Tối 17/4, tại sân đền Trần Hưng Đạo, thị xã Quảng Yên, UBND tỉnh Quảng Ninh đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 725 năm chiến thắng Bạch Đằng và đón bằng Di tích quốc gia đặc biệt cho di tích lịch sử Bạch Đằng.
(chinhphu.vn) Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định đây là sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng, là sự tri ân những hy sinh, cống hiến của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập và chủ quyền đất nước.
Bạch Đằng – dòng sông đã đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nơi đây đã chứng kiến 3 chiến thắng oanh liệt của dân tộc ta trước những thế lực ngoại xâm. Trong đó, đại thắng quân xâm lược Nguyên – Mông năm 1288 trên dòng sông Bạch Đằng là một mốc son chói lọi của lịch sử giữ nước của dân tộc, thể hiện trí tuệ, sáng tạo và lòng dũng cảm kiên cường của cha ông.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh nhanh chóng phổ biến “Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng” sâu rộng tới các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, tạo ra đồng thuận về nhận thức và quyết tâm cao để thực hiện tốt quy hoạch. Qua đó phát huy vai trò và trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia giám sát thực hiện quy hoạch, góp phần nâng cao trách nhiệm cộng đồng để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử Bạch Đằng.
Việc phát huy giá trị của di tích sẽ phục vụ phát triển kinh tế du lịch, xây dựng đời sống văn hóa và tín ngưỡng của nhân dân. “Coi trọng công tác giáo dục với thế hệ trẻ về truyền thống Bạch Đằng chính là phát huy lòng yêu nước, chống giặc ngoại xâm và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đất nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Chương trình nghệ thuật tại buổi lễ
Sau phần phần nghi lễ và công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho khu di tích lịch sử Bạch Đằng là chương trình nghệ thuật chào mừng với chủ đề “Bạch Đằng giang, bản anh hùng ca của dân tộc”.
Trước đó, ngày 27/3, Hội khoa học lịch sử Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học về di tích chiến thắng Bạch Đằng với 16 bài nghiên cứu của các nhà khoa học nêu bật những giá trị văn hóa, lịch sử và quân sự vô cùng to lớn của di tích Bạch Đằng.
Hiện nay, cả nước có 34 di tích quốc gia đặc biệt được Thủ tướng công nhận và xếp hạng, trong đó có 7 di tích trở thành di sản thế giới. Hà Nội là địa phương sở hữu 4 di tích quốc gia đặc biệt, tiếp đó là các tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam và An Giang mỗi địa phương sở hữu ít nhất 2 di tích quốc gia đặc biệt.
Hồng Lĩnh