Quốc tế

Ấn Độ với chiến lược “giải phóng” tiềm năng sản xuất quốc phòng

Chính phủ Ấn Độ có nhiều chủ trương nhằm thúc đẩy hơn nữa nền công nghiệp quốc phòng (CNQP) nội địa để trở thành một cường quốc về lĩnh vực này trên thế giới đến năm 2025.

Trung Quốc tuyên bố S-400 sẵn sàng bắn hạ máy bay Ấn Độ / Không quân Ấn Độ ra mắt phi đội tiêm kích Tejas LCA thứ hai

Mới đây, Bộ Tài chính Ấn Độ đã công bố điều chỉnh chiến lược mua sắm trang thiết bị quân sự theo hướng chuyển hẳn ưu tiên sản phẩm nội địa. New Delhi sẽ lên một “danh sách đen” các sản phẩm quốc phòng nhất định bị cấm nhập khẩu. Số lượng mặt hàng trong tài liệu này cũng tăng thêm mỗi năm theo tỷ lệ thuận với năng lực sản xuất quốc phòng trong nước. Như vậy, Bộ Quốc phòng Ấn Độ chỉ còn phương án đặt mua những khí tài trên từ nguồn nội địa. Về phần mình, các công ty quốc phòng ở Ấn Độ cũng có cơ sở để đầu tư nghiên cứu công nghệ, hợp tác, sản xuất sản phẩm chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của quân đội. Bộ Tài chính Ấn Độ còn thành lập Đơn vị quản lý dự án (PMU) trực thuộc bộ này để hỗ trợ và thúc đẩy việc thực thi các hợp đồng giữa Bộ Quốc phòng Ấn Độ và doanh nghiệp quốc phòng nội địa.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Arjun của Ấn Độ. Ảnh: The Economic Times.

Tại một cuộc họp vào đầu tháng 5/2020, Thủ tướng Narendra Modi tái khẳng định mục tiêu đưa Ấn Độ vào “câu lạc bộ” 5 nhà sản xuất quốc phòng hàng đầu thế giới đến năm 2025. Vừa qua, Chính phủ Ấn Độ đưa ra gói kích thích kinh tế trị giá 20.000 tỷ rupee (gần 270 tỷ USD), tương đương 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia Nam Á, nhằm phục hồi nền kinh tế đang lao đao vì đại dịch Covid-19. Một phần của con số này sẽ cung cấp những khoản vay không thế chấp cho các công ty quốc phòng tư nhân trong nước mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này sẽ trực tiếp góp phần vào kế hoạch tăng quy mô sản xuất quốc phòng hằng năm của Ấn Độ từ mức 12,6 tỷ USD hiện nay lên 26 tỷ USD đến năm 2025.

Bên cạnh đó, chính quyền New Delhi sẽ nâng giới hạn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực CNQP từ 49% như hiện tại lên tới 74% theo “con đường tự động”-tức là các công ty đầu tư không cần chờ chính phủ phê chuẩn. Theo thống kê của tờ The Economic Times, trong giai đoạn 2014-2018, quốc gia Nam Á chỉ thu hút dưới 100.000 USD vốn FDI vào ngành CNQP. Đến năm 2018-2019, con số này mới nhích lên được 2,18 triệu USD. Điều này đủ thấy thời gian qua các nhà đầu tư quốc tế chưa “mặn mà” với lĩnh vực sản xuất quốc phòng của Ấn Độ. Tờ Business Insider dẫn lời phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman tại một buổi họp báo cho hay, chính sách trên nhằm khuyến khích những tập đoàn đa quốc gia thành lập cơ sở sản xuất tại Ấn Độ hoặc mua lại các doanh nghiệp sản xuất quốc phòng địa phương.

Thông qua chính sách “Sản xuất tại Ấn Độ” được Chính phủ do Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA) đứng đầu khởi xướng, quân đội Ấn Độ đã ký nhiều hợp đồng lớn với các đối tác nước ngoài để mua vũ khí, trang bị nhưng kèm với điều kiện đơn vị trúng thầu phải chuyển giao công nghệ và thiết lập dây chuyền lắp ráp máy bay tại nước này. Biện pháp này nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giúp ngành CNQP Ấn Độ sở hữu các công nghệ cốt lõi, từ đó dần tự phát triển vũ khí cho riêng mình. Ấn Độ cũng triển khai một số chương trình sản xuất vũ khí nội địa, như: Xe tăng chiến đấu chủ lực Arjun, xe chiến đấu bộ binh WhAP, tiêm kích hạng nhẹ Tejas, trực thăng tấn công hạng nhẹ LCH, tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn Astra…

Những năm qua, Ấn Độ luôn được coi là một trong những thị trường nhập khẩu vũ khí “màu mỡ”. Tạp chí quốc phòng Jane’s Defence Weekly đăng tải báo cáo từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, Ấn Độ tiếp tục là nhà mua sắm vũ khí lớn thứ hai thế giới, chiếm 9,2% tổng lượng nhập khẩu vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2015-2019, chỉ sau Saudi Arabia (12%). Báo cáo có đoạn: “Mặc dù có mục tiêu lâu dài là tự sản xuất các vũ khí chính nhưng New Delhi vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu và đang có những đơn đặt hàng cũng như kế hoạch nhập khẩu đáng kể”. Việc giữ vị trí top đầu trên “bảng xếp hạng” này cho thấy, New Delhi chưa thể tự xây dựng một nền CNQP vững mạnh và chính sách “Sản xuất tại Ấn Độ” cũng chưa thực sự phát huy tác dụng như mong đợi.

Ấn Độ cũng coi việc xuất khẩu sản phẩm CNQP là một thước đo quan trọng tới sự phát triển của nền CNQP. Một điểm sáng trong báo cáo của SIPRI là kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Ấn Độ đã tăng, từ khoảng 280 triệu USD trong năm 2015-2016 lên hơn 1,4 tỷ USD trong năm 2018-2019. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cho biết, Chính phủ Ấn Độ còn đặt ra mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu vũ khí 5 tỷ USD trong 5 năm tới.

 

Việc tăng cường thu hút nhà đầu tư nước ngoài, thúc đẩy việc hợp tác quốc tế thông qua các liên doanh giữa nhà thầu nước ngoài và trong nước cũng như tạo cơ hội cho doanh nghiệp nội địa sẽ “giải phóng” tiềm năng của ngành sản xuất quốc phòng Ấn Độ. Điều đó đồng nghĩa với đem đến nhiều việc làm cho lao động trong nước, giảm phụ thuộc vào các đơn hàng nhập khẩu, thu hẹp khoảng cách CNQP với các nước, như: Mỹ, Nga, Israel, đồng thời nâng cao vị thế của Ấn Độ trên thị trường vũ khí toàn cầu.

Khi mà đại dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Ấn Độ nói chung, chiến lược “hướng nội” trong lĩnh vực CNQP của chính quyền Thủ tướng Narendra Modi càng cần thiết.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm