Doanh nghiệp - Doanh nhân

Ông Khalid Muhmood, Đồng sáng lập Apollo English: Người mang sứ mệnh đào tạo công dân toàn cầu cho Việt Nam

Có một thầy giáo Anh đã và đang theo đuổi một giấc mơ, một khát vọng là hỗ trợ những người trẻ Việt Nam trở thành những công dân toàn cầu. Đó chính là Khalid Muhmood.

Khoảnh khắc đặc biệt nhất của Khalid trong suốt 23 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục ở Việt Nam có lẽ là khi ông chứng kiến Thanh, cậu bé đánh giày thuở nào trở thành chủ của 4 khách sạn lớn ở Hà Nội, sau khi được tạo điều kiện học tập, làm việc tại Apollo.

Nhưng khoảnh khắc hạnh phúc, ấm áp nhất lại là mỗi ngày, ông gặp “bác” nhân viên văn phòng đầy tự tin, bắn tiếng Anh như gió. Người nhân viên đó trước đây không lâu còn là lao công tại Apollo English.

Ông Khalid Muhmood, nhà đồng sáng lập Apollo English tham gia APEC 2017 với vai trò là điều phối viên chính phiên thảo luận về Y tế và Giáo dục.

Những khoảnh khắc đó, với Khalid, cũng đầy tự hào, đầy kiêu hãnh như khi ông được Nữ hoàng Anh tặng Huân chương MBE vì những cống hiến cho giáo dục tại Việt Nam.

Những khoảnh khắc đó đã tiếp thêm niềm tin, rằng sự lựa chọn của ông là đúng đắn, lý tưởng và khát vọng mà ông theo đuổi đang mang lại giá trị lớn lao cho nhiều người dân Việt Nam. Nó hệt như cái tên mà ông lựa chọn để thực hiện lý tưởng giáo dục của mình - Apollo, tên vị thần ánh sáng trong thần thoại Hy Lạp, có khả năng xua tan sự hoài nghi và ngu dốt, mang lại ánh sáng tri thức của nhân loại.

“Tất cả chúng ta đều muốn để lại cho đời một thứ gì đó. Câu nói mà tôi yêu thích là ‘Những gì bạn để lại cho cuộc đời này không phải là một thứ, mà chính là những con người bạn đã gây ảnh hưởng’. Tôi đã thành lập Apollo English, Đại học Anh quốc Việt Nam (British University Vietnam - BUV), với hy vọng sẽ để lại những di sản tốt đẹp thông qua việc mang giáo dục tới những cuộc đời khác nhau tại Việt Nam. Điều khiến tôi hài lòng nhất trong 23 năm qua chính là số lượng công dân toàn cầu mà chúng tôi đã đào tạo, những con người mà chúng tôi đã gây ảnh hưởng thông qua giáo dục - đào tạo”, ông Khalid tâm sự.

Lý tưởng giáo dục của Khalid

Khalid bắt đầu đến Việt Nam vào năm 1992. Lúc ấy, hình ảnh thú vị của Việt Nam trong mắt ông chỉ là một đất nước tràn ngập xe đạp, xích lô, rất ít gia đình có tivi. Nhưng ấn tượng sâu sắc nhất lại là tinh thần hiếu học của người dân. Ông đã thấy những bác tài xế xích lô, cô bán hàng… rất thân thiện và nỗ lực rèn rũa, học hỏi tiếng Anh khi có cơ hội tiếp xúc với du khách nước ngoài.

 

Hình ảnh đó đã tác động mạnh đến chàng thanh niên sinh ra trong gia đình giàu truyền thống giáo dục. Cha mẹ Khalid đều là các nhà giáo dục nổi tiếng và rất thành công ở châu Âu và Trung Đông. Họ đã ảnh hưởng tới ông. Và trong ông đã hun đúc một lý tưởng riêng cho cuộc đời mình, đó là thành lập một tổ chức giáo dục để giúp trẻ em trở thành những công dân toàn cầu. Sau chuyến đi Việt Nam, ông quyết định xây dựng ước mơ của mình ở đó, dù bạn bè, cha mẹ đều khuyên ông đến Trung Quốc hoặc chí ít là Thái Lan, Singapore… những nơi có triển vọng tươi sáng hơn.

“Tất cả mọi người đều đổ xô đến Trung Quốc. Quá nhiều áp lực và quá nhiều sự cạnh tranh. Bạn không biết phải bắt đầu từ đâu: Thượng Hải, Bắc Kinh hay Trùng Khánh… Indonesia ư? Tôi cũng thích, nhưng cảm thấy ở đó họ không xem trọng việc học hành như Việt Nam. Singapore lại quá nhỏ, không có không gian phát triển rộng lớn. Chỉ có Việt Nam đang khao khát phát triển và đó là lý do tôi cùng vợ đến nơi này...”, Khalid bồi hồi nhớ lại.

Kể từ đó, Khalid cùng vợ - cô giáo Arabella Peters - đã cùng nỗ lực thực hiện sứ mệnh mang lại sự tự tin, trình độ tiếng Anh tuyệt vời, cũng như các kỹ năng thiết yếu của thế kỷ XXI, để giúp các bạn trẻ Việt Nam có thể trở thành công dân toàn cầu.

“Trở thành công dân toàn cầu đồng nghĩa với việc các em có thể sử dụng thông thạo ngôn ngữ toàn cầu, am hiểu các vấn đề toàn cầu và làm chủ tư duy, tầm nhìn rộng mở. Từ đó, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân, mà còn góp phần vào sự phát triển chung của đất nước, của thế giới”, Khalid chia sẻ và luôn tin tưởng rằng, trở thành công dân toàn cầu chính là đích đến trong tương lai của mọi trẻ em. Nó chính là kim chỉ nam dẫn lối thành công cho các em.

Apollo English được thành lập vào năm 1995 với số vốn chỉ 50.000 USD. Ban đầu là liên doanh Apollo Education Center, trụ sở đặt ở phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội. Phải đến năm 1998, trung tâm dạy tiếng Anh 100% vốn nước ngoài đầu tiên của Việt Nam mang tên Apollo English mới chính thức khai trương tại phố Lê Văn Hưu, trước sự chứng kiến của Hoàng tử Anh Andrew, Công tước xứ York và ông Nguyễn Minh Hiển, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đó.

 

Rất nhanh sau đó, Apollo English đã tạo dựng được uy tín nhờ công nghệ giáo dục Anh ngữ chuẩn xác, hệ thống giáo trình và thiết bị giảng dạy hiện đại nhất.

“Tôn chỉ của Apollo là ‘nơi những giá trị tốt nhất trở nên tốt hơn’ và đó cũng là cách tôi sống cuộc đời của mình. Tôi luôn khao khát và muốn tìm ra những phương pháp giáo dục ngày càng tốt hơn. Với sự trợ giúp của công nghệ, giáo dục đang được cải thiện một cách vô cùng tích cực, cá nhân hóa và tiện dụng hơn. Chúng tôi muốn đóng vai trò chủ chốt trong việc áp dụng những công nghệ giáo dục tốt nhất cho Việt Nam. Tại Apollo English và BUV, các bạn có thể chứng kiến cách chúng tôi sử dụng công nghệ để cá nhân hóa những trải nghiệm học tập và cải thiện tiêu chuẩn dịch vụ”, “thuyền trưởng” của Apollo Việt Nam chia sẻ.

Lý giải vì sao lại lựa chọn hướng đào tạo công dân toàn cầu, Khalid cho biết, một điểm dễ thấy là phụ huynh Việt Nam đầu tư rất nhiều cho giáo dục của con em, trẻ em Việt Nam cũng rất thông minh và giỏi giang. Theo thang điểm PISA xếp hạng học sinh các quốc gia do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố năm 2015, dựa trên ba môn Toán, Khoa học và Đọc hiểu, Việt Nam đứng thứ 8.

“Nếu có cơ hội cải thiện tiếng Anh, chắc chắn các em sẽ còn vươn xa hơn nữa. Apollo mong muốn được góp phần giúp học sinh Việt Nam thông thạo tiếng Anh, phát triển kỹ năng thiết yếu của thế kỷ XXI để thành công trong bối cảnh hội nhập sâu rộng toàn cầu”, ông Khalid nói.

Sứ mệnh của giáo dục trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

 

Không những là một nhà giáo dục nhiệt tâm, có ảnh hưởng rộng lớn tới đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam, Khalid còn đưa ra nhiều kiến giải, khuyến nghị hữu ích với nền giáo dục Việt Nam. Với Khalid, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố trụ cột trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và vì thế, Việt Nam cần phải cải cách ngành giáo dục trên nhiều mặt, đồng bộ và toàn diện hơn.

Một điều luôn khiến Khalid trăn trở, đó là nền giáo dục Việt Nam đào tạo “thầy” nhiều hơn “thợ”, nặng tính hàn lâm hơn thực tiễn. Trong khi đó, nhu cầu lớn của xã hội là dạy nghề lại chưa được chú trọng. Có lẽ đó cũng chính là lý do để sau Apollo English, Khalid đã bắt đầu viết tiếp một giấc mơ tại Việt Nam, đó là thành lập BUV vào năm 2008.

Nhận thấy phần lớn người Việt Nam rất thích và mong muốn cho con du học nước ngoài, nhất là ở Anh, nơi có nền giáo dục hàng đầu thế giới, nhưng chi phí thì cũng đắt đỏ bậc nhất thế giới, Khalid muốn giúp những người Việt thực hiện được khát vọng đó với chi phí rẻ hơn. BUV ra đời, sẽ giúp sinh viên học tại Việt Nam, với 100% giáo viên nước ngoài, được trải nghiệm văn hoá và có bằng cấp như ở nước Anh, nhưng với mức chi phí chỉ bằng 30-40% nếu học ở Anh.

Hơn nữa, tại BUV, Khalid và các cộng sự của mình đã quyết định hướng đến đào tạo những chuyên ngành mà Việt Nam đang có nhu cầu lớn, những ngành có thể đáp ứng được xu thế của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời không chỉ dạy lý thuyết mà còn trang bị cho sinh viên kỹ năng cần thiết để ngay khi ra trường, có thể bắt tay ngay vào làm việc. BUV đã khắc phục được phần nào những điểm yếu của ngành giáo dục Việt Nam.

Sau 10 năm phát triển, năm 2018 này, BUV sẽ khai trương giai đoạn I cơ sở mới tại Ecopark với giá trị 25  triệu USD (tổng vốn đầu tư cả 3 giai đoạn lên đến hơn 70 triệu USD) và vài năm tới, rất có thể nhiều sinh viên Việt Nam sẽ được thoả nguyện “du học Anh tại Việt Nam”.

 

“Với Apollo English, với BUV, chúng tôi muốn mình trở thành người dẫn đầu xu thế, mang lại những điều tốt nhất cho học viên. Và chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực để thực hiện sứ mệnh của mình là đào tạo những công dân toàn cầu, nhằm góp phần mang lại kiến thức, kinh nghiệm cho học viên, tất cả vì một thế giới thịnh vượng và tốt đẹp hơn”, Khalid tâm sự.

Nên đọc
Theo Báo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo