Quốc tế

Ẩn số từ một thương hiệu phòng không đầy hứa hẹn

Nước Đức đã và đang ấp ủ cho ra đời một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cỡ với tên gọi: "Hệ thống phòng không chiến thuật tầm trung (TLVS)" để thay thế cho các tổ hợp Patriot già nua, đồng thời giải tỏa mối lo từ các tên lửa đạn đạo của Nga. Thế nhưng đến nay, số phận của dự án này vẫn là một ẩn số.

Vũ khí NATO tương tàn tại Libya / Hải quân Nga thử vũ khí diệt hạm, tấn công mặt đất

Tháng 10/2016, Nga bất ngờ thông báo đưa hệ thống tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander đến Kaliningrad và cùng với đó, một số nguồn tin cho rằng, Moscow sẽ đặt các tên lửa Iskander vĩnh viễn tại đây. Động thái này ngay lập tức khiến giới chức quân sự châu Âu vừa thất vọng vừa lo. Như cựu Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel từng nói, nếu tên lửa Iskander được bố trí vĩnh viễn ở Kaliningrad, đó sẽ là một đòn giáng mạnh với an ninh của châu Âu. Với Đức, nỗi lo thậm chí còn lớn hơn nhiều. Bởi nhờ một số cải tiến, các tên lửa Iskander-M có khả năng bắn trúng các mục tiêu ở cách xa 700km và điều đó cũng đồng nghĩa thủ đô Berlin hoàn toàn nằm trong tầm bắn của Iskander-M từ Kaliningrad.

Hơn thế nữa, những năm gần đây, Bộ Quốc phòng Đức phải chịu không ít sức ép vì tình trạng hỏng hóc hoặc lỗi thời của các vũ khí, phương tiện quân sự nằm trong biên chế của lực lượng vũ trang nước này. Điển hình như hệ thống tên lửa Patriot do tập đoàn Raytheon (Mỹ) phát triển và sản xuất đã được Đức đưa vào vận hành từ năm 1989, tức là ngót 30 năm.

Hệ thống phòng không MEADS trong một lần bắn thử vào năm 2013. Ảnh: defensenews.com.

Trước tình hình ấy, giới lãnh đạo quân sự Đức bắt đầu nghĩ về việc cho ra đời một hệ thống phòng thủ tên lửa thế hệ mới nhằm giải quyết cả hai vấn đề nhức nhối nói trên. Kết quả là giữa tháng 3/2018, TLVS GmbH - liên doanh giữa Tập đoàn MBDA (Pháp) và Lockheed Martin (Mỹ) chính thức được thành lập, với mục tiêu quan trọng nhất là hợp thức hóa và đẩy nhanh chương trình chế tạo hệ thống TLVS cho quân đội Đức. Nhiều người tin rằng, TLVS sẽ là sự thay thế tuyệt vời cho các tổ hợp Patriot già nua và với TLVS, lực lượng vũ trang Đức, mà cụ thể là không quân Đức, sẽ nắm trong tay thứ vũ khí phòng thủ có khả năng đối chọi hoàn hảo với các tên lửa Iskander của Nga.

Không chỉ có vậy, khi ra đời, TLVS được kỳ vọng sẽ trở thành một thương hiệu riêng, và thậm chí người Đức hoàn toàn có thể tự hào tuyên bố rằng, đây là hệ thống phòng thủ tên lửa do chính nước này “tự chế”.

Trước đó, năm 2015, Đức đã chọn hệ thống phòng không mở rộng tầm trung (MEADS), do Lockheed Martin và tập đoàn MBDA tại Đức và Italy hợp tác phát triển với tổng vốn đầu tư lên tới 4 tỷ USD, để trang bị cho lực lượng không quân nước này. Về cơ bản, MEADS là hệ thống tên lửa đất đối không di động, được thiết kế để ngăn chặn các vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo chiến lược hoặc từ máy bay. Theo trang Army Recognition, hệ thống TLVS sẽ được phát triển trên cơ sở MEADS.

Reuters cho biết thêm, sau các cuộc đàm phán cấp cao giữa những người đứng đầu ngành quốc phòng hai quốc gia đồng minh Mỹ-Đức, Chính phủ Mỹ cũng đã phê chuẩn việc tích hợp tên lửa đánh chặn PAC-3 MSE do tập đoàn Lockheed Martin phát triển vào hệ thống phòng thủ tên lửa TLVS. Tạp chí Defense News thì tiết lộ rằng, với sức mạnh của các tên lửa PAC-3 MSE, hệ thống TLVS sẽ được nâng cấp đáng kể, đặc biệt là radar và nhờ đó có thể đánh chặn các tên lửa Iskander cũng như tên lửa siêu thanh mới nhất của Nga. Khi ấy, thủ đô Berlin cũng trở nên an toàn hơn dưới sự bảo vệ của TLVS.

Ban đầu, các chuyên gia quân sự ước tính thương vụ TLVS có giá khoảng 4 tỷ euro (4,56 tỷ USD). Tuy nhiên, một số nguồn tin dự đoán rằng chi phí cuối cùng của hệ thống phòng không đầy hứa hẹn này có thể cao hơn con số đó vài tỷ euro. Chính phủ Đức hy vọng hợp đồng liên quan tới việc phát triển TLVS sẽ được ký kết trong năm 2019 và bắt đầu triển khai hệ thống này vào năm 2025.

 

Thế nhưng, đến nay tất cả vẫn chỉ là lý thuyết, bởi hợp đồng TLVS chưa thể chính thức ký kết. Mới đây, Chính phủ Đức tiếp tục ngồi bàn thảo với hai tập đoàn Lockheed Martin và MBDA, song các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về vấn đề giá cả và những nguy cơ có thể nảy sinh từ dự án này.

TLVS sẽ trở thành hiện thực hay rốt cuộc chỉ là một dự án thất bại? Câu trả lời còn nguyên trên bàn đàm phán.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm