Quốc tế

Ấn Độ bất ngờ chỉ trích và khẳng định không mua Sprut-SDM1 của Nga

DNVN - Không lâu sau khi bày tỏ quan tâm tới việc mua xe tăng hạng nhẹ Sprut-SDM1 để đối đầu ZTQ-15 Trung Quốc thì Ấn Độ lại tuyên bố phương tiện tác chiến này không phù hợp.

Nga muốn "hồi sinh" máy bay ném bom động cơ hạt nhân / An-74 của Liên hợp quốc gặp nạn, thiệt hại nghiêm trọng

Theo truyền thông Ấn Độ, xe tăng hạng nhẹ (hay còn gọi là pháo tự hành diệt tăng) Sprut-SDM1 do Nga chế tạo là phương tiện tác chiến áp dụng công nghệ cũ, hiện không có quốc gia nào mua nó và bản thân Quân đội Nga chỉ sử dụng tổng cộng 24 chiếc.

Bên cạnh đó, Sprut-SDM1 còn không được sản xuất thường xuyên, điều này gây khó khăn cho việc giao hàng nhanh chóng. Ngoài ra sẽ phải liên hệ với Nga để nhận phụ tùng, đại tu và hiện đại hóa trong tương lai, đây là điều rất phiền phức nhất là khi Moskva rất hay có truyền thống tăng giá hợp đồng.

Ấn Độ tuyên bố Sprut-SDM1 của Nga không phải là phương án tối ưu. Ảnh: Topwar.

Ấn Độ muốn tạo ra chiếc xe tăng hạng nhẹ dựa trên khung thân pháo tự hành K9 Vajra. Ảnh: Topwar.

Trước thực tế trên, Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) dự định sẽ tạo ra chiếc xe tăng hạng nhẹ của riêng mình để đối chọi ZTQ-15 Trung Quốc, quá trình phát triển sẽ diễn ra chỉ trong khoảng thời gian 18 tháng.

Phương án đầu tiên đó là tạo ra một chiếc chiến xa nặng 34 - 35 tấn bằng cách lắp tháp pháo Cockerill với pháo 105 mm trên khung thân pháo tự hành K9 Vajra với động cơ MTU 1000 mã lực tối ưu hóa cho hoạt động ở độ cao lớn.

Phương án thiết kế thứ hai là chiếc xe tăng nặng 38 tấn, giữ lại khung thân K9 Vajra và động cơ MTU, nhưng mượn tháp pháo của T-90S Bhishma, cung cấp hỏa lực vượt trội nhờ pháo 125 mm.

"DRDO tự tin cho rằng bất kỳ phiên bản xe tăng hạng nhẹ nào trong số này sẽ là lựa chọn tốt hơn so với Sprut-SDM1 của Nga đang được Bộ Quốc phòng xem xét", báo chí Ấn Độ khẳng định.

Vũ khí - Khí tài
Phong Vũ (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm