy ngày nay thấy cách bờ khoảng 2 hải lý, cá tự nhiên ngoài biển cũng bị chết rất nhiều”.

Tưởng chỉ ngư dân Hà Tĩnh ngậm trái đắng, mấy ngày sau, lần lượt một dải bờ biển 4 tỉnh miền Trung, các loại hải sản thi nhau chết như ngả rạ. Anh Đậu Thanh Tâm, ở thôn Ba Đồng, xã Kỳ Lợi vừa lên khu tái định cư ở phường Kỳ Phương cho biết: “Mấy ngày vừa rồi, cá ngoài biển chết trôi dạt nhiều vào bờ khiến người dân hoang mang. Mấy anh em đánh thuyền vào cảng Hòn La, tỉnh Quảng Bình bán nhưng trong đó cá biển cũng chết nhiều nên dân sợ không mua, coi như mất trắng”.

Vụ cá chết ở các tỉnh miền Trung, nghi nhiễm độc từ các nhà máy xả thải trong khu công nghiệp Vũng Áng.

Rất nhiều người dân khi tiếp xúc với phóng viên đều cho rằng: Ô nhiễm khiến cá chết là do các nhà máy tại khu công nghiệp Vũng Áng xả thải gây độc. Tuy nhiên, họ không có bằng chứng, vì tất cả các nhà máy trong khu công nghiệp Vũng Áng đều được xây kín cổng cao tường nên người dân không tiếp cận được.

 

Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Hồ Anh Tuấn - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh cho biết: "Liên quan đến việc cá chết trên vùng biển thị xã Kỳ Anh, các cơ quan chuyên môn như Sở TN&MT, Sở NN&PTNT đã vào cuộc. Về phía khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh mới phối hợp với các cơ quan hữu quan lấy mẫu nước kiểm tra chứ chưa thể khẳng định nguyên nhân do đâu”.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, quy trình xả thải của Formosa đã được Bộ TN&MT cấp phép theo đúng quy định pháp luật Việt Nam. Theo đó, hệ thống đường ống của Công ty Formosa nằm dưới mực nước biển 17m có đường kính hơn 1m, lưu lượng xả thải là 12.000m3/ngày đêm và được phép xả thải khi toàn bộ nước thải đã qua xử lý. 

Tuy nhiên, ông Nhân cũng cho biết thêm, việc được phép xả thải, được phép chạy đường ống ngầm với việc nước thải đó có chất gì gây hại môi trường hay không, hai chuyện đó khác nhau. Việc này đang được kiểm tra và chưa có kết quả. 

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo