Anh dừng thử nghiệm xe tăng Ajax vì nhiều nguyên nhân
Hàng chục xe tăng được Nga tặng miễn phí cho đồng minh / Anh đầu tư 4,5 tỷ USD để nhận lại những chiếc xe tăng "tịt nòng" khi di chuyển
Bộ Quốc phòng (MoD) Anh đã thông báo xác nhận ngừng thử nghiệm đội xe chiến đấu bọc thép Ajax mới 3,47 tỷ bảng Anh (4,92 tỷ USD) của mình “như một biện pháp phòng ngừa”, sau khi tờ Daily Telegraph đưa tin về nhiều vấn đề xảy ra với loại xe này, theo đó, các lý do liên quan đến thiết kế, tốc độ và sự an toàn của xe; các rung động quá mức đã gây ra các hạn chế về tốc độ và các tổ lái bị giới hạn 90 phút bên trong xe tăng cùng một lúc.
Tin cho biết các phiên bản thử nghiệm của xe tăng lục quân không thể chạy nhanh hơn 20 dặm/giờ (32 km/h), tức là bằng một nửa tốc độ dự kiến của xe và không thể vượt qua chướng ngại vật cao từ 8 inches (20 cm) trở lên. Các binh sĩ cũng phải chịu đựng tiếng ồn lớn do các phương tiện mới này gây ra. Báo cáo được cho là sẽ được công bố vào tháng tới.
Được trang bị pháo 40 mm và súng máy hạng nhẹ, xe tăng Ajax nhẹ hơn và cơ động hơn so với xe tăng chiến đấu chủ lực cũ kỹ của Anh là Challenger 2. Tuy nhiên, việc không thể bắn pháo khi đang di chuyển vì xe quá rung lắc khiến phương tiện này trở nên “vô dụng” đặc biệt là khi thực hiện các nhiệm vụ trinh sát và luồn sâu.
Theo người phát ngôn MoD Anh, dừng thử nghiệm là biện pháp bình thường cho giai đoạn trình diễn của các dự án. “Sức khỏe và sự an toàn của quân nhân chúng tôi là điều quan trọng hàng đầu và chúng tôi cam kết sẽ tạo ra một môi trường làm việc an toàn”; “một cuộc điều tra, kết hợp các thử nghiệm cùng với nhà sản xuất, đang được thực hiện”. Bộ Quốc phòng Anh cho biết họ cùng với nhà sản xuất - công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng Mỹ General Dynamics đang điều tra các vấn đề của xe tăng.
Bộ này cho biết, việc huán luyện trên các phương tiện Ajax cũng đã được tiếp tục “với các biện pháp an toàn thích hợp được áp dụng”. “Chúng tôi cam kết với chương trình Ajax, chương trình này sẽ tạo thành một thành phần quan trọng trong sư đoàn chiến đấu hiện đại hóa của Lục quân, với các kế hoạch hiện tại về khả năng hoạt động ban đầu dự kiến vào mùa hè năm 2021”.
Ajax từng được xem như mẫu xe lý tưởng để thay thế các xe tăng hạng nhẹ Scimitar từ những năm 1970, đã lỗi thời, hiện đang được các đơn vị trinh sát bọc thép sử dụng. Phương tiện chiến đấu bọc thép Ajax đã gây ấn tượng mạnh với Thủ tướng David Cameron khi đó, đến nỗi chính quyền Cameron đã đặt hàng tổng cộng 589 chiếc vào năm 2014, theo 6 biến thể, trong đó 245 chiếc thuộc biến thể Ajax có tháp pháo - cho Lục quân. Tuy nhiên, chương trình hiện đã chậm tiến độ 4 năm so với kế hoạch.
Ajax dựa trên một loại xe cũ hơn do General Dynamics chế tạo cho các lực lượng vũ trang Tây Ban Nha và Áo, nhưng nó đã được thiết kế lại rộng rãi để phù hợp theo yêu cầu của Quân đội Anh với động cơ và hộp số mới, hệ thống kỹ thuật số và - đối với một số phiên bản - hộp số tự động và pháo cỡ nòng 40 mm.
100 chiếc đầu tiên được hoàn thành tại Tây Ban Nha để đảm bảo giao cho Quân đội Anh vào năm 2017, 489 chiếc còn lại được lắp ráp và thử nghiệm trong nhà máy mới tại xứ Wales. Chiếc xe đầu tiên dự kiến sẽ được hoàn thành tại cơ sở Merthyr Tydfil vào năm 2018, với các đơn vị lục quân đầu tiên sẽ nhận phương tiện được trang bị vào giữa năm 2019 và sẵn sàng triển khai trực chiến từ cuối năm 2020.
Khi cơ sở sản xuất đi vào hoạt động hoàn toàn vào năm 2017, có 250 người làm việc trong nhà máy ở Merthyr Tydfil. Ngoài 250 công việc tại đây, 300 nhân viên tại Oakdale đã tham gia vào sự phát triển của Ajax; chương trình trị giá 4,5 tỷ bảng Anh hỗ trợ khoảng 2.800 việc làm tại hơn 210 công ty có trụ sở tại Vương quốc Anh, trong số đó, 550 việc làm tại xứ Wales.
Tuy nhiên, tương lai của Ajax trở nên rất bất ổn thậm chí từ trước khi các vấn đề mới nhất được phơi bày. Trong tháng 3 năm nay, một ủy ban Quốc hội Anh đã chỉ trích kịch liệt chính phủ vì bỏ bê các lực lượng truyền thống của Anh mà chỉ chú ý tới phát triển xe thiết giáp “tệ hại” này. Báo cáo của ủy ban này chỉ trích kịch liệt chi phí và sự trì trệ liên quan tới chương trình Ajax.
Đáng lưu ý, Ajax không phải là chương trình đầu tiên bị chỉ trích do sự quản lý yếu kém của Bộ Quốc phòng Anh. Khi Bộ này thay thế mẫu súng trường FN FAL bằng mẫu Enfield SA80 vào cuối những năm 1980, nhiều vấn đề cũng đã nảy sinh. Khẩu súng bị tắc, các bộ phận bằng kim loại bị han rỉ và biến dạng, và không thể sử dụng trong môi trường sa mạc - điều dễ thấy nhất khi binh sĩ Anh tham gia vào Chiến tranh Vùng Vịnh.
Gần đây nhất, Bộ Quốc phòng Anh bị chỉ trích vì chi quá nhiều tiền để phát triển 2 hàng không mẫu hạm lớp Queen Elizabeth, đến nỗi không còn đủ tiền để mua máy bay và tàu hộ tống cần thiết để triển khai nhóm tác chiến trong vòng 1 năm, và cũng không đủ tiền chỉnh sửa 2 tàu sân bay này để thực hiện khả năng hạ cánh lưỡng cư - vốn là một trong những điểm mạnh của tàu. Thêm vào đó, các chiến đấu cơ F-35 do Mỹ chế tạo mà 2 tàu sân bay này sử dụng cũng bị trì hoãn, thiết kế có sai sót và đội chi phí.
Bất chấp việc trong năm 2020, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố mức chi tiêu quốc phòng tăng mạnh, nhằm “tập trung vào các công nghệ cách mạng hóa chiến tranh,” bao gồm đầu tư lớn vào trí tuệ nhân tạo (AI) và thành lập Bộ Tư lệnh Không gian Không quân Hoàng gia RAF, phóng tên lửa từ Scotland vào năm 2022…, tương lai của dự án xe tăng Ajax vẫn đang rất “mờ mịt”./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thị trường thế giới biến động thế nào sau khi lễ nhậm chức của Tổng thống Trump?
Tổng thống Donald Trump đe dọa trừng phạt nước Nga nếu Tổng thống Putin không đồng ý việc này
Dự án AI trị giá 500 tỷ USD của Mỹ: Thách thức lớn cho châu Âu
Pháp - Đức bàn đối phó chính sách thuế dưới thời Tổng thống Donald Trump