Quốc tế

Chiến dịch vụng về của "lính đánh thuê Mỹ" ở Venezuela: Công thức Syria-Libya đổ bể?

Mới đây, lực lượng an ninh Venezuela tuyên bố đã đập tan các âm mưu xâm nhập của nhóm tay súng nước ngoài. Tuy nhiên đằng sau vụ việc này còn nhiều uẩn khúc.

Phòng không Venezuela đánh chặn buộc F-22 Mỹ phải rút lui / Chiến hạm Nga vắng bóng trong bảng xếp hạng của báo Mỹ

Cuộc đột kích bất thành của lính đánh thuê ở Venezuela

Ngày 4/5/2020, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro xuất hiện trên truyền hình nước này và lên tiếng cáo buộc Mỹ và Colombia đang tiến hành một chiến dịch "bẩn thỉu" nhằm bắt cóc hoặc ám sát ông.

Trước đó một ngày, Bộ trưởng Nội vụ Nestor Reverol cũng đã ra một tuyên bố rằng lực lượng an ninh Venezuela đã phá vỡ một âm mưu xâm nhập nhằm tiến hành khủng bố, ám sát các lãnh đạo cao cấp của một nhóm lính đánh thuê từ Colombia.

Tổng thống Maduro cho rằng âm mưu nói trên có liên quan tới nhà lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido - người được Mỹ và 60 quốc gia khác công nhận là "tổng thống lâm thời" của Venezuela từ đầu năm 2019.

Theo nguồn tin từ lực lượng an ninh Venezuela, các tay súng nói trên đã lên kế hoạch kỹ lưỡng, phân tán thành các nhóm nhỏ, sử dụng các tàu cao tốc di chuyển từ vùng biển của Colombia vào lãnh hải Venezuela và sau khi đổ bộ sẽ sử dụng các xe bán tải Toyota để di chuyển.

Tuy nhiên nhóm người này đã bị cơ quan an ninh Venezuela phát hiện và vô hiệu hóa ngay khi đổ bộ lên bãi biển ở La Guaira cách thủ đô Caracas 20 dặm (khoảng 32 km).

Một nhân vật quan trọng trong nhóm người bị bắt nói trên được xác định danh tính là cựu Đại úy Lực lượng Vũ trang Venezuela (FANB) Robert Colina, người đồng thời bị cáo buộc tham gia âm mưu đảo chính của tướng về hưu Cleaver Alcalu Cordones vào năm 2019.

Chiến dịch vụng về của lính đánh thuê Mỹ ở Venezuela: Công thức Syria-Libya đổ bể? - Ảnh 1.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và các hộ chiếu của những người mà ông cáo buộc là "lính đánh thuê" của Mỹ.

"Đặc nhiệm Mỹ" và phản ứng của Tổng thống Trump

Qua quá trình điều tra, giới chức Venezuela đã xác định được 2 công dân Mỹ trong nhóm người nói trên là Luke Denman và Airan Berry, những người từng là đặc nhiệm Mỹ và hiện đang làm việc cho Công ty an ninh tư nhân Silvercorp USA có trụ sở tại Florida.

Theo lời khai của Luke Denman, nhóm "tiền trạm" này có nhiệm vụ ở giai đoạn 1 trong khuôn khổ cái gọi là "Chiến dịch Gedeon" nhằm kiểm soát một sân bay trước khi một số máy bay chở nhóm lính đánh thuê lớn hơn có thể hạ cánh và tiến hành giai đoạn 2 là bắt cóc ông Maduro.

Cũng theo lời khai của Denman, có 3 nhóm lính đánh thuê đã được huấn luyện ở khu vực Riohacha của Colombia với khoảng 60 - 70 tay súng sẽ tiến hành giai đoạn 2 nói trên.

Người Mỹ thứ hai bị bắt giữ trong vụ xâm nhập vào La Guaira là Jordan Goudreau, cựu đặc nhiệm Mỹ tại Iraq và Afganistan đồng thời là nhà sáng lập Công ty Silvercorp USA đã khai rằng mình là người cầm đầu "Chiến dịch Gedeon".

 

Ngày 05/5/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông vừa nắm được thông tin vụ bắt giữ 2 công dân Mỹ mà Venezuela cáo buộc là "lính đánh thuê".

Ông Trump cũng đã ra một tuyên bố: "Dù (thực chất) việc này là gì đi chăng nữa, tôi cũng sẽ cho các bạn (người Mỹ) biết rõ. Tuy nhiên, vụ việc này không liên quan đến Chính phủ Mỹ".

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã nhanh chóng "phản đòn" các cáo buộc của Venezuela và cho rằng chính Caracas đã dựng lên "vở kịch" nói trên, với hy vọng đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề nội bộ.

Trước sự phủ nhận nói trên của Washington, Bộ trưởng Thông tin Venezuela Jorge Rodriguez đã đưa ra ảnh chụp Goudreau (được cho là với vai trò vệ sĩ) trong một sự kiện của ông Trump.

Đồng thời, Bộ trưởng Tư pháp Venezuela Saab chia sẻ một video trong đó Goudreau tuyên bố đang tiến hành một chiến dịch lật đổ ông Maduro. Được biết, nhóm người Mỹ nói trên đã giành được một hợp đồng trị giá 213 triệu USD và sẽ được thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido chi trả.

 

Chiến dịch vụng về của lính đánh thuê Mỹ ở Venezuela: Công thức Syria-Libya đổ bể? - Ảnh 3.

Jordan Goudreau trong một sự kiện ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Mỹ đang dùng "công thức Syria và Libya" với Venezuela?

Mỹ có lịch sử can thiệp sâu vào công việc nội bộ của các nước Nam Mỹ và các chính trị gia Venezuela thường xuyên cáo buộc các vụ việc bất thường là các âm mưu lật đổ là do Mỹ khởi xướng.

Tháng 02/2019, giới chức trách Venezuela thông báo đã tịch thu một lô vũ khí lớn có nguồn gốc từ Miami, Florida (Mỹ) trong kho hàng tại sân bay quốc tế Arturo Michelena, bang miền Trung Valencia.

Gần như ngay lập tức, Venezuela cáo buộc Mỹ "núp bóng" viện trợ nhân đạo để tuồn vũ khí vào nước này - với mục tiêu cuối cùng nhằm kích động phe đối lập lật đổ chính quyền của Tổng thống Maduro.

 

Năm 2002, người tiền nhiệm của ông Maduro là Hugo Chavez đã bị lật đổ sau cuộc đảo chính quân sự trong thời gian ngắn.

Các tài liệu được giải mật sau đó cho thấy Tổng thống Mỹ khi đó là ông George W. Bush đã nắm được thông tin về âm mưu đảo chính ở Venezuela, dù thực tế là ông không mấy "mặn mà" với việc đó.

Sau các cuộc đảo chính bất thành dẫn đầu bởi ông Juan Guaido vào năm 2019, giới chức Mỹ cho biết họ đã khuyến khích các nhà lãnh đạo hàng đầu Venezuela chống lại ông Maduro.

Có thể thấy, các thế lực được Mỹ hậu thuẫn ở Venezuela đang lợi dụng cuộc khủng hoảng Covid-19 và sự bất mãn trong một bộ phận người dân nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Maduro, thậm chí bằng các hành động vũ trang.

Những năm gần đây, Washington đã liên tục bị cáo buộc đứng sau nhiều vụ đảo chính bất thành ở Venezuela. Theo nhiều nhà phân tích, Venezuela nhiều khả năng sẽ trở thành "nạn nhân" của Mỹ sau những "bài học nhãn tiền" là Syria, Libya.

 

Nhiều nhà phân tích cho rằng, Mỹ đã quá quen với việc can thiệp vào tình hình chính trị ở Nam Mỹ, khu vực "sân sau" của họ nếu đối phương tỏ ra "không vâng lời". Tuy nhiên, đây là "con dao hai lưỡi" và có thể gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia của chính nước Mỹ.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm