Quốc tế

Bí ẩn vụ nổ tên lửa trên tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới của Liên Xô năm 1991

Nhờ hành động khác thường của chỉ huy tàu ngầm hạt nhân TK-17 mà thế giới đã tránh được một thảm họa hạt nhân tồi tệ.

Sự nguy hiểm của Kh-102 khi tích hợp đầu đạn hạt nhân / Mỹ lo kịch bản hạt nhân thời Liên Xô tái diễn

Cách đây 30 năm, vào ngày 27/9/1991, một sự cố hy hữu và cực kỳ nguy hiểm đã được ghi nhận khi một tên lửa phát nổ trên tàu ngầm hạt nhân chiến lược TK-17 (Dự án 941 lớp Akula) trong cuộc phóng thử nghiệm.

Vụ việc diễn ra ở Biển Trắng, nơi thủy thủ đoàn tiến hành vụ phóng tên lửa huấn luyện. Bất ngờ vì nguyên nhân chưa rõ mà tên lửa đã bốc cháy và phát nổ ngay trong ống phóng.

Chính xác có 3 vụ nổ đã xảy ra, khiến cả 3 tầng của quả tên lửa nặng 100 tấn phát nổ liên tiếp. Kết quả là một đám cháy bùng lên bên trong tàu ngầm, ngoài ra lớp vỏ cao su cách âm cũng bắt đầu bốc cháy.

Thuyền trưởng nhanh chóng phát lệnh cho tàu nổi lên khẩn cấp, đám cháy có nguy cơ lan rộng. Tình hình trở nên trầm trọng hơn khi có tới 19 quả tên lửa khác bên trong, chúng không phải đạn huấn luyện mà để sẵn sàng chiến đấu

Trái với quy tắc xử lý thông thường, sau khi nhận ra tình trạng, chỉ huy tàu ngầm TK-17 - Thuyền trưởng Hạng nhất (Đại tá) Igor Grishkov đã ra lệnh cho tàu lặn khẩn cấp.

Điều này khiến ngọn lửa sớm bị dập tắt - nước cuốn trôi các mảnh vụn bị cháy và nhiên liệu ra ngoài. Hành động của vị chỉ huy đã ngăn chặn thảm họa có thể gây hậu quả kinh hoàng không chỉ cho con tàu mà còn cho môi trường, và có thể để lại cả hậu quả chính trị.

Trong trường hợp con tàu bị chìm, phóng xạ từ lò phản ứng hạt nhân có thể rò rỉ ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm vùng biển trong một thời gian dài, còn nếu như tên lửa khác phát nổ tiếp thì hậu quả thật khó tưởng tượng.

Cần nhắc lại, lớp Akula thuộc Dự án 941 là tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới cho đến ngày nay. Tổng cộng 6 chiếc được sản xuất tại Liên Xô, chúng được trang bị 20 tên lửa xuyên lục địa động cơ nhiên liệu rắn với nhiều đầu đạn hạt nhân.

Quyết định khác thường của thuyền trưởng Grishkov đã khiến con tàu thoát hiểm chỉ với thiệt hại tối thiểu. Không ai trong các thủy thủ bị thương và bản thân con tàu chỉ cần sửa chữa tương đối nhỏ, sau đó nó đã trở lại hoạt động.

Sau khi Liên Xô tan rã, TK-17 tiếp tục phục vụ trong Hạm đội Phương Bắc của Hải quân Nga với tên gọi Arkhangelsk. Vào tháng 2/2004, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã theo dõi cuộc tập trận ở Biển Trắng từ boong tàu Arkhangelsk.

Cuối tháng 4-2004, TK-17 được đưa vào lực lượng dự bị bởi tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) R-39 (RSM-52) mà tàu ngầm được trang bị không còn hạn sử dụng.

Vấn đề hiện đại hóa Arkhangelsk hay loại biên nó sau năm 2020 đã được xem xét nhưng quyết định cuối cùng chưa được đưa ra, hiện con tàu được sử dụng như một nền tảng thử nghiệm cho tên lửa Bulava.

Sau sự cố ở Biển Trắng, Xô viết tối cao đã xem xét đề xuất phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô cho chỉ huy tàu ngầm TK-17 Igor Grishkov.

Mặc dù vậy đã không có quyết định nào, theo giới phân tích, nguyên nhân chính nằm ở sự tan rã của Liên bang, vị thuyền trưởng cấp 1 sau đó nghỉ hưu và qua đời vào ngày 20/12/2017.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm