Văn hóa

Phim ảnh Mỹ “chạy theo” cuộc chiến Iraq

Cuộc chiến Iraq kéo dài, đẫm máu và không phổ biến. Trong suốt 10 năm qua, các đạo diễn phim điện ảnh và truyền hình luôn cố gắng khắc họa hình ảnh những người đàn ông, phụ nữ tham gia cuộc chiến này.

(Laodong) - Trong một cảnh phim “The Hurt Locker” được trình chiếu năm 2009, vị sĩ quan quân đội đứng trong siêu thị nhìn mãi vào hàng dài các loại hộp ngũ cốc. Tại Iraq, anh ta từng phá hàng trăm quả bom và luôn sống trong tình trạng não bộ căng thẳng. Giờ đây, việc anh ta cần làm chỉ là chọn một hộp ngũ cốc mà thôi. Cảm giác vô dụng dâng cao, anh ta chộp lấy một hộp ngũ cốc, vứt nó vào xe đẩy và cúi đầu nhìn xuống đất đi thẳng.

 

Giống như trong bao bộ phim chiến tranh khác, cảnh phim “The Hurt Locker” muốn khắc họa khó khăn tâm lý mà những người lính tham chiến phải đối mặt khi trở về cuộc sống bình thường và tình trạng vô tổ chức của cuộc sống Mỹ. “Có sự ngắt quãng giữa kinh nghiệm chiến tranh, thời điểm người lính cảm thấy mình hữu dụng với một thế giới của những sự lựa chọn trống rỗng và sự vô vị”, nhà phê bình phim Alissa Quart nhận định.

 

Là một cuộc chiến hỗn loạn, đầy rắc rối và kéo dài quá nhiều năm, cuộc chiến Iraq giờ trở thành một đề tài “khó nhằn” đối với giới làm phim và sản xuất truyền hình. “Trong cuộc chiến này, có quá nhiều cái gọi là sự nhạy cảm trôi nổi. Chúng tôi không biết mình đang ở đâu. Các tình huống lôi kéo chúng tôi vào cuộc chiến này vô cùng mơ hồ và cứ thế chiến tranh cứ trải dài theo năm tháng”, ông Kent Jones - Giám đốc chương trình Festival Liên hoan Phim New York (Mỹ) cho hay.

 

Trong những giai đoạn đầu cuộc chiến, các bộ phim thường khắc họa những người lính là các anh hùng  hành động. Có thể thấy rõ điều đó trong các phim như: “Walking Tall” (năm 2004) hay “Home of the Brave” (2006).

 

Thế nhưng, giờ đây các bộ phim lại mang đến cho người xem những cảnh tượng người Mỹ đấu tranh với lực lượng nổi dậy ở Iraq hay những câu chuyện về tội ác chiến tranh mà quân độ Mỹ bắt đầu phải đối mặt. Hình ảnh về những người lính cũng thay đổi theo.

 

Trong phần cuối của cuộc chiến, bạo lực tại Iraq giảm xuống và những người lính Mỹ bắt đầu trở về nước. Và những bộ phim gần đây không bỏ lỡ dịp này, họ thi nhau nói về sự sáo rỗng và các cuộc đấu tranh hòa bình. Trong phim “Our Name” (2010), một người lính nữ trở về nhà và thường xuyên trải qua những cuộc tra tấn tâm lý bởi những gì cô ấy từng nhìn thấy trong chiến tranh. Còn “Return” (2012) kể về người lính nữ không có mục tiêu sống, tan vỡ ảo tưởng về cuộc sống quê nhà sau một thời gian dài từ Iraq trở về.

 

Mặc dù vậy, giới phê bình phim Mỹ cho rằng vẫn chưa có bộ phim nào nắm bắt được thực sự tinh thần của người Mỹ và những trải nghiệm của các cựu chiến binh. Và họ vẫn trông đợi bộ phim đó sẽ xuất hiện trong tương lai...

 

 

Ngọc Linh

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo