Liên tiếp bỏ cọc đấu giá: Cần chế tài xử phạt đủ sức răn đe
Lừa đảo núp bóng đấu giá trực tuyến / Thanh tra vụ các “quan” TP Việt Trì bán đấu giá đất khống
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), mặc dù Luật đấu giá tài sản năm 2016 ra đời đã góp phần khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản song vẫn còn những kẽ hở khiến một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng để trục lợi.
Nổi bật trong số đó là tình trạng người đấu giá trả giá rất cao nhưng sau đó bỏ cọc, gây nhiễu loạn thị trường. Thời gian qua, việc trả giá hàng chục tỉ đồng rồi bỏ cọc, các đại gia kín tiếng đang khiến cho nhiều người lắc đầu ngán ngẩm vì đấu giá ảo, lấy mác tự đánh bóng tên tuổi nhưng thực chất giàu có cỡ nào thì không ai biết.
Điển hình trong các vụ bỏ cọc này phải kể đến vụ trả giá 32,34 tỷ đồng cho biển số 51K-888.88 của một vị đại gia không công khai tên tuổi. Ngay ngày vị đại gia này trả lên giá “trên trời” cho biển số ngũ quý này, thông tin về vị đại gia được tìm kiếm khắp các diễn đàn, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông nhưng vẫn “bặt vô âm tín”. Nhiều người bắt đầu nghi ngờ vị đại gia này chỉ trả giá “ảo”.
Đúng như dự đoán, ngày 11/10/2023, trên trang đấu giá của Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam niêm yết các biển số xe ôtô chuẩn bị được đưa ra đấu giá, có biển số 51K-888.88. Không chỉ có biển số này, mà còn có thêm 4 biển số khác cũng bị các đại gia “ảo” bỏ cọc là 30K-555.55 (Hà Nội, giá trúng trước đó 14,12 tỉ đồng), 36A-999.99 (Thanh Hóa, 7,47 tỉ đồng), 98A-666.66 (Bắc Giang, 3,075 tỉ đồng), 47A-599.99 (Đắk Lắk, 1,37 tỉ đồng).
Trước đó, vào ngày 22/7/2023, Công an thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) phối hợp với Công ty đấu giá hợp danh Hồng Lĩnh (có trụ sở tại thành phố Hà Tĩnh) tổ chức phiên bán đấu giá 32 chiếc xe máy cũ đã qua sử dụng, là tang vật phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước. Giá khởi điểm 32 chiếc xe máy cũ là 68,3 triệu đồng và tiền đặt cọc là 10 triệu đồng.
Trải qua 3 vòng đấu với 122 người đứng đơn tham gia, lô xe máy cũ bất ngờ được một người ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đấu lên tới 6,8 tỉ đồng, gấp 100 lần giá khởi điểm và trúng đấu giá. Đây cũng là mức giá đã gây “choáng váng” cho những người tham dự phiên đấu giá và khiến dư luận ở Hà Tĩnh xôn xao.
Nhưng đó cũng chỉ là cách “làm màu”, đánh bóng tên tuổi của vị đại gia này, bởi đến thời điểm hiện tại, người này đã bỏ cọc vì cho rằng số tiền quá lớn so với giá trị thực tế của lô xe máy cũ được định giá vài chục triệu đồng. Hiện Công an thị xã Hồng Lĩnh đang làm thủ tục để đưa ra đấu giá lại 32 chiếc xe cũ này.
Ông Tuấn cho rằng, hành vi bỏ cọc liên tiếp này không chỉ gây tốn kém về thời gian, tiền bạc mà còn làm mất cơ hội của người thực sự có nhu cầu. Bởi vậy, cần có chế tài đủ mạnh để răn đe.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên: giá trị tiền cọc không cao, không muốn người khác mua được tài sản, các đối tượng cố tình phá cuộc đấu giá, hoặc có thể công ty đấu giá cố tình muốn cuộc đấu giá có tỷ lệ chênh giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm cao để làm tiêu chí cạnh tranh với các tổ chức đấu giá khác trong hồ sơ năng lực của mình.
“Chế tài xử phạt chưa đủ răn đe là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên vẫn diễn ra liên tục. Theo quy định, tiền đặt trước được tổ chức đấu giá tài sản thu, khoản tiền này do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá.
Trong trường hợp khách bỏ cọc thì chế tài cho hành vi này là đối tượng sẽ mất cọc, tiền cọc này sẽ thuộc về chủ tài sản hoặc ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật”, ông Tuấn nói.
Để ngăn chặn tình trạng bỏ cọc, ông Tuấn nhấn mạnh, chỉ trông chờ vào ý thức của người tham gia đấu giá là chưa đủ. Cần có những biện pháp mang tính cứng rắn hơn, bổ sung thêm các chế tài xử phạt mạnh hơn, răn đe hơn, sửa đổi Luật đấu giá phù hợp với thực tại.
Cụ thể, các địa phương, các cơ quan chức năng cần tập trung rà soát, kiểm tra công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn bảo đảm đúng pháp luật, công khai, minh bạch. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.
Cần phải rà soát và hoàn thiện hơn nữa các quy định về đấu giá tài sản. Theo đó, các quy định pháp luật cần phải bảo đảm được việc xác định giá khởi điểm sát hơn với giá thị trường, điều kiện về năng lực, đặc biệt là các điều kiện về uy tín và năng lực tài chính, trách nhiệm đối với việc thực hiện dự án của chủ đầu tư cần phải được quy định chặt chẽ hơn. Tăng khoản tiền đặt trước đối với những tài sản có giá trị nhỏ.
Bổ sung chế tài cấm các đối tượng có hành vi bỏ cọc tham gia đấu giá hoặc tham gia đấu giá tài sản đã bỏ cọc trong khoảng thời gian nhất định. Từ đây sẽ hạn chế được tình trạng nhất định ở những cuộc đấu giá tiếp theo.
Đồng thời, cần bổ sung thêm chế tài phạt đối với các đối tượng có hành vi bỏ cọc. Bởi khi tổ chức đấu giá, tổ chức đấu giá và chủ tài sản sẽ phải bỏ ra khoản chi phí nhất định để tiến hành cuộc đấu giá. Ngoài khoản tiền cọc đã nộp, cần bổ sung thêm chế tài phạt đối với những đối tượng này để hạn chế gây tổn thất cho chủ tài sản và tổ chức đấu giá.
“Việc bỏ cọc cũng có thể do nhiều nguyên nhân. Đôi khi là từ phía các tổ chức đấu giá đã dàn xếp để nhằm cho mục đích của mình như cố tình muốn cuộc đấu giá có tỷ lệ chênh giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm cao để làm tiêu chí cạnh tranh với các tổ chức đấu giá khác trong hồ sơ năng lực của mình.
Trong trường hợp phát hiện hoặc có dấu hiệu của hành vi này, cần xử lý mạnh đối với các tổ chức đấu giá, tạm đình chỉ hoạt động để làm gương cho các tổ chức đấu giá khác”, ông Tuấn đề xuất.
End of content
Không có tin nào tiếp theo