Quốc tế

"Sát thủ diệt hạm" DF-21D: Trung Quốc đừng "khoe mẽ", Mỹ đã có cách khắc chế

UAV MQ-25A là giải pháp giúp nâng tầm tác chiến của máy bay trên tàu sân bay Mỹ, đồng thời giúp TSB thoát khỏi tầm đe dọa của tên lửa diệt hạm như DF-21D mà Trung Quốc đang sở hữu.

Điều gì xảy ra nếu Syria tấn công căn cứ Incirlik chứa bom hạt nhân Mỹ? / 6 chiến đấu cơ Anh đồng loạt xuất kích chặn máy bay ném bom Nga

UAV tiếp dầu trên không: Bước phát triển mới của Hải quân Mỹ

Máy bay không người lái (UAV) MQ-25 là loại UAV do Tập đoàn Boeing của Mỹ phát triển. Đây là loại UAV có tính năng tàng hình, có ba phiên bản, sử dụng cho các mục đích khác nhau, gồm UAV tiếp dầu trên không (CBARS), UAV vũ trang (UCAV) và UAV trinh sát. Phiên bản tiếp dầu trên không MQ-25A đã thử nghiệm thành công và chuẩn bị bước vào sản xuất loạt.

UAV MQ-25A có vai trò rất quan trọng trong việc mở rộng phạm vi chiến đấu cho các loại máy bay trên tàu sân bay của Hải quân Mỹ, vì hiện nay lực lượng này đã cho "nghỉ hưu" 2 loại máy bay tiếp dầu cất cánh trên hạm duy nhất của họ là KA-6 và S-3 Viking.

Vì vậy, máy bay chiến đấu trên hạm của Mỹ chỉ có thể hoạt động bằng số nhiên liệu mang theo hoặc tự tiếp dầu cho nhau.

Đại diện công ty Boeing cho biết, nguyên mẫu "T1" đã hoàn thành việc cất và hạ cánh, sau đó bay trên một tuyến đường định trước, dưới sự chỉ huy của trạm điều khiển mặt đất Chuyến bay nhằm kiểm chứng những tính năng cơ bản của một máy bay không người lái.

Theo yêu cầu của hải quân Mỹ, một chiếc MQ-25A phải mang được trên 7,5 tấn nhiên liệu để tiếp cho máy bay khác, bán kính hoạt động cách tàu sân bay trên 900 km.

Với sự tiếp dầu của chiếc MQ-25A, sẽ giúp tăng gấp đôi tầm hoạt động của các tiêm kích hạm F/A-18E/F Super Hornet và F-35C (trong tương lai). Trong đó, tiêm kích hạm F/A-18 sẽ có tầm hoạt động hơn 800 km và máy bay tàng hình F-35C có tầm hoạt động tới 2.200 km.

Theo báo cáo, giai đoạn chuẩn bị và thử nghiệm của MQ-25 bắt đầu bằng các hoạt động thử nghiệm trên mặt đất và đã hoàn thành chuyến bay đầu tiên vào ngày 19 tháng 9 năm 2019. Đây là bước thu thập dữ liệu để mô phỏng các điều kiện thực tế mà chiếc MQ-25 sẽ phải đối mặt khi cất và hạ cánh trên tàu sân bay.

1
Hình ảnh mô phỏng UAV MQ-25 tiếp nhiên liệu cho tiêm kích hạm F/A-18 Super Hornet

Trong nhiều năm, các nhà phát triển UAV của Hải quân Mỹ nhấn mạnh rằng, UAV phải đối mặt với nhiều điều kiện phức tạp khi cất và hạ cánh trên tàu sân bay, bao gồm tốc độ gió, tốc độ tàu sân bay, điều kiện thời tiết và thủy văn nơi tàu sân bay đang hoạt động. Những điều kiện phức tạp này khiến UAV cất và hạ cánh rất khó khăn trên tàu sân bay.

Việc cất, hạ cánh trên tàu sân bay là công việc khó khăn và nguy hiểm, nhất là việc hạ cánh. Với máy bay có người lái, đòi hỏi phi công phải được huấn luyện bài bản, có kỹ năng cao và có số giờ bay nhất định. Khi chuẩn bị hạ cánh, phi công phải dựa vào "sĩ quan tín hiệu hạ cánh" và một hệ thống quang học được gọi là "ống kính Fresnel" để hỗ trợ hạ cánh an toàn và chính xác.

Tuy nhiên, các hoạt động này khó khăn hơn nhiều đối với UAV được điều khiển thủ công hoặc UAV điều khiển bán tự động. Do vậy chiếc UAV MQ-25 phải được xây dựng thuật toán hạ cánh hoàn toàn tự động trên tàu sân bay.

Việc đưa vào sử dụng UAV tiếp dầu hoạt động trên tàu sân bay là bước phát triển mới của Hải quân Mỹ, không chỉ góp phần nâng cao năng lực tác chiến của các máy bay hoạt động trên tàu sân bay, mà còn giảm số phi công lái máy bay cất hạ cánh trên tàu sân bay, một công việc rất nguy hiểm.

 

Sát thủ diệt hạm DF-21D: Trung Quốc đừng khoe mẽ, Mỹ đã có cách khắc chế! - Ảnh 2.

Cận cảnh chiếc UAV MQ-25 thử nghiệm trên mặt đất

UAV MQ-25: Câu trả lời cho tên lửa chống hạm DF-21 của Trung Quốc

Hải quân Trung Quốc gần đây nổi lên là mối đe dọa lớn với Hải quân Mỹ, cùng với việc áp dụng chiến lược chống tiếp cận, chống xâm nhập (A2/AD), với mục đích đẩy các biên đội tàu sân bay của Mỹ ra xa bờ biển của Trung Quốc.

Vũ khí chủ đạo của Trung Quốc trong chiến thuật này đó là tên lửa đạn đạo chống hạm đầu tiên trên thế giới, có tên Dongfeng DF-21D. Theo thông tin được tiết lộ, độ lệch mục tiêu của tên lửa không vượt quá 40 m; tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường có trọng lượng 1.000 kg, đủ sức đánh chìm tàu sân bay Mỹ.

Sự độc đáo của DF-21D ở chỗ: Thứ nhất tên lửa được phóng từ đất liền, do vậy đảm bảo được tính bí mật, bất ngờ; thứ hai, với sức công phá của một tên lửa đạn đạo, hoàn toàn có thể vô hiệu hóa một tàu sân bay chỉ với một phát bắn trúng duy nhất; thứ ba, các hệ thống đánh chặn tên lửa của biên đội tàu sân bay của Mỹ đến thời điểm hiện tại hoàn toàn chưa thể đánh chặn.

 

Việc đưa tên lửa DF-21D vào kho vũ khí của PLA, khiến Hải quân Mỹ phải cấp tốc tìm các biện pháp đối phó. Do tầm bắn của tên lửa này đạt tới 1.800 km, các hàng không mẫu hạm Mỹ không còn có cơ hội tiếp cận bờ biển Trung Quốc ở khoảng cách, đủ để các loại tiêm kích trên hạm tiếp cận lãnh thổ Trung Quốc.

Sát thủ diệt hạm DF-21D: Trung Quốc đừng khoe mẽ, Mỹ đã có cách khắc chế! - Ảnh 3.

Thử nghiệm UAV trên tàu sân bay Mỹ

Nếu không có máy bay tiếp nhiên liệu, muốn tiêm kích hạm có thể đủ nhiên liệu tiếp cận bờ biển Trung Quốc, thì tàu sân bay Mỹ buộc phải hoạt động trong vùng đe dọa của "sát thủ diệt hạm" DF-21D, như vậy tàu sân bay Mỹ cùng khoảng 5.000 sĩ quan và thủy thủ trên tàu nằm trong tầm đe dọa của tên lửa DF-21D.

Hiện nay, hải quân Mỹ không còn máy bay tiếp nhiên liệu có thể cất, hạ cánh từ tàu sân bay; từ đó, giới chuyên gia nhận định, UAV MQ-25A là giải pháp giúp cho việc nâng tầm tác chiến của máy bay trên tàu sân bay Mỹ, đồng thời giúp tàu sân bay thoát khỏi tầm đe dọa của tên lửa diệt hạm như DF-21D.

Ví dụ, nếu một tiêm kích hạm có bán kính hoạt động từ 500 đến 900 km, trước khi phải quay trở hàng không mẫu hạm, việc sử dụng UAV tiếp dầu trên không giúp máy bay trên hạm kéo dài bán kính hoạt động, cũng như tăng tải trọng vũ khí (nhờ giảm bớt lượng nhiên liệu mang theo), đồng thời tăng độ bền cho máy bay.

 

Với việc sử dụng UAV MQ-25A, không những cho phép tàu sân bay thực hiện các cuộc tấn công ở khoảng cách xa hơn, mà còn kéo dài thời gian thực hiện nhiệm vụ của máy bay hoạt động trên tàu sân bay, hoặc tiêu diệt các mục tiêu sâu trong nội địa của đối phương.

Cùng với tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21, Trung Quốc còn sử dụng nhiều vũ khí khác trong chiến thuật A2/AD như các hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến, vũ khí laser hoặc cảm biến tầm xa; chắc chắn sẽ làm tăng mối đe dọa đối với tàu sân bay ở các vùng gần bờ biển của Trung Quốc.

Khi xem xét các yếu tố này, UAV tiếp dầu không người lái MQ-25A hoạt động trên tàu sân bay sẽ mang lại những lợi thế và rất cần thiết cho Hải quân Mỹ. Với việc giúp "nối dài" chuyến bay của UAV MQ-25A cho các máy bay trên hạm, cho phép tàu sân bay Mỹ di chuyển tự do ở bất kỳ khoảng cách hoặc địa điểm nào và mở rộng đáng kể phạm vi tấn công của tàu sân bay Mỹ.

Đồng thời, Hải quân Mỹ có thể thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn ở khoảng cách an toàn mà không bị tấn công bởi "sát thủ diệt hạm" DF-21D tạo ra một khu vực an toàn cho tàu sân bay và nâng cao khả năng tác chiến của máy bay trên hạm; đây cũng là câu trả lời của Mỹ với tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm