Mỹ lo kịch bản hạt nhân thời Liên Xô tái diễn
“Bộ tứ” siêu vũ khí tạo nên sức mạnh đáng gờm của Hải quân Mỹ / Phương Tây lo yếu tố Nga trong hệ thống vũ khí NATO
Tuyên bố hôm 27/8, Trung tướng không quân Thomas Bussiere, phó tư lệnh Bộ chỉ huy chiến lược của Mỹ, nói rằng việc Trung Quốc phát triển năng lực hạt nhân không còn đúng với khẳng định công khai của Bắc Kinh rằng họ muốn duy trì năng lực răn đe hạt nhân tối thiểu.
Tên lửa đạn đạo Trung Quốc. |
"Sẽ có một điểm, điểm giao, nơi mà những mối đe doạ Trung Quốc tạo ra sẽ vượt mức đe doạ của Nga hiện nay", Tướng Bussiere nói. Mối đe doạ không chỉ phụ thuộc vào số lượng đầu đạn hạt nhân mà Bắc Kinh sở hữu mà còn ở cách họ "triển khai trên thực địa. Chúng tôi tin rằng sẽ có một điểm giao trong vài năm tới", tướng Mỹ nói.
Không giống với Nga, Mỹ không có hiệp ước hay cơ chế đối thoại nào với Trung Quốc trong vấn đề này để xoá bỏ bất kỳ hiểu lầm hay bối rối nào.
Phát biểu của ông Thomas Bussiere được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang điều chỉnh lại chính sách đối ngoại để tập trung nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm đối phó với sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc.
Báo cáo của các tổ chức nghiên cứu dựa trên hình ảnh vệ tinh nói rằng Trung Quốc có vẻ đang xây dựng hàng trăm hầm chứa tên lửa hạt nhân, và Washington cáo buộc Bắc Kinh trốn tránh đàm phán về vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, Trung Quốc nói rằng số vũ khí họ sở hữu không là gì so với Mỹ và Nga, và cũng sẵn sàng đối thoại nếu Mỹ giảm kho vũ khí của họ xuống bằng mức của Trung Quốc.
Trong báo cáo gửi Quốc hội Mỹ năm 2020, Lầu Năm góc ước tính số lượng đầu đạn hạt nhân Trung Quốc đang có là dưới 200, nhưng sẽ tăng ít nhất gấp đôi khi Trung Quốc hiện đại hoá các lực lượng vũ trang.
Theo Bloomberg, việc tăng cường số đầu đạn hạt nhân sẽ giúp Trung Quốc sánh ngang tầm với hai siêu cường hạt nhân hiện nay là Mỹ và Nga.
Hai siêu cường hạt nhân này, mỗi bên có khoảng 1.600 vũ khí hạt nhân thường trực, tức là đã sẵn sàng để sử dụng, được đặt trên đầu tên lửa hoặc gần máy bay ném bom. Bên cạnh đó, cả hai vẫn còn hàng nghìn đầu đạn đang được cất giữ cẩn mật.
Điều đáng lo ngại là thế giới dường như đang vướng vào một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới. Nếu như trong lịch sử, Mỹ và Liên Xô đã tiệm cận đến bờ vực một cuộc chạy đua vũ trang, thì giờ đây, Mỹ và Trung Quốc có thể lặp lại kịch bản này.
Chuyên gia James Acton, thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế cho rằng, Trung Quốc đang quyết tâm đạt được thế cân bằng trong cuộc cạnh tranh với Mỹ.
Trung Quốc ngày càng tin rằng xung đột với Mỹ theo hình thức nào đó sẽ không thể tránh khỏi và họ cần chuẩn bị kỹ lưỡng để được an toàn.
Đó cũng là lý do vì sao Bắc Kinh sẽ không tham gia các cuộc đàm phán giải trừ quân bị hiện nay như các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), hiệp ước kiểm soát vũ khí duy nhất còn lại giữa Mỹ và Nga.
Hiện tại, dù sẽ có nhiều khó khăn nhưng Tổng thống Biden cần "ngả" về phía Moscow để tìm kiếm một cách tiếp cận chung đối với Bắc Kinh nhằm "kéo" Bắc Kinh tham gia vào các cuộc đàm phán hạt nhân toàn diện mới.
Các cuộc đàm phán này bao gồm cả vũ khí hạt nhân chiến lược (tức là loại vũ khí nhắm vào quốc gia thù địch) cũng như vũ khí hạt nhân chiến thuật (có thể sử dụng trên một số chiến trường) cùng các hệ thống tấn công cũng như hệ thống phòng thủ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo