Văn hóa

Quảng bá lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ra thế giới

Từ năm 2013, Quảng Ngãi nâng tầm quốc gia, giới thiệu rộng rãi với bạn bè quốc tế về lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, nghi thức đậm chất văn hóa biển đảo, khẳng định chủ quyền lãnh hải Việt Nam.

Ngày 21/12, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa chỉ đạo các cơ quan chức năng lập trang thông tin điện tử giới thiệu rộng rãi đến du khách trong nước và quốc tế về Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm 2013 tại huyện đảo Lý Sơn.

Trang thông tin này bao gồm hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh sẽ được đưa lên cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi. Bên cạnh lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, những lễ hội dân gian đặc sắc trên địa bàn tỉnh cũng được giới thiệu.

Đã từ lâu, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại huyện đảo Lý Sơn trở thành ngày hội lớn không chỉ của Quảng Ngãi mà còn với người dân mọi miền đất nước. "Đây là dịp khơi dậy ý thức người dân trong nước bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa; tiếp tục khẳng định chủ quyền lãnh hải Tổ quốc trên các quần đảo thiêng liêng này trong cộng đồng quốc tế", ông Khoa nhấn mạnh.

Nhiều năm trước, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa do các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức, song tháng 3 âm lịch năm 2013 tỉnh Quảng Ngãi sẽ chịu trách nhiệm chính tổ chức lễ khao lề tri ân Hải đội Hoàng Sa. Lễ hội bao gồm: Đại lễ cầu siêu, lễ cáo yết nghinh thần, lễ rước vong hồn chiến sĩ trận vong Hoàng Sa, lễ chánh tế, lễ tạ tại đình làng An Vĩnh, lễ tế tại Âm Linh Tự, liên hoan văn hóa thể thao các huyện ven biển và hải đảo, văn hóa ẩm thực...
 

Các tộc họ cùng dân làng ở đảo Lý Sơn đưa hoa đăng từ đình làng mang thả xuống biển trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
 

Các tộc họ cùng dân làng ở đảo Lý Sơn đưa hoa đăng từ đình

làng mang thả xuống biển trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

 

Đội Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn hoạt động liên tiếp từ thế kỷ 17, đầu thời chúa Nguyễn đến giữa thế kỷ 19 sang đến thời Tây Sơn với những cai đội nổi tiếng như Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú, Hội Nghĩa hầu Võ Văn Khiết. Sang thời nhà Nguyễn, ngay từ thời Gia Long cũng đã sai Phạm Quang Ảnh làm Cai đội Hoàng Sa tuyển chọn các binh phu đi Hoàng Sa và cả Trường Sa đo đạc thủy trình.

Nhà Nguyễn cũng cho lập các đội thủy quân để cùng với Đội Hoàng Sa và Đội Quế Hương đi Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc, dựng bia chủ quyền, lập miếu, đo đạc thuỷ trình, lập bản đồ…

 

 

Hồng Lĩnh (Theo VnExpress)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo