10 sự kiện Thế giới nổi bật 2021
3 thế hệ xe tăng nổi tiếng của Nga cùng phô diễn năng lực tác chiến / Khả năng tàng hình của "bóng ma tử thần" B-2 Spirit bị bóc mẽ
1. Chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19
Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã bước sang năm thứ 2 với sự thống trị của biến thể Delta và mới nhất là biến thể Omicron. Tốc độ lây lan của COVID-19 ngày càng gia tăng, trở thành nỗi kinh hoàng toàn cầu. Trong bối cảnh đó, việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 đã được đẩy nhanh, mạnh và trở thành chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử thế giới với gần 9 tỷ liều vaccine đã được tiêm.
Thông tin đăng tải trên tờ The New York Times cho hay, hiện có hơn 110 loại vaccine ngừa COVID-19 trong đó 110 loại trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người. Và nếu năm 2020 là cuộc chạy đua về sản xuất vaccine ngừa COVID-19 an toàn, hiệu quả thì trong năm 2021, các nhà khoa học cùng các hãng dược phẩm lại tiếp tục có thêm thành công mới trong việc đưa ra các loại thuốc điều trị virus SARS-CoV-2.
2. Thách thức an ninh hàng hải
Hoạt động khủng bố, cướp biển, ô nhiễm môi trường biển, hành động đơn phương, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực cùng yêu sách không phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982)... là những vấn đề nóng được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên thảo luận vào tháng 8-2021 với sự góp mặt của nhiều lãnh đạo, nguyên thủ các quốc gia thành viên. Theo đó, các quốc gia đều kêu gọi sử dụng biện pháp hòa bình, có trách nhiệm các không gian trên biển, duy trì và tăng cường trật tự luật pháp quốc tế trong an ninh hàng hải.
Đặc biệt, với những căng thẳng ngày càng gia tăng trên Biển Đông, nhất là sau khi Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc có hiệu lực từ 1-2 và Luật An toàn hải hàng mới của Trung Quốc có hiệu lực từ 1-9, Mỹ và phương Tây đang nỗ lực ngăn Trung Quốc thực hiện tham vọng “độc chiếm Biển Đông” bằng “chiến lược liên vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Chưa hết, Mỹ, New Zealand, Australia, Anh, Pháp, Đức... còn đệ trình công hàm lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ yêu sách vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
3. Vũ khí siêu thanh và nguy cơ chạy đua vũ trang mới
3 năm sau khi Tổng thống Vladimir Putin đề cập đến vũ khí siêu thanh trong Chiến lược an ninh quốc gia, Nga tuyên bố đã có thể làm chủ công nghệ này và trang bị cho hải quân tên lửa siêu thanh 3M22 Zircon từ năm 2022. Tên lửa Zircon bay với tốc độ gấp 9 lần tốc độ âm thanh, bắn trúng mục tiêu cách xa 1.000 km đang được coi là làm thay đổi cuộc chạy đua vũ trang cũng như sức mạnh quân sự trên biển. Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố đã phóng thử tên lửa siêu thanh có khả năng bay vòng quanh Trái đất trước khi tăng tốc nhắm đến mục tiêu.
Và mặc dù tên lửa bay trượt mục tiêu khoảng 3km song vụ thử cho thấy Bắc Kinh đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc phát triển vũ khí siêu thanh. Cuối tháng 9, Mỹ cũng thử nghiệm thành công một loại vũ khí siêu thanh có tốc độ lớn hơn Mach 5, có thể tự bay trong khí quyển giống như tên lửa hành trình và khẳng định đạt hiệu quả, khả năng hoạt động của các công nghệ siêu thanh tiên tiến trong môi trường thực tế. Được biết, cùng với Nga, Mỹ, Trung Quốc, ít nhất 5 quốc gia khác cũng đang phát triển công nghệ siêu thanh.
4. AUKUS - liên minh thế hệ mới
Ra đời sau bê bối Australia rút lại hợp đồng mua tàu ngầm của Naval Group (Pháp) trị giá 66 tỷ USD, AUKUS (tên viết tắt của của Australia - United Kingdom và United States), là một thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa Australia, Anh và Mỹ. Theo đó, ba nước chia sẻ những thông tin, kiến thức và công nghệ hiện đại trong lĩnh vực quốc phòng, bao gồm cả công nghệ mạng, trí tuệ nhân tạo, các hệ thống dưới nước và năng lực tấn công tầm xa. Giới quan sát nhận định, AUKUS không chỉ tạo nền tảng để Australia nâng cao năng lực quốc phòng và thúc đẩy việc nghiên cứu, áp dụng các công nghệ tiên tiến, nhạy cảm mà còn mở ra cơ hội để Canberra định hình vị thế trong khu vực trong nhiều năm tới. Hơn nữa, nếu coi đây là một thay đổi chiến lược thì AUKUS còn được xem là bước đi kịch tính và quyết liệt nhất của Mỹ cho đến nay đối với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà đối trọng chính là Trung Quốc.
5. Đối đầu Nga với Mỹ-NATO
Mối quan hệ vốn cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt giữa Nga với Mỹ - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang ngày trở nên căng thẳng, đặc biệt kể từ khi Moscow và Ukraine đưa nhiều binh sĩ cùng khí tài tới khu vực biên giới. Chưa hết, vào trung tuần tháng 12, Nga đã lật bài ngửa với NATO khi đưa ra các điều kiện để đàm phán về việc thiết lập một thỏa thuận an ninh giống như thời Chiến tranh Lạnh.
Cụ thể, Nga yêu cầu NATO rút cơ sở hạ tầng quân sự đặt tại các quốc gia Đông Âu sau năm 1997; không triển khai vũ khí tấn công ở các quốc gia láng giềng với Nga và cam kết không cung cấp tư cách thành viên cụ thể cho Ukraine... Dù ngay lập tức bác bỏ những yêu cầu của Moscow song NATO và Mỹ vẫn phải thừa nhận, đóng cánh cửa đối thoại, đối đầu chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
6. Đụng độ biên giới Ấn -Trung
Bất chấp việc hai nước đạt được thỏa thuận rút lui khỏi các điểm xung đột dọc theo Ranh giới Kiểm soát thực tế (LAC) hay biên giới trên thực tế ở khu vực Ladakh ở phía Tây dãy Himalaya, binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc vẫn liên tục đụng độ làm nhiều người thiệt mạng. Đỉnh điểm là vào tháng 6, hai “người khổng lồ của châu Á” đã khiến cả cộng đồng quốc tế thấp thỏm sau cuộc đụng độ được coi là nghiêm trọng nhất giữa Trung Quốc và Ấn Độ suốt hơn 40 năm qua, diễn ra tại thung lũng Galwan. Chiến tranh, nếu xảy ra, sẽ không phải là câu chuyện của riêng hai nước mà ngược lại, rất nhiều nền kinh tế khác dễ dàng bị tác động. Thậm chí, cộng đồng quốc tế còn lo ngại sự đối đầu Bắc Kinh-New Delhi có thể trở thành một phần của Chiến tranh Lạnh toàn cầu.
7. “Chiến tranh bóng tối” trên biển Arab
Chiến dịch cô lập và chĩa mùi dùi vào Tehran đã được Mỹ, Israel và các quốc gia đồng minh thực hiện khá bài bản sau khi liên tiếp cáo buộc Iran sử dụng máy bay không người lái vụ tấn công tàu chở dầu Mercer Street và tàu chở nhựa đường Asphalt Princess ở vịnh Oman vào các ngày 29-7 và 2-8. Căng thẳng leo thang đến mức Tel Aviv còn dọa sẽ tấn công trả đũa. Tehran ngược lại cũng không chịu kém cạnh khi vừa bác bỏ mọi cáo buộc, vừa kêu gọi Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) thuộc Liên Hiệp Quốc điều tra các vụ tấn công tàu nói trên và cả những vụ tấn công tàu chở dầu của Iran ở ngoài khơi Syria hồi tháng 4. Đáng chú ý là cho đến nay, cả Mỹ, Israel và các đồng minh vẫn chưa đưa ra một bằng chứng cụ thể nào về những cáo buộc này. Nhiều nhà phân tích bình luận, đây chỉ là chiêu bài mà Mỹ và phương Tây dùng để “ép” Iran trong một loạt vấn đề liên quan đến vũ khí, quân sự và chương trình hạt nhân.
8. Bát nháo thị trường tiền ảo
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã bày tỏ lo ngại về việc thị trường tiền ảo đang phát triển với tốc độ rất nhanh (liên tục lập kỷ lục về giá) nhưng lại chưa có các quy định quản lý phù hợp và kịp thời. Điều này khiến nhà đầu tư tiền ảo gặp nhiều rủi ro. Như vụ sàn giao dịch tiền ảo Thodex lớn nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 4 chẳng hạn. Chính quyền Ankara đã phải ban lệnh truy nã quốc tế đối với người sáng lập Thodex - Faruk Fatih Ozer khi tên này trốn sang Albania với số tiền 2 tỷ USD của 391.000 nhà đầu tư tiền ảo. Vụ việc ở Thodex diễn ra đúng vào lúc Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ ban hành lệnh cấm dùng tiền điện tử để giao dịch (dự kiến bắt đầu từ 30-4). Tiếp theo nước này, Mỹ - trung tâm tiền ảo mới của thế giới cũng đã thực hiện các bước siết chặt giao dịch và thị trường tiền ảo. Tại Hàn Quốc, sau khi đưa ra các quy định khắt khe mới đối với thị trường tiền điện tử, nước này đã đóng cửa gần 40 trong số khoảng 60 sàn giao dịch tiền điện tử. Còn Trung Quốc thì đưa tất cả các hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền ảo vào danh mục ngành nghề bất hợp pháp và hối thúc việc rút dần các dự án khai thác tiền ảo.
9. Mỹ rút quân khỏi Afghanistna
Đêm 31-8, chiếc vận tải cơ C-17 của quân đội Mỹ đã cất cánh khỏi sân bay quốc tế ở thủ đô Kabul, đánh dấu sự hoàn tất việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và kết thúc chiến dịch sơ tán công dân Mỹ. Chuyện rút quân thực chất đã được chính quyền Washington lên kế hoạch từ rất lâu nhưng đến gần cuối nó lại diễn ra như một cuộc đánh đuổi của Taliban nhằm vào Mỹ.
Hôm 16-8, các chiến binh Taliban đánh chiếm thủ đô Kabul và tiếp quản chính quyền trong khi lực lượng an ninh Afghanistan không có một hành động chống cự nào. Giới phân tích cho rằng, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan để lại cho quốc gia Nam Á này một mớ hỗn độn và đầy thách thức.
Sự trở lại nắm quyền điều hành đất nước của Taliban làm dấy lên những lo lắng về vấn đề nhân quyền, quyền của phụ nữ và trẻ em gái cũng như tình trạng xung đột bạo lực, chủ nghĩa khủng bố... Thêm vào đó, sự vắng mặt của quân đội Mỹ ở Afghanistan còn châm ngòi một cuộc đua trong khu vực, với nhiều bên khác nhau từ Trung Quốc tới Thổ Nhĩ Kỳ, từ Nga tới Ấn Độ khi tất cả đang tìm cách tận dụng khoảng trống quyền lực ngoại giao ở Kabul.
10. Giá dầu đạt đỉnh
Có thể coi thị trường dầu mỏ thế giới đã trở lại thời hoàng kim khi giá dầu thô liên tục ở ngưỡng trên 80 USD/thùng trong nhiều tháng. Đây là mức giá cao nhất kể từ năm 2019. Theo tính toán của các nhà kinh tế, so với giai đoạn đầu năm, giá dầu thô những tháng cuối năm đã tăng mạnh tới 65%. Với các bước tiến của thế giới trong việc đẩy lùi đại dịch COVID-19, lượng tiêu thụ dầu của thế giới được dự báo sẽ sớm quay trở lại ngưỡng trước đại dịch. Nếu vậy, có thể giá dầu Brent sẽ tiến đến mức 90-100 USD/thùng. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAE) thì dự báo, nhu cầu dầu sẽ trở lại mức của năm 2019 vào năm 2023 và đạt mức cao kỷ lục (tăng thêm 104 triệu thùng/ngày) vào năm 2026. Giá dầu tăng mạnh trong thời gian qua cũng là tín hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu đang hồi phục.
End of content
Không có tin nào tiếp theo