Văn hóa

Phong tục đón Tết của người Sán Chay ở Phú Thọ

Người Sán Chay chuẩn bị đón Tết rất chu đáo bởi sau một năm lao động vất vả, cần mẫn, đây là dịp để họ nghỉ ngơi, vui chơi, thăm hỏi và chúc tụng nhau những điều tốt lành.

Với trên 6.000 người, sinh sống quần tụ ở 6 làng thuộc các xã: Ngọc Quan, Hùng Long, Yên Kiện, Minh Phú, Tây Cốc và Vân Đồn, cũng như các dân tộc khác, dân tộc Sán Chay ở Đoan Hùng (Phú Thọ) có nhiều phong tục truyền thống mang bản sắc riêng, trong đó có tục đón Tết Nguyên Đán, làm phong phú thêm cuộc sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Thời gian ăn Tết của người Sán Chay kéo dài từ 25 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng âm lịch. Những ngày cuối năm, mọi người đều tất bật với công việc chuẩn bị đón Tết. Đầu tiên là mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, chủ nhà thắp một nén hương thơm lên bàn thờ mời tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu.

Tiếp đó là việc chuẩn bị để làm các loại bánh trái ngày Tết: Bánh chưng là thứ bánh không thể thiếu được của mỗi gia đình, bánh không chỉ để ăn trong những ngày Tết mà còn làm quà biếu để đi lễ Tết họ hàng nội ngoại. Một loại bánh nữa được ưa chuộng là bánh gai, bánh làm bằng bột gạo nếp trộn với lá gai và mật mía rồi cho vào cối giã nhuyễn, gói bằng lá chuối khô, bên trong là nhân đỗ xanh sau đó cho vào chõ xôi tới chín, bó 5 chiếc thành một cầu bánh để lên bàn thờ thắp hương, số còn lại để ăn dần trong những ngày Tết. Cùng với các loại bánh làm bằng gạo nếp, người Sán Chay còn làm bún, món ăn phổ biến trong các dịp lễ Tết.

Điệu múa đón Tết của người Sán Chay, Phú Thọ. Ảnh: TTDL.

Theo quan niệm của người Sán Chay, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành, sung túc, mùa màng bội thu, đồng thời còn mang ý nghĩa tâm linh là xua đuổi ma quỷ, thú dữ, sâu bọ. Dán giấy đỏ lên những nơi quan trọng với họ chính là bắt đầu cho một năm mới ấm no, hạnh phúc, an khang thịnh vượng.

Bởi thế, trước Tết 2 ngày (khoảng 28, 29 tháng Chạp), tất cả dụng cụ thuộc về gia đình, từ cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, chuồng trại chăn nuôi... đều được dán giấy đỏ để các đồ vật này cũng được "nghỉ Tết" như con người. Các vị trí như cổng ngõ, cửa ra vào, bàn thờ tổ tiên, cối xay, cối giã gạo, các cây lưu niên trong vườn cũng được dán giấy đỏ. Toàn bộ ngôi nhà vườn tược bỗng nhiên nhuộm sắc đỏ rực rỡ trong những ngày Tết.

Ngày 30 Tết là ngày quan trọng nhất trong năm, từ sáng sớm, việc vệ sinh nhà cửa và đồ dùng trong nhà được mọi thành viên trong gia đình thực hiện rất khẩn trương, sau đó là việc trang hoàng sắp đặt bàn thờ tổ tiên. Cũng như người kinh, bàn thờ của người Sán Chay cũng có mâm ngũ quả, bánh kẹo, cành đào, cành mận hoặc hoa hải đường… Bàn thờ được chia làm hai khu vực, nơi trang trọng nhất là để thờ các cụ tổ đã ngoài 5 đời, bàn thờ này chỉ bày hoa thơm, quả ngọt và nước trà vì người Sán Chay quan niệm đã quá 5 đời thì các cụ đã thành tiên nên đồ thờ là các thức chay tinh khiết. Bên dưới là bàn thờ các cụ dưới 5 đời và đồ cúng gồm các thức ăn mặn. Buổi chiều 30 Tết, các thành viên trong gia đình đều tất bật chuẩn bị cho mâm cơm cúng tổ tiên và bữa cơm tất niên. Tùy theo từng dòng họ mà mâm cơm dâng lên tổ tiên ngày 30 Tết cũng có những hình thức khác nhau. Nhưng có một thức không thể thiếu được là thủ lợn hoặc gà trống.

Dán giấy đỏ ngày Tết. Ảnh: Dulichbonphuong.

Sáng ngày mồng một  Tết, Già làng cùng các bậc cao niên trong làng làm mâm cỗ thịnh soạn để cúng lễ Thành hoàng tại đình làng gọi là lễ “Cầu Dềnh”. Già làng đại diện cho làng khấn Thổ công và xin âm dương cho cả làng được vạn sự tốt lành, mùa màng tốt tươi, mưa hoà gió thuận, còn các gia đình thì cúng tổ tiên tại nhà mình, mời tổ tiên ăn cỗ mừng năm mới và xin tổ tiên phù hộ cho con cháu, cho dòng tộc được hưởng sự tốt lành. Sau khi cúng gia tiên, cả nhà quây quần bên mâm cỗ, con cháu mừng tuổi cho ông bà, trẻ nhỏ, sau đó chủ nhà và các con trai lớn đi chúc tết các gia đình trong thôn bản, còn các bà, các chị thì ở nhà làm cơm đón khách và vui tết tại nhà mình. Phải đến ngày mồng 2 trở đi thì các bà, các chị mới được đi chúc Tết xóm làng.

Những ngày này, từ các nẻo đường, ngõ xóm, màu áo chàm sẫm với những chiếc thắt lưng đẹp như hoa rừng khoe sắc thắm rực rỡ trong gió xuân. Hội làng được tổ chức với các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, ném còn, đi cà kheo…Và không thể thiếu làn điệu Sình ca. Nội dung các bản Sình ca đề cập đến nhiều lĩnh vực của đời sống: Từ tình yêu đôi lứa đến tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước, yêu lao động. Cuộc hát được tiếp diễn từ ngày này sang ngày khác, từ gia đình nọ sang gia đình kia, từ sáng sớm tới tận đêm khuya.

 

Với người Sán Chay, từ xưa đến nay, Tết Nguyên Đán không chỉ là dịp ăn ngon, mặc đẹp mà ngày Tết còn để gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình, dòng tộc và cả cộng đồng làng xã, mọi người sẽ gần nhau hơn qua mâm cơm ngày Tết, qua lời chúc tụng vui vẻ và qua câu hát Sình ca. Đó cũng là món ăn tinh thần không thể thiếu được của người Sán Chay ở Đoan Hùng trong mỗi độ Tết đến xuân về.

Nên đọc
Theo Dân tộc Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo