Phát "sốc" với tục ngủ chung trước hôn nhân của người Mạ
Trong chiều chạng vạng nơi góc rừng Cát Tiên, cuộc sống của người Mạ (ở xã Tà Lài, huyện Tân Phú, Đồng Nai) vẫn quen thuộc với tiếng kẽo cà kẽo cọt của khung cửi. Bên ché rượu cần của già làng K’Gõ, 84 tuổi, vốn được mệnh danh là “kho tàng văn hóa sống” của người Mạ ở Tà Lài, kể nhiều câu chuyện độc đáo về phong tục, tập quán từ xa xưa. Trong đó, thú vị nhất chính là quan niệm khá mới mẻ của họ về hôn nhân.
Hôn nhân của người Mạ ở Đồng Nai theo chế độ phụ hệ, một vợ một chồng và tuyệt nhiên không có quan niệm trọng nam khinh nữ. Đặc biệt, khi con cái trong nhà đến tuổi trưởng thành, khoảng 15-17 tuổi được thoải mái tự do tìm hiểu. Ngoại trừ những trường hợp bố mẹ có hôn ước cho con từ thuở nhỏ, đứa trẻ lớn lên sẽ phải tuân theo và không được tự do lựa chọn bạn đời.
Tập tục cũng quy định, nếu bên nào bội ước phải tiến hành “trả lễ” cho bên kia. Chẳng hạn, đằng trai lấy vợ trước, bên gái sẽ có quyền yêu cầu nhà trai “trả lễ”. Đây chính là một hình thức “phạt vạ” đã tồn tại từ lâu trong cộng đồng người Mạ. “Nếu bên nào đi lấy người khác trước thì bị phạt của cải rất nhiều, bằng số tiền cưới luôn. Lễ vật gồm hai con trâu, bốn con heo, nhiều rượu cần, chóe, gạo, thóc, gà vịt…”, già làng K’Gõ cho biết.
Trong chuyện yêu đương hay tự tìm bạn đời, cha mẹ không hề ngăn cấm hay ràng buộc. Nếu cảm thấy “ưng cái bụng”, đôi trai gái có thể dắt nhau vào rừng hay những nơi vắng vẻ để tìm hiểu. Thậm chí, sau khi G’bổ (thương nhau), họ có thể tầm-pài (ngủ với nhau) miễn là không cùng huyết thống và không được để có bầu trước hôn nhân. Đáng nói là, việc này không hề ảnh hưởng đến chuyện trăm năm của cô gái sau này.
Ngày xưa, người con gái mang bầu trước khi kết hôn sẽ bị làng phạt rất nặng như đuổi ra khỏi nơi cư trú, trừ phi có người nhận làm cha đứa bé trong bụng. Ngày nay, tục lệ này đã không còn. Nếu cái thai của con gái “vô chủ”, cha mẹ phải soạn lễ vật cúng trong nhà như heo, vịt, gà… để tránh xui xẻo.
Theo anh K’Lâm, cán bộ văn hóa xã Tà Lài, dù phong tục của người Mạ rất “thoáng” trong chuyện trinh tiết nhưng một cô gái không ăn ngủ cùng lúc với nhiều chàng trai sẽ được mọi người đánh giá có đạo đức hơn một cô gái có lối sống buông thả. Trường hợp một cô gái được hai chàng trai để ý, giữa họ phải có một cuộc thách đấu bằng xà gạc (dụng cụ đi rẫy và là vũ khí đi rừng của người dân tộc). Ai đủ bản lĩnh giành chiến thắng sẽ được yêu cô gái.
Khi hai người đồng ý sống cùng nhau, chàng trai sẽ về thông báo với gia đình để chuẩn bị sính lễ đến nhà cô gái. Cùng với những lễ vật đã được sắm rất chu đáo, bên nhà trai sẽ nhờ một người có uy tín trong họ hàng để làm ông mai dẫn đến nhà gái. Khi đi hỏi vợ, chàng trai người Mạ đã trở thành một người đàn ông thực thụ với ngọn lao cầm trên tay, chiếc dao dắt ngang lưng và trên vai là cây xà gạc.
Đồng thời, anh ta sẽ được mặc trang phục truyền thống của người Mạ, đó là đóng khố với nhiều sợi dây màu đỏ nổi bật, tay đeo trang sức đồng, búi tóc lên cao và cài một chiếc lược sừng sâu. Cô gái sẽ phục sức lên người một bộ váy với nhiều hoa văn đặc trưng rất đẹp mắt của người Mạ, kèm theo những phụ kiện như chiếc đai lưng màu sặc sỡ, đeo nhiều chuỗi vòng có đính hạt cườm. Cô gái cũng giống như chàng trai, búi tóc và cài lược sừng trâu nhưng được cắm thêm con dao nhỏ.
Khi vừa tới nhà gái, tự tay chàng trai sẽ cắm ngọn lao xuống đất, ngay trước cửa nhà gái và… đứng đợi. Một lát sau, người đại diện cho đàng gái có thể là cha hoặc cậu ruột sẽ trực tiếp ra đón nhà trai. Sau khi nghe lời trình bày lý do tại sao đến đây của chàng trai, nhà gái gật đầu đồng ý. Ngay lúc đó, chàng trai sẽ rút ngọn giáo và cùng mọi người vào nhà. Cũng giống như nhiều dân tộc thiểu số khác, việc đầu tiên mà chàng trai người Mạ phải làm khi bước chân vào nhà gái là đứng trước bàn thờ tổ tiên khấn vái rồi đem ngọn giáo gác lên xà nhà. Ngọn giáo sẽ được để nguyên tại nhà gái bảy ngày bảy đêm.
Sau những nghi lễ được hai họ cử hành, mọi người mới cùng nhau ngồi lại bên những ché rượu cần. Lúc tiệc rượu tàn, nhà trai ra về, riêng chàng trai sẽ ở lại nhà vợ chưa cưới để làm việc. Đặc biệt, một tập tục kỳ lạ chỉ có ở người Mạ là sau đám nói việc quan hệ nam nữ sẽ tuyệt nhiên bị cấm, dù trước đó hoàn toàn thoải mái. Trường hợp đôi trai gái muốn ngủ chung thì phải vào rừng và tự dựng túp lều để cùng nhau sống ở đó. Đến khi kết hôn các cặp đôi sẽ được ngủ chung.
Trong quá trình sống chung, nếu đôi vợ chồng trẻ không hợp nhau hay cô gái không thể sinh con cho nhà chồng, đằng trai có thể trả cô gái về nhà mẹ đẻ. Dù cô dâu có lỗi cũng không được đánh đập, đặc biệt trước mặt bố mẹ vợ và con cái, vì như thế chẳng khác nào đánh vào cha mẹ cô gái.
Theo quan niệm của người Mạ, nếu cô dâu được trả về nhà mẹ đẻ trong tình trạng bầm dập, cô đã là một người chết, nhà gái sẽ không nhận. Đồng thời, nhà gái sẽ phạt vạ nhà trai rất nặng. Chính vì vậy, để cha mẹ nhận lại con cái của họ thì cô gái phải được trả về “nguyên vẹn”.
Chị Ká Rển, nghệ nhân dân gian của người Mạ kể về câu chuyện ở rể của chàng trai Tà Lài khi không đủ tiền trả sính lễ cho nhà gái. Theo chị, trong quan niệm của người Mạ, người con gái khi đi lấy chồng chẳng khác nào… mất luôn. Vậy nên, nhà gái sẽ đòi hỏi sính lễ rất cao đối với nhà trai. Để được đính hôn với cô gái, chàng trai phải “cống nạp” lễ vật cho bố mẹ vợ tương lai là một ché rượu cần, một con gà, nhiều chuỗi hạt đeo cổ, lục lạc, lược sừng và nhiều món quà quý khác theo yêu cầu của nhà gái.
Trước khi tiến hành hôn lễ, nhà trai phải nạp nhiều lễ vật có giá trị khác như: Hai con trâu, sáu con lợn, một cặp chiêng, ba mươi cái ché. Ngoài ra, họ phải đãi tiệc dân làng nhiều ngày liền. Chàng trai cũng có thể “khất” nhà gái phần sính lễ nếu chưa thể trả hết, với điều kiện phải đi ở rể. Chỉ khi nào sính lễ cho nhà gái được hoàn tất, chàng trai mới được đưa cô gái về nhà mình làm dâu và những đứa con sinh ra mới được mang họ cha.
Chị Ká Rển chia sẻ: “Nếu tính theo thời giá hiện nay, tổng số lễ vật mà nhà trai mang đến nhà gái có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Vì số tiền quá lớn, nhiều chàng trai có hoàn cảnh nghèo khó đành ở rể suốt đời. Như tôi đây, đến bây giờ vẫn mang họ của mẹ vì cha quá nghèo, đến lúc chết vẫn chưa trả hết lễ vật. Cha mẹ tôi sống cùng nhau bao năm, sinh đến 10 mặt con mà theo tục lệ người Mạ cha tôi vẫn chưa thể có… vợ”.
Đến bây giờ, việc lấy chồng của chị cũng theo quan niệm của người Mạ, nên hiện chồng Ká Rển vẫn phải ở rể vì gia đình anh quá nghèo. Tất nhiên, bốn đứa con của anh chị đều mang họ mẹ. Chỉ khi nào anh hoàn tất được sính lễ cho nhà gái, con cái mới được “chính danh” mang họ cha.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mỹ nhân phim Châu Tinh Trì xinh đẹp nhưng cuộc đời bi kịch: Bị xâm hại, tâm thần và qua đời trong cô độc ở tuổi 55
Lật Mặt 7 lại lập kỷ lục “tỷ view”, phần 8 hứa hẹn vượt mặt
Hoa hậu Thuỳ Tiên lên tiếng về thông tin đóng thuế 4,7 tỷ đồng
Đàm Vĩnh Hưng nói gì khi bị nghi gặp ‘biến căng’ giữa vụ kiện? Thái độ khác hoàn toàn trước đây
Huỳnh Hiểu Minh chi gần 70 tỷ đồng để chấm dứt mối quan hệ với Diệp Kha
Người đàn ông bại liệt và hành trình bước qua ngưỡng cửa cuộc đời