Quốc tế

Chi tiêu quân sự toàn cầu bị ảnh hưởng thế nào bởi đại dịch Covid-19?

Theo giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), ông Dan Smith, chi tiêu cho quốc phòng thế giới sẽ giảm trong giai đoạn 2020-2021 vì ảnh hưởng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.

Bức tranh đa màu về chi tiêu quốc phòng toàn cầu / S-500 Prometheus sẽ hủy diệt F-35 cùng toàn bộ nền công nghiệp quốc phòng Mỹ?

Theo đó, chia sẻ với hãng tin RIA Novosti, ông Smith cho hay: “Năm 2019, chi tiêu cho quốc phòng lên tới 1,9 nghìn tỉ USD, ở mức cao kỷ lục. Rất có thể, chi phí dự kiến sẽ giảm trong giai đoạn 2020-2021, mức giảm này khó dự đoán trong bối cảnh hiện tại”.

Ông Smith cho biết thêm, không chỉ từ các yếu tố kinh tế liên quan đến cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra, mà còn bởi hình thức chính trị xã hội lâu dài mà chính phủ các nước sẽ đưa ra.

Khi trả lời câu hỏi về những thay đổi trong toàn bộ chính sách an ninh toàn cầu, ông Smith lưu ý, đại dịch đã cho thấy các quốc gia có thể hợp tác hiệu quả trong tình huống khủng hoảng, cuộc khủng hoảng này sẽ tạo động lực cho tăng cường hợp tác quốc tế.

Chi tiêu quân sự toàn cầu bị ảnh hưởng thế nào bởi đại dịch Covid-19?
Các quốc gia sẽ phải cắt giảm chi tiêu cho quân sự do ảnh hưởng của Covid-19. (Ảnh: RIA)

Trước đó, theo đánh giá của SIPRI, năm 2019 các nước trên thế giới đã chi tiêu cho các nhu cầu quân sự với số kinh phí kỷ lục trong thập niên trở lại đây là 1.917 nghìn tỉ USD. Con số này cao hơn 3,6% so với năm 2018 và 7,2% so với năm 2010. Ước tính của SIPRI, tổng chi tiêu quân sự lên tới 2,2% GDP toàn cầu. Năm quốc gia có chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới năm 2019 bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Saudi Arabia, chiếm 62% chi tiêu quân sự thế giới.

Cũng theo SIPRI, những diễn biến đáng chú ý khác bao gồm Đức đã tăng chi tiêu 10% trong năm 2019 lên 49,3 tỉ USD, mức tăng theo phần trăm lớn nhất trong số 15 nước chi tiêu hàng đầu. Theo các tác giả báo cáo, việc tăng chi tiêu của Đức có thể lý giải từ việc tăng mối lo ngại từ Nga.

Theo nhà nghiên cứu tại SIPRI, ông Nan Tian, tăng chi tiêu quân sự đã tăng tốc trong những năm gần đây nhưng xu hướng này có thể bị đảo ngược bởi hậu quả của đại dịch Covid-19 cũng như suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra.

Khi thế giới đứng trước một cuộc suy thoái toàn cầu tiềm tàng, theo ông Tian, chính phủ các nước sẽ phải cân nhắc về chi tiêu quân sự so với các lĩnh vực khác như y tế và giáo dục. “Khả năng cao điều này sẽ thực sự tác động tới chi tiêu quân sự”, ông Tian nói.

SIPRI là một tổ chức giám sát các hoạt động mua bán vũ khí và chi tiêu quốc phòng trên toàn thế giới có trụ sở tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển. Viện nghiên cứu này thường xuyên đưa ra các báo cáo thường niên về tất cả các hạng mục trong lĩnh vực quốc phòng thế giới.

 

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm