Văn hóa

Quan niệm về đời sống tâm linh của người Bố Y

Người Bố Y là một trong những dân cư đến sinh sống trên các vùng núi cao miền núi phía Bắc Việt Nam. Ở Việt Nam, Bố Y là một trong những dân tộc có số dân tương đối ít. Tuy nhiên họ lại có một đời sống tâm tinh thần phong phú và đa dạng.

Quan niệm vạn vật hữu linh

Sinh sống trên những vùng núi cao nên người Bố Y là một dân tộc có đời sống tinh thần phong phú, là dân tộc có lòng vị tha, cởi mở và luôn sống chan hòa, đoàn kết với các dân tộc khác cùng nhau xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, bảo vệ biên giới Tổ quốc. Trong đời sống hàng ngày người Bố Y quan niệm: “ Vạn vật hữu linh”, mọi vật từ cây cỏ đến sinh vật và con người đều có hồn – Hồn tồn tại vĩnh hằng.

Họ quan niệm trẻ sơ sinh đến 12 tuổi linh hồn được mẹ mụ (Mỉa vẳng) nâng đỡ, bảo hộ. Từ 13 tuổi trở lên hồn được mẹ đỡ (Mỉa păng) phù hộ luôn luôn khoẻ mạnh, may mắn. Trong tâm linh người Bố Y tin rằng có 6 loại hồn tồn tại trong cuộc sống, đó là những hồn có những nhiệm vụ khác nhau: có hồn chuyên làm nhiệm vụ canh giữ mồ mả; hồn chuyên môn đi chợ mua bán; hồn ở nhà và ngồi trên bàn thờ; hồn ngồi trên vai con người làm nhiệm vụ phù hộ con người luôn mạnh khoẻ; hồn bảo vệ mùa màng gia súc; hồn lên thiên đàng. Đàn ông, đàn bà hồn đều giống nhau. Hồn tồn tại trong người sống, khi chết đi hồn hoá thành ma. Có nhiều loại ma: ma lành không hại người, ma ác có các loại ma Ngũ hải (ma gà), ma đói, ma rừng.

Nghi lễ cũng hồn của người Bố Y.

Khi bị mất hồn vì con người có ba hồn bảy vía nếu mà mất đi một trong số những hồn đó thì con người sẽ xanh xao ốm yếu, ăn uống không ngon miệng và khi ngủ hay gặp ác mộng (bị ốm). Hồn người bị mất là do thần nước, thần rừng, ma đói bắt đi. Để lấy lại hồn thì phải mời thầy về nhà làm lễ cúng. Cách cúng gọi hồn như sau: lấy một cái muôi gỗ to cho vào đó ít cơm nguội, nước canh, rau, mấy giọt rượu và cầm theo một thanh củi đang cháy ra ngoài sân, rắc những thứ trong muôi gỗ ra bốn phương trời, hành động này mang ngụ ý là cho các loại ma ăn uống để đừng bắt giữ hồn nữa. Sau đó thầy cúng tiến hành cúng gọi hồn lúc này đang sợ hãi lẩn trốn hãy mau về nhà. Lễ vật cho buổi cúng gồm có gà, vịt. Trước tiên tiến hành cúng tế lễ vật sống cho hồn, sau đó mổ gà, vịt luộc chín mời hồn về ăn và trở về với người ốm để người ốm khoẻ lại.

Quan niệm về thế giới quan

Người Bố Y quan niệm vũ trụ chia làm 3 thế giới: Thế giới thứ nhất là cõi trên: Đây là nơi ở của các vị thần tiên và cũng có con người sinh sống. Người ở cõi này cũng sinh nở và nuôi con, họ cõng con trên vai. Thế giới thứ hai là cõi giữa: đây là cõi con người bình thường sinh sống, cõi trần gian. Người cõi này nuôi con và cõng con ở giữa (cõng con trên lưng). Thế giới thứ ba là cõi dưới cùng: đây là thế giới tí hon (tiếng Bố Y gọi là "cúng kính"). Ở cõi này con người chỉ cao bằng đầu gối người trần gian. Họ nuôi và cõng con ở bắp chân, nấu cơm bằng vỏ trứng.

Người Bố Y cho rằng có cuộc sống sau cái chết. Khi trong gia đình có người chết, con cháu chia cho trâu, bò để người chết sau khi sang thế giới bên kia còn có trâu, bò để cày bừa làm ăn. Gia đình nào có nguồn gốc buôn bán thì chỉ phải chia lợn cho người chết. Con gái, con rể người chết thì làm đèn lồng, nhà lầu, chuồng gà để cúng theo.

Cũng như các dân tộc Bố Y ở các tỉnh khác, tại xã Quyết Tiến người Bố Y tuy có số dân ít nhưng họ vẫn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình dù sống cùng với các dân tộc khác nhưng họ vẫn không bị ảnh hưởng quá nhiều. Trong những năm đổi mới, Nhà nước ta đã có rất nhiều chính sách để phát triển kinh tế xã hội cho các dân tộc thiểu số để cuộc sống được nâng lên nhưng nhìn chung do điều kiện địa hình, phong tục tập quán vẫn còn nhiều thủ tục lạc hậu nên đời sống của đồng bào vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

 

Nên đọc
Theo Làng Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo