Văn hóa

Quần thể di tích núi An Hoạch: Điểm hẹn văn hóa và du lịch nổi tiếng xứ Thanh

(DNVN) - Quần thể di tích núi An Hoạch (núi Nhồi) xưa kia thuộc thôn Nhuệ xã Đông Hưng, Đông Sơn, Thanh Hóa, nay thuộc phố Tây Sơn và Nam Sơn phường An Hoạch, thành phố Thanh Hóa. Nơi đây là một trong những điểm hẹn văn hóa và du lịch nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa hiện nay.

Núi Nhồi ( tỉnh Thanh Hóa).

Từ An Hoạch xưa...

Quần thể di tích tích núi An Hoạch (núi Nhồi ) được thiên nhiên ban tặng có nhiều thắng cảnh đẹp lộng lẫy, có người đã ví tựa Vịnh Hạ Long trên cạn... Cách đây 1014 năm, dưới triều vua Lý Nhân Tông, Thái úy Lý Thường Kiệt giúp vua dựng nước tham gia nhiều việc quân cơ, được vua ban làm phong ấp quận Thanh Hóa. Nhân một lần thăm, vãn cảnh núi An Hoạch đã thấy “đá núi sắc óng như ngọc lam, chất biếc xanh như khói nhạt... đẽo thành khánh, gõ vào tiếng ngân muôn dặm, dùng làm văn bia, văn chương để lại, lưu giữ ngàn đời”. Thái Úy Lý Thường Kiệt đã dốc lòng cùng người dân An Hoạch, mở mang ngành nghề làm đá núi Nhồi, dùng nhiều tiền của xây dựng các công trình văn hóa tôn thêm vẻ đẹp cho vùng di tích. Quê hương An Hoạch dưới thời chấn trị của Thái úy đã mạnh giàu và đẹp như một bức tranh. Ghi nhớ công đức Thái úy, nhân dân trong vùng đã xây dựng ngôi đền thờ ông với tên gọi Báo Ân.

Về cảnh đẹp núi Nhồi, trước hết là cảnh quan hòn Vọng Phu (trông chồng) trên đỉnh núi An Hoạch, mang vẻ đẹp đậm nét không kém gì nàng Tô Thị (tỉnh Lạng Sơn). Hòn Vọng Phu nơi đây cũng được tồn tại với truyền thuyết đầy tính nhân bản.

Cạnh đó, Đền Báo Ân tọa lạc dưới chân núi Vọng Phu, mái tường rực rỡ với nhiều nét đan thanh, điểm xuyết, trăm năm khí tượng. Phía trước đền hướng về phương nam, đồng ruộng san sát xanh tốt. Phía sau gần gò Trường Phượng, bên cạnh đồi Bạch Long (rừng thông ngày nay) dòng sông Nhà Lê uốn lượn quanh co một dải. Cùng với đền báo Ân có chùa Báo Lai (dựng năm 1100). Ở đây có tượng phật, tượng các võ sĩ, chim thần Ga - Du - Ra và nhiều bức phù điêu chạm nổi.

Đền Báo Ân.

Sau đền Báo Ân, chùa Báo Lai là chùa Tiên Sơn (Tiên Sơn tự) và còn có tên gọi là chùa Quan Thánh. Vì ở đây thờ tượng Quan Vũ, Lưu Bị, Trương Phi đời Nhà Hán (Trung Quốc). Chùa dựng nên do nghệ nhân Lê Đình Truyền (người làng Nhồi) dựng năm Hoàng Đinh 1601 - 1619, dụng ý làm nơi hòa hảo giữa Việt Nam và Trung quốc khi có binh biến xảy ra.

 

Vào năm 1928, tại chùa Tiên sơn đã diễn ra sự kiện lịch sử: hội nghị bí mật bầu ban chấp hành tỉnh bộ chính thức của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, do đồng chí Lê Hữu Lập làm bí thư.

Bên cạnh các đền chùa trên là lăng Quận Mãn thờ danh tướng Quận công Lê Trung Nghĩa, đứng đầu hàng võ tướng triều đình nhà Lê. Ông người thôn Nhuệ, An Hoạch. Lăng mộ Quận Mãn được vua chỉ dụ và dân làng xây dựng với nhiều hạng mục công trình độc đáo bằng đá vào loại bậc nhất xứ Thanh, gồm điện thờ, ngai thờ, lính hầu và các con giống. Hiện nay di tích được bảo quản khá nguyên vẹn. Vào những ngày lễ, giỗ, quân, dân trong vùng về dâng hương đông như trẩy hội.

Dưới chân núi Vọng Phu còn có chùa Hinh Sơn. Thực tế là một hang động do bàn tay tài nghệ làng Nhồi làm nên, kiến trúc gồm tiền đường, trung đường và hậu cung (xây dựng năm 1884). Các pho tượng hầu hết được tạc vào thành vách của hang. Trong đó có tượng Khổng Minh cao gần 2 mét, với đường nét khá ấn tượng, đẹp có hồn.

Sau này đá núi Nhồi và các nghệ nhân làm đá ở đây liên tục đóng góp vào việc xây dựng nhiều công trình tầm cỡ lớn: Nhà thờ đá Phát Diệm ở Ninh Bình, phủ Giầy ở Nam Định, có phiến đá nặng tới 20 tấn. Đặc biệt làng Nhồi có cụ Lê Thọ Thuẫn còn dùng đá núi Nhồi tạc mô hình cầu Hàm Rồng tham dự triển lãm tại hội  chợ Mác Xây (hội chợ mở năm 1922). Vua Khải Định tham gia hội chợ này, được chứng kiến công trình nêu trên. Khi về nước đã mời cụ Thuẫn vào cung và dùng đá núi Nhồi tạc nhiều công trình: Bức rèm hoa, ông tượng, các con giống, cột xà, đá tảng và đầu rồng trang trí cho phủ đệ cuả mình. Các triều đại phong kiến Trung Quốc cũng không bỏ qua cơ hội khai thác đá núi Nhồi. Theo sách Vân  Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn: Phạm Ninh làm Thái Thú Dự Chương nước Tấn thường sai lại viên đến đây lấy đá làm khánh... vẹt mòn cả núi.

Thời Phong Kiến, chúa Nguyễn mở mang bờ cõi về phương Nam, người dân làng Nhồi cũng theo đến Đà Nẵng, dựng lên một làng nghề đá có tên Non Nước,  nổi tiếng không kém làng Nhồi.

 

Cho đến ngày nay, người dân làng Nhồi vẫn còn nhớ như in chiến tích hào hùng nhất đó là khi làm bia mộ Phan Đình Phùng và tấm bia ghi công đức Lê Lợi ở huyện Đà Bắc - sông Đà. Văn bia của Lê Lợi được thợ làng Nhồi  khắc đẽo khá tinh xảo, để lại cho khách thăm quan những ấn tượng khó quên. Đá núi Nhồi còn góp phần xây dựng nhiều công trình đặc sắc không sao kể xiết. Đó là thành Nhà Hồ, chùa Bút Tháp, Khu di tích lịch Sử Lam Kinh, Tân Trào. Công trình Trúc Lâm thiền viện tại nước Pháp, thợ làng Nhồi cũng sang tận nơi chạm trổ. Gần đây là tượng đài Lê Lợi cao 15 mét cũng từ đá và thợ đá làng Nhồi "thổi hồn vào mà thành". Rồi đá núi Nhồi cũng đã về thủ đô Hà Nội tham gia đại lễ nghìn năm Thăng Long lát thềm, xây hàng rào soi bóng bên Hồ Gươm đẹp mãi trong lòng người dân Thủ Đô. Tự hào hơn hết là các nghệ nhân và đá làng Nhồi đã góp phần không nhỏ xây dựng bảo tàng và lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh.

Đến An Hoạch nay

Phát huy truyền thống quê hương, nhiều thập kỷ gần đây, cán bộ, nhân dân làng Nhồi, phường An Hoạch đã không ngừng vươn lên, vượt mọi khó khăn gìn giữ, tôn tạo và xây dựng nơi đây thêm nhiều vẻ đẹp đáng ghi nhận. Phường An Hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng đường giao thông đi lại thuận tiện. Xây dựng nhiều công trình văn hóa đồ sộ. Trụ sở làm việc khang trang, trường học, trạm y tế đạt chuẩn Quốc Gia, học sinh trưởng thành nhiều mặt, sức khỏe cộng đồng được nâng cao.       Hàng năm, phường An Hoạch có tốc độ tăng trưởng kinh tế trên dưới 20%, thu nhập bình quân đầu người trên 40 triệu đồng/năm. Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển không ngừng. Nhiều doanh nghiệp sản xuất đá ốp lát xuất khẩu, đá mĩ nghệ được hình thành và phát triển mạnh mẽ, đem lại nguồn thu hàng trăm tỷ đồng/năm.

Phường An Hoạch là một trong đơn vị tiêu biểu của huyện Đông Sơn khi sát nhập về thành phố  Thanh Hóa. Di tích lịch sử và văn hoá An Hoạch được Nhà nước công nhận là di tích nghệ thuật thắng cảnh cấp Quốc Gia (Q983/VH-Qđ), ngày 4 tháng 8 năm 1992.

Sau khi đón nhận bằng công nhận di tích cấp quốc gia, Đảng bộ, chính quyền phường An Hoạch đã mở các cuộc hội thảo và có nhiều chính sách thu hút các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà đầu tư, các ngành chức năng cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng chiến lược trùng tu, tôn tạo di tích thắng cảnh núi An Hoạch xứng tầm Quốc gia.

 

Tuy nhiên hiện nay, phường An Hoạch vẫn còn nhiều khó khăn. Để đầu tư xây dựng khu di tích mang tầm Quốc gia, đòi hỏi nguồn kinh phí khá lớn, rất mong các ngành, các cấp quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để địa phương có điều kiện vươn lên từng bước xây dựng, nâng cấp khu di tích phường An Hoạch xứng đáng là một trong những điểm hẹn Văn hóa - Du lịch nổi tiếng của người xứ Thanh nói riêng và cả nước nói chung. 

Đào Nguyên
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo