Văn hóa

Phong tục các dân tộc

Điện Biên có 19 dân tộc anh em với vốn văn hóa đa dạng, phong phú, giàu bản sắc. Mỗi dân tộc có phong tục, tập quán và đời sống văn hóa tinh thần thể hiện đậm nét về quan niệm trong đời sống cũng như mong ước về cuộc sống tốt đẹp hơn. Điện Biên Phủ cuối tuần xuân Ất Mùi giới thiệu với bạn đọc một số phong tục của đồng bào các dân tộc Điện Biên.

“Lấy nước cầu may” đêm giao thừa của đồng bào Mông 

Lấy nước cầu may đêm giao thừa là một trong nhiều phong tục truyền thống diễn ra trong dịp tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông.

 
Tục lấy nước cầu may chỉ thực hiện vào đêm cuối cùng của năm cũ, bởi theo quan niệm của người Mông, nếu để sang năm mới sẽ không còn may mắn. Vào khoảng thời gian từ 21 - 23 giờ, các gia đình trong bản sẽ cùng nhau đi lấy nước.
 
Gia đình nào đến trước, lấy trước sẽ được nhiều may mắn hơn. Công việc lấy nước cũng chỉ dành cho những người phụ nữ trong gia đình thực hiện
 
Lấy nước đêm giao thừa do người phụ nữ trong gia đình thực hiện.
 
Ngay sau khi hoàn thành các thủ tục cúng, tế trong nhà, những người phụ nữ trong gia đình sẽ cùng nhau chuẩn bị dụng cụ để đi lấy nước tại mó nước hay nguồn nước đầu bản. Những thân tre sẽ được đập nát, bó lại để làm đuốc soi đường.
 
Dựa vào quãng đường của nơi lấy nước, người đi lấy nước sẽ làm các bó đuốc to, nhỏ, dài ngắn khác nhau, miễn sao đủ để soi đường từ lúc đi đến lúc về.
 
Theo truyền thống, dụng cụ đựng nước sẽ là các ống tre to bằng cổ tay người, phần đầu ống được bịt lá để chống nước tràn ra ngoài, tuy nhiên hiện nay một số bản đã thay đổi cách đựng nước, sử dụng xô, chậu để lấy được nhiều nước hơn, đủ dùng trong 3 ngày đầu năm mới.
 
Khi đến mó nước, người phụ nữ lớn tuổi nhất của gia đình sẽ thắp 3 nén hương, cầu xin thần nước rửa trôi bộn bề, không may của năm cũ, cầu xin may mắn trong năm mới sau đó mới dùng gáo làm bằng thân của quả bầu cắt đôi, hứng hoặc múc nước mang về.
 
Sau khi lấy đủ lượng nước cần dùng, tất cả mọi người cùng nhau dọn dẹp đầu nguồn nước cho sạch sẽ trước khi ra về.
 
Do chỉ được lấy 1 lần duy nhất trong đêm giao thừa, nên người đi lấy nước cũng sẽ phải hết sức cẩn trọng, tránh để làm đổ hoặc ngã trong quá trình mang nước về nhà, nếu bị đổ cả gia đình sẽ không gặp may trong năm đó.
 
Lượng nước này khi mang về sẽ được chia một phần nhỏ cho các thành viên trong gia đình uống vào bữa cơm tất niên, phần còn lại sẽ được đổ vào chảo gang lớn đặt trên bếp để lấy nước sử dụng nấu nướng trong 3 ngày đầu của năm mới.
 
Tục lấy nước cầu may trong đêm giao thừa hiện vẫn được đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn duy trì và truyền dạy cho con cháu. Đây được xem là một nét đẹp văn hóa dân tộc được người Mông trân trọng, bảo tồn, gìn giữ và phát huy.
 
Hoa xi li le le trong tết người Cống
 
Đồng bào dân tộc Cống tỉnh Điện Biên đón tết một cách rất đặc biệt. Tết cổ truyền của họ gắn liền với một loài hoa mang tên xi li le le (người Kinh thường gọi là hoa Mào gà, loại nhỏ, dài, có 2 màu đỏ và vàng).
 
Có lẽ vì vậy nghi lễ quan trọng nhất, lớn nhất trong năm này của người Cống được gọi tên là Tết Hoa.
 
Đối với người dân tộc Cống, khi nào lúa trên nương đã thu hoạch xong, hoa xi li le le bung nở rực rỡ, báo hiệu một năm đã hết, năm mới, vụ mùa mới lại bắt đầu, đấy là tết đã đến.
 
Trong dịp này, cả bản cùng thực hiện các nghi thức truyền thống, nghỉ ngơi, vui chơi để mừng thành quả một năm lao động sản xuất và bày tỏ lòng biết ơn đến tổ tiên, thần linh đã phù hộ họ trong năm qua, đồng thời cầu mong năm mới nhiều sức khỏe, mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm hơn.
 
 Trên mỗi đĩa đồ lễ mà người Cống dâng thần linh, tổ tiên đều có hoa xi xi le le.
 
Thầy cúng Nạ Văn Phanh, người dân tộc Cống cũng là già làng có uy tín của bản Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, cho biết: “Hoa xi li le le có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng người Cống. Chúng tôi quan niệm, đây là “hoa của trời”, biểu trưng cho may mắn và những điều tốt đẹp. Tất cả các gia đình đều trồng giống hoa này trên nương, xen cùng các loại cây trồng khác”.
 
Ngày thường, người Cống kiêng không hái hoa, chỉ đến tết, khi có lệnh của già làng thì mỗi nhà trong bản mới được phép lên nương chọn hái những bông hoa đẹp nhất. Việc này cũng chỉ được thực hiện vào sáng sớm.
 
Hoa hái về, được mang đến nhà thầy cúng để trang trí cổng và nơi thờ cúng (theo phong tục của người Cống, những nghi lễ đầu tiên để đón tết được cả bản tổ chức chung tại nhà thầy cúng). Số hoa còn lại được làm lễ vật dâng lên tổ tiên, thần linh.
 
Để bắt đầu phần lễ, đại diện từng gia đình trong bản bưng trên tay đĩa đồ lễ, chậm rãi đi theo hàng vào nhà thầy cúng, cung kính đặt vào nơi được chỉ định.
 
Lễ vật người Cống dâng lên đều là các nông sản do gia đình làm ra hay đánh bắt được như: bí xanh, bí đỏ, khoai sọ, củ đậu, bánh chưng, cá suối, gà, rượu, sóc, chuột... Và phía trên mỗi đĩa đồ lễ đều là những bông xi li le le tươi thắm.
 
Sau nghi lễ chung của bản, trưởng mỗi gia đình, dòng họ cũng đều thực hiện nghi lễ cúng tổ tiên riêng. Cuối cùng, các gia đình qua nhà nhau chúc tết, cụng nhau chén rượu, chung nhau mâm cơm, tưng bừng hát múa suốt 2 - 3 ngày đêm.
 
Lễ hội Cầu mùa của người Khơ Mú
 
Mỗi năm, sau khi thu hoạch mùa màng, người Khơ Mú ở bản Tọ Cuông, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng lại nô nức tổ chức lễ hội Cầu mùa để cầu khấn trời đất, tổ tiên và các thần linh cho nương rẫy được mùa bội thu, cuộc sống được no đủ ấm êm.
 
Lễ hội Cầu mùa là một trong những lễ hội lớn trong hệ thống các lễ tục nông nghiệp của người Khơ Mú, phản ánh niềm tin vào các thế lực siêu nhiên.
 
Họ quan niệm vạn vật có linh hồn, thiên nhiên xung quanh chúng ta như: Trời đất, nương rẫy... đều có quan hệ mật thiết tới đời sống và sản xuất của con người, do đó việc cầu khấn cảm tạ trời đất hết sức quan trọng.
 
 Thực hiện nghi thức sản xuất trong lễ hội Cầu mùa.
 
Lễ hội Cầu mùa của người Khơ Mú bao gồm 3 phần chính: Lễ cúng tổ tiên; nghi thức sản xuất và các trò chơi dân gian mừng lễ hội. Phần lễ cúng tổ tiên diễn ra trang nghiêm với sự có mặt của thầy cúng.
 
Trước bàn thờ tổ tiên và mâm lễ, thầy cúng khấn mời tổ tiên của gia đình và tổ tiên của bà con dân bản, cảm tạ các vị thần đã giúp tạo ra lương thực; cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đồng thời cầu khấn các thần linh phù hộ cho một năm tiếp theo làm ăn khấm khá, nương rẫy được mùa bội thu, con cháu được khỏe mạnh...
 
Trong phần thể hiện nghi thức sản xuất, các thanh niên người Khơ Mú cùng nhau đập lúa, đục lỗ tra hạt, thể hiện việc lao động hăng say, vui vẻ và đoàn kết.
 
Sau khi các nghi lễ kết thúc, phần hội diễn ra trong niềm vui phấn khởi, ước vọng về một vụ mùa mới đầy khởi sắc và những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
 
Những chàng trai, cô gái trong bản nô nức về chơi hội để được dịp thể hiện tài năng qua các lời ca, tiếng hát, điệu múa, trò chơi dân gian truyền thống đậm đà sắc thái bản địa, như: Ném còn, kéo co, đẩy gậy, múa, hát...
 
Những trò chơi này như để rèn luyện sức khỏe, tôi luyện ý chí kiên trì, bền bỉ và tạo sự hưng phấn, hăng say lao động sản xuất của người Khơ Mú và có ý nghĩa thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó dân tộc.
 
Cùng với các lễ hội dân tộc truyền thống của người Dao, người Mông, người Thái… lễ hội Cầu mùa của người Khơ Mú đã góp phần làm phong phú thêm sự phong phú và độc đáo trong bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Bắc.
 
 
Theo Báo Điện Biên Phủ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo