Hỗ trợ doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: "Xuất khẩu dệt may có thể đạt 30 tỷ USD vào năm 2020"

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ: “Khi TPP có hiệu lực, nếu đáp ứng được yêu cầu nguồn gốc xuất xứ thì xuất khẩu dệt may của Việt Nam có thể đạt mức 30 tỷ USD vào năm 2020. Cùng với đó là nỗ lực trong việc cải cách đúng mức thể chế, đảm bảo tính minh bạch, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng”.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh

PV: Xin Phó Thủ tướng cho biết kết quả nổi bật về ngoại giao kinh tế trong năm 2013?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Cùng với việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, ngoại giao kinh tế được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Trong năm qua, Việt Nam đã chủ động tham gia, đưa ra nhiều đề xuất nhằm thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP); đàm phán về hiệp định thương mại tự do (FTAs) với Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Liên minh hải quan gồm Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan. Việc đẩy mạnh công tác vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam đã có những kết quả đáng ghi nhận.

Đến nay đã có 43 nước công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường. Trao đổi thương mại của Việt Nam được thực hiện với tất cả 13 đối tác chiến lược, trong đó xuất nhập khẩu đạt 148 tỷ USD (chiếm gần 80% tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam). Về ODA, riêng Nhật chiếm 30% ODA cho Việt Nam.

PV: Việc tích cực thúc đẩy đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới tạo ra những cơ hội và thách thức như thế nào cho Việt Nam, thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Hiện nay, chúng ta đang đàm phán cùng lúc 6 hiệp định thương mại tự do, trong đó riêng năm 2014 có khả năng phải hoàn tất đàm phán TPP và hiệp định thương mại tự do với EU.

TPP là một trong những hiệp định có tiêu chuẩn cao nhất, vì ngoài những vấn đề đơn giản hóa các thủ tục hành chính, hải quan, minh bạch, thì vấn đề quan trọng là cam kết cao trong vấn đề lao động, môi trường.

Khi tham gia đàm phán các hiệp định thương mại, chúng ta phải chấp nhận đồng ý với các tiêu chuẩn cao. Việc chấp nhận đó khiến chúng ta phải quay trở lại cải cách thể chế để vừa bảo đảm lợi ích vừa thực hiện các cam kết quốc tế.

Vì là một nước có tốc độ tăng trưởng GDP phụ thuộc nhiều vào thương mại, xuất nhập khẩu thì chúng ta phải tham gia vào các hiệp định thương mại để tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu. Vì thế, cơ hội khi tham gia vào TPP là mở rộng thị trường, đặc biệt đối với những hàng hóa Việt Nam có lợi thế như nông sản, dệt may, giầy dép...

Chúng ta cũng có cơ hội nhập khẩu máy móc, nguyên liệu... từ các nước thành viên của TPP với giá rẻ hơn vì không phải chịu thuế, từ đó giảm chi phí đầu vào để nâng cao tính cạnh tranh cho các ngành xuất khẩu chính của Việt Nam. Đồng thời cũng có thể thu hút các nguồn đầu tư cho TPP. Đối với các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa có điều kiện thuận lợi hơn vì TPP khuyến khích các DN này. TPP cũng giúp tạo môi trường bình đẳng, minh bạch hơn cho các DN.

Tuy nhiều, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mà trước tiên là phải tham gia vào môi trường cạnh tranh quyết liệt. Nhiều lĩnh vực mà TPP đòi hỏi các doanh nghiệp, ví dụ trong đàm phán về dệt may. Các thành viên TPP khi xuất khẩu hàng dệt may, nguyên liệu sợi phải xuất phát từ các thành viên TPP, mà hiện nay ngành dệt may của Việt Nam phần lớn nhập khẩu sợi từ Trung Quốc – nước không phải thành viên TPP.

Khi TPP có hiệu lực, chúng ta phải chuyển sang nhập toàn bộ của các nước trong TPP thì mới bán được tại các nước thành viên của hiệp định. Nếu đáp ứng được điều kiện này, xuất khẩu dệt may của Việt Nam có thể đạt mức 30 tỷ USD vào năm 2020. Nếu môi trường, thể chế của Việt Nam không được cải cách đúng mức để đảm bảo tính minh bạch, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng thì chúng ta cũng sẽ không đáp ứng được yêu cầu.

Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng thị trường khi tham gia vào TPP, đặc biệt đối với những hàng hóa có lợi thế như dệt may, giầy dép...

PV: Theo khảo sát thì có ít doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tới các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã, đang và sẽ ký kết với nhiều đối tác. Điều đó ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và nền kinh tế trong tương lai. Ngành  ngoại giao có biện pháp gì trong thời gian tới?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Việt Nam sẽ trở thành thành viên của cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Các DN và người dân nói chung chưa nắm hết thông tin đối với cộng đồng ASEAN.

Đến năm 2015, người dân vẫn chưa rõ chúng ta sống trong cộng đồng có khác gì so với trước đó. Vấn đề đặt ra là phải tăng cường thông tin về cộng đồng, những lợi ích mà người dân và DN được hưởng.

Năm 2014 và 2015 là bản lề vì chúng ta phải thực hiện hết các cam kết để ASEAN trở thành cộng đồng vào năm 2015. Các nước ASEAN phải cùng nhau thực hiện nốt 20% phần việc còn lại để tiến tới cộng đồng.

DN và người dân chưa nắm được những vấn đề này, chưa thấy được lợi ích của thị trường ASEAN 500 triệu dân với cơ sở, thị trường chung, môi trường sản xuất chung. Các bộ ngành, trong đó có Bộ Ngoại giao có trách nhiệm thông tin cho các DN, người dân hiểu. Và đối với các hiệp định thương mại tự do khác cũng sẽ phải như vậy.

Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!

Đoàn Huế (Thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo