Anh, Đức và Italy phát hiện các trường hợp nhiễm biến thể “siêu đột biến” Omicron
COVID-19: Cảnh báo biến thể SARS-CoV-2 đột biến hơn cả Delta / Những con số đáng báo động về làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư
Vương quốc Anh báo cáo hai trường hợp nhiễm biến thể Omicron (biến chủng B.1.1.529) đã được xác nhận. Bộ trưởng Bộ Y tế Anh Sajid Javid cho biết, hai ca mắc này "có liên quan và có mối liên hệ với việc du lịch đến miền Nam châu Phi".
Sự lây nhiễm của biến thể mới, với bằng chứng sơ bộ cho thấy có khả năng lây truyền cao và kháng lại các phương pháp điều trị hiện tại, bao gồm cả vaccine COVID-19, đã khiến Thủ tướng Boris Johnson ra lệnh thắt chặt các yêu cầu nhập cảnh.
"Chúng tôi sẽ không ngăn cản người dân đi du lịch nhưng sẽ yêu cầu bất kỳ người nào nhập cảnh vào Vương quốc Anh phải làm xét nghiệm PCR vào cuối ngày thứ hai sau khi đến và tự cách ly cho đến khi có kết quả âm tính", Thủ tướng Johnson nói trong một họp báo vào chiều 27/11.
Bộ trưởng Javid trước đó đã viết trên Twitter rằng, hai người bị nhiễm biến thể Omicron đang tự cách ly và việc truy vết những người đã tiếp xúc với hai bệnh nhân trên đang được thực hiện.
Ông Javid nói thêm: "Để đề phòng, chúng tôi đang tiếp tục triển khai xét nghiệm có mục tiêu ở các khu vực bị ảnh hưởng Nottingham và Chelmsford và giải mã trình tự gene tất cả các trường hợp dương tính".
Tấm biển ghi dòng chữ '"Hãy giữ an toàn" trên phố Regent, ở London ngày 26/11. (Ảnh: AP)
Ông Javid thông báo rằng, Malawi, Mozambique, Zambia và Angola đã được thêm vào "danh sách đỏ" du lịch của nước Anh, cùng với Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Namibia và Zimbabwe đã được thêm vào đầu tuần này. Điều đó có nghĩa là du khách đến từ các quốc gia trên phải đặt chỗ ở trong một khách sạn cách ly.
Thủ tướng Johnson xác nhận, những người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ mắc biến thể Omicron sẽ được yêu cầu tự cách ly trong 10 ngày bất kể tình trạng tiêm chủng của họ như thế nào. Yêu cầu về đeo khẩu trang trong các cửa hàng và phương tiện giao thông công cộng sẽ được thắt chặt.
Các quy định mới mang tính chất "tạm thời và phòng ngừa" trên sẽ được xem xét sau 3 tuần.
Hai trường hợp nhiễm biến thể Omicron được xác nhận đã được Bộ Y tế bang Bavaria (Đức) báo cáo vào ngày 27/11. Hai người bị nhiễm bệnh đã trở về từ Nam Phi vào ngày 24/11 và đã hiện đang trong tình trạng tự cách ly. Cơ quan y tế khu vực Đông Nam của Đức yêu cầu hành khách trên cùng chuyến bay với hai bệnh nhân trên báo cáo với cơ quan y tế địa phương càng sớm càng tốt và bất kỳ ai đã đến Nam Phi trong vòng hai tuần qua cần làm xét nghiệm PCR.
Một trường hợp nghi nhiễm biến thể Omicron cũng đã được báo cáo sau khi máy bay hạ cánh ở miền Tây Hesse.
"Một số đột biến điển hình của biến thể Omicron đã được tìm thấy vào đêm qua ở một du khách trở về từ Nam Phi. Do đó, chúng tôi nghi ngờ khả năngcaonhiễm bệnh và người này đã bị cách ly. Việc giải mã trình tự gene hoàn chỉnh vẫn đang chờ xử lý vào thời điểm hiện tại", ông Kai Klose, Bộ trưởng các vấn đề xã hội khu vực cho biết trên Twitter.
Viện Y tế Cao cấp của Italy (ISS) thông báo vào tối 27/11, trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron đã được phát hiện ở nước này, người này gần đây đã ở Mozambique.
"Bệnh nhân và các thành viên gia đình đang trong tình trạng sức khỏe tốt", thông báo cho biết.
Khách sạn ở Badhonticorp, gần sân bay Schiphol, nơi chính quyền Hà Lan đã cách ly 61 người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 trên hai chuyến bay xuất phát từ Nam Phi ngày 27/11. (Ảnh: AP)
Các trường hợp mắc biến thể Omicron tại Anh, Đức và Italy được phát hiện sau khi Bỉ trở thành quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đầu tiên báo cáo một trường hợp nhiễm là du khách trở về từ Ai Cập.
Trong khi đó, các nhà chức trách Hà Lan đang giải mã trình tự gene các mẫu của 61 hành khách đi trên hai chuyến máy bay trở về từ Nam Phi vào ngày 26/11 và những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Ngày 26/11, các quốc gia thành viên EU đã đóng cửa biên giới đối với du khách từ 7 quốc gia Nam Phi gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe do lo ngại biến thể này.
Quyết định được đưa ra vài giờ trước khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên cho biến thể Omicron, trước đó được gọi là B.1.1.529, và phân loại là "biến thể đáng lo ngại".
WHO nhấn mạnh, "bằng chứng sơ bộ cho thấy nguy cơ lây nhiễm gia tăng" và các chuyên gia cũng lo ngại rằng, "số lượng lớn đột biến" của biến thể khiến nó trở nên miễn dịch hơn với các phương pháp điều trị hiện tại, bao gồm cả vaccine COVID-19.
Những quốc gia khác đã áp đặt các hạn chế đi lại với các quốc gia Nam Phi, bao gồm Canada và Mỹ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo