Văn hóa

Ót N'rông - Sử thi của người M'Nông

Cũng như các dân tộc anh em khác, đồng bào M’Nông đã sáng tạo ra một kho tàng văn học quý giá với nhiều thể loại như truyện thần thoại, cổ tích, sử thi, tục ngữ, dân ca; trong đó, đặc sắc, lôi cuốn nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nhất là hát kể sử thi (Ót N’rông).

Như một số dân tộc anh em, người M’Nông có hệ thống các chuyện kể sử thi vô cùng phong phú. Sử thi M’Nông (người bản tộc gọi là Ot Ndrong) thuộc loại sử thi cổ sơ, được hình thành và lưu truyền trải qua một quá trình lâu dài, đặc biệt là qua hoạt động sáng tạo của người kể. Không những thuộc các cốt truyện, nhân vật, chủ đề, người kể còn vận dụng ngôn từ truyền thống để hát kể và ứng tác thành những tác phẩm sử thi tương đối hoàn chỉnh. Khi các truyện đã ổn định về nội dung và hình thức, các thế hệ sau cứ thế hát kể cho cộng đồng nghe vào mỗi đêm trong những mùa rẫy, thêm bớt cho phù hợp với hoàn cảnh và hát kể sao cho sinh động, hấp dẫn, thu hút người nghe bằng chất giọng trầm bổng, ngôn từ đậm chất thơ ca, ví von, giàu biểu cảm như so sánh, tương phản, mô phỏng, ngoa dụ.

Có thể nói, trong văn hóa dân gian của người M’Nông, Sử thi là bức họa tổng thể phản ánh những nét cơ bản trong đời sống xã hội, có nội dung phong phú, đa dạng, thể hiện khát vọng, ước mơ về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Mỗi tác phẩm có nội dung, cốt truyện riêng biệt, nhưng chung quy lại đều phản ánh xã hội cổ xưa của người M’Nông về phong tục, tập quán, sự giao lưu giữa người M’Nông với các dân tộc anh em khác…

Người M'Nông.

Tác phẩm Sử thi M’Nông được người hát kể theo phương thức kết hợp hát và điệu bộ. Phần hát trong Sử thi M’Nông đóng vai trò chính, khá phong phú, đa dạng, có hát cúng thần, hát khóc và một số hình thức khác nhằm thể hiện quan điểm nhân sinh quan của người M’Nông. Người hát kể sử thi trong lúc diễn xướng đều có sự vận dụng kết hợp nhuần nhuyễn cùng lúc nhiều yếu tố: Ngôn ngữ (lời hát) + nhạc (hát) + cử chỉ, điệu bộ, nét mặt và cả khả năng ứng tác. Với giọng hát hay và tài diễn xuất độc đáo bằng điệu bộ, cử chỉ của ngôn ngữ, họ hóa thân một cách mạnh mẽ vào nhân vật, thể hiện niềm tin rằng những điều kể trong sử thi chính là cuộc sống quá khứ của dân tộc mình.

Sử thi có thể được hát kể trong sinh hoạt gia đình, theo yêu cầu của người thân, bè bạn. Diễn xướng Sử thi M’Nông thường được thực hiện nhiều hơn sau các lễ thức gia đình, hoặc cộng đồng. Sử thi M’Nông thường được kể vào những đêm nông nhàn sau mùa làm rẫy, dịp lễ hội trong năm, hay trong lúc nghỉ ngơi trên rẫy, sau những ngày lao động vất vả. Khi màn đêm buông xuống, người M’Nông thường kéo đến nhà có người hát kể, thưởng thức câu chuyện xa xưa của cha ông mình. Từ đêm này qua đêm khác, bên bếp lửa, già trẻ, nam nữ ngồi bên nhau nghe người già hát kể sử thi - đây chính là hình thức truyền dạy gián tiếp cho các thế hệ kế cận.

Ngôn từ của Sử thi chứa đựng nhiều từ cổ, hiện ít xuất hiện trong ngôn ngữ hằng ngày. Ðây là đặc điểm quan trọng tạo nên không khí của thời đại sử thi, nhưng cũng chính vì thế có những đoạn khó hiểu, đôi chỗ cả người hát kể cũng không thể giải thích được. Cùng với đó, Sử thi M’Nông rất giàu những điển tích trong truyền thống của người M’Nông. Ðó là sự xuất hiện của những biểu tượng thần thoại, truyền thuyết, mà nếu người nghe không am tường về văn học, văn hóa tộc người M’Nông thì rất khó hiểu. Trong các tác phẩm, mỗi địa danh, mỗi tên núi tên sông, tên nhân vật đều gắn với một huyền thoại. Ngôn ngữ của diễn xướng Sử thi M’Nông mang tính bóng bẩy, giàu hình ảnh so sánh, với chất nghệ thuật và biểu cảm sâu sắc.

Nghệ nhân Điểu K'lung truyền dạy cách hát kể sử thi M'Nông cho các cháu. 

Sử thi M’Nông gắn liền với sự hình thành và phát triển của cộng đồng người M’Nông; chứa đựng các tri thức về tự nhiên, xã hội và con người, như: kể về các hiện tượng và quan hệ ứng xử để thích nghi của con người trong tự nhiên; sinh hoạt đời sống vật chất và tinh thần; quan hệ gia đình, dòng họ; về tính cách, lối sống phẩm chất con người. Các tri thức dân gian này được thể hiện theo phong cách tư duy của người M’Nông thông qua những so sánh có tính độc lập: Tốt - xấu, đúng - sai, thiện - ác, khôn - dại, nguyên nhân - kết quả…

Sử thi M’Nông giáo dục con người hướng tới cuộc sống tốt đẹp, góp phần quan trọng vào việc hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống của con người. Với những giá trị lịch sử, khoa học, văn hóa, Ot Ndrong (sử thi) của người M’Nông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014.

 

Ót N’rông của người M’Nông là di sản vô giá, có giá trị văn hóa, tư tưởng to lớn, được đồng bào sáng tạo từ bao đời nay và đây thực sự là kho tàng văn hóa dân gian truyền miệng độc đáo cần phải được lưu truyền, gìn giữ. Do đó, những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã và đang thực hiện nhiều biện pháp để có thể phát huy được nét văn hóa độc đáo này, triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo tồn vốn văn hóa quý báu của dân tộc. Việc duy trì và phát triển nhiều câu lạc bộ văn nghệ dân gian, câu lạc bộ cồng chiêng chính là môi trường tốt để các nghệ nhân hát kể sử thi có điều kiện thể hiện tài năng hát sử thi của mình.  

Nên đọc
Theo Thế giới di sản
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo