Quốc tế

Chương trình 174 triệu USD tại Afghanistan không như kỳ vọng của Mỹ

Trong bài viết mới đây, tờ The New York Times cho biết nỗ lực của Mỹ trong việc trang bị cho các lực lượng Afghanistan năng lực trinh sát trên không đã không mang lại kết quả như kỳ vọng.

Mỹ tung bằng chứng Kalibr Nga kém xa về độ tin cậy so với Tomahawk / Phi công Mỹ: F-18D Hornet thắng Su-30MKM do gặp may mắn

Khi Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2014, chương trình máy bay trinh sát không người lái ScanEagle trị giá 174 triệu USD là nỗ lực của Lầu Năm Góc nhằm khắc phục một điểm yếu của quân đội Afghanistan-không đủ năng lực trinh sát trên không. Trinh sát trên không và các cuộc không kích có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống các tay súng Taliban vốn thường sử dụng các chiến thuật kiểu du kích để cơ động và ẩn nấp tại những khu vực có địa hình hiểm trở của Afghanistan trong suốt cuộc chiến kéo dài 18 năm qua.

Theo tờ The New York Times, trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị rút toàn bộ binh lính khỏi Afghanistan trong những tháng tới theo thỏa thuận hòa bình ký với Taliban hồi cuối tháng 2/2020 và các cuộc tấn công của Taliban nhằm vào các lực lượng Afghanistan có chiều hướng gia tăng, những chương trình như ScanEagle được cho là vô cùng cần thiết để giúp quân đội Afghanistan trụ vững khi sự hỗ trợ của Mỹ và quốc tế giảm dần.

Một buổi huấn luyện về ScanEagle cho học viên Afghanistan hồi tháng 10/2016. Ảnh: Stars and Stripes.

Tuy nhiên, báo cáo mới nhất dài gần 50 trang của Văn phòng Tổng Thanh tra đặc biệt về tái thiết Afghanistan (SIGAR) lại vẽ nên một bức tranh mà tờ The New York Times cho là “khá quen thuộc” về các nỗ lực của Mỹ trong cuộc chiến tại Afghanistan. “ScanEagle chỉ là một trong hàng trăm chương trình đầy rủi ro do Lầu Năm Góc tài trợ nhằm biến các lực lượng Afghanistan thành những đội quân chiến đấu kiểu phương Tây. Kể từ năm 2005 đến nay, Lầu Năm Góc đã chi gần 47,5 tỷ USD vào việc trang bị khí tài cũng như nhiều chương trình quân sự dành cho các lực lượng Afghanistan”, tờ The New York Times nhấn mạnh.

Theo báo cáo của SIGAR, việc thiếu giám sát và không có tiêu chí rõ ràng khiến chương trình ScanEagle-vốn được kỳ vọng đem lại lợi thế cho các lực lượng Afghanistan trước Taliban-gần như không hiệu quả. Báo cáo chỉ ra rằng chương trình ScanEagle bị bủa vây bởi nhiều vấn đề, trong đó phải kể đến việc thiếu đào tạo cho các lực lượng Afghanistan, khiến “họ không đủ khả năng làm chủ thiết bị” và “không thể tận dụng những thông tin tình báo do các máy bay không người lái thu thập cho các nhiệm vụ quân sự”. Vì lẽ đó, Lầu Năm Góc “thiếu những thông tin cần thiết để cải thiện hiệu quả khoản đầu tư 174 triệu USD và chưa thể chuyển giao trách nhiệm cho quân đội Afghanistan”. Báo cáo khẳng định quân đội Afghanistan “sẽ tiếp tục cần sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Chính phủ Mỹ để duy trì chương trình ScanEagle”.

ScanEagle thuộc loại máy bay trinh sát không người lái độ cao thấp do Insitu, công ty con của Tập đoàn Boeing, sản xuất. Theo kế hoạch ban đầu, khoảng 12 đến 20 học viên Afghanistan sẽ được đào tạo trong thời gian 11 tuần lễ để điều khiển được ScanEagle. Tuy nhiên, báo cáo của SIGAR cho biết, kế hoạch sau đó đã được điều chỉnh sang đào tạo khoảng 28 học viên trong thời gian gần một năm. Nguyên nhân của sự điều chỉnh này là do phải bổ sung thêm khóa học tiếng Anh kéo dài 6 tháng và đào tạo các kỹ năng máy tính cơ bản cho học viên.

Đáng chú ý, theo báo cáo, quân đội Afghanistan không hề biết tung tích của 27 trong tổng số 87 binh lính được chứng nhận đủ khả năng điều khiển những chiếc ScanEagle. Và trong số 60 binh lính Afghanistan được giao nhiệm vụ vận hành những chiếc ScanEagle tại các địa điểm khác nhau trên cả nước, trung bình có khoảng 17 người thường vắng mặt “vì bệnh tật, nghỉ phép hằng năm hoặc không rõ lý do”. Quân đội Afghanistan cũng “không biết những trang thiết bị thuộc sở hữu của mình trong chương trình ScanEagle đang ở đâu hoặc liệu chúng có được sử dụng đúng mục đích hay không”. Báo cáo cho biết lực lượng chức năng Afghanistan gần đây “đã tịch thu một chiếc ScanEagle bị đánh cắp mà một tên tội phạm đang định bán cho một tổ chức bị tình nghi là khủng bố với giá 400.000 USD”.

Phản ứng về báo cáo của SIGAR, liên quân do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan đã lên tiếng bảo vệ chương trình ScanEagle. Cho rằng quân đội Afghanistan giờ đây chỉ cần sự hỗ trợ tối thiểu từ các cố vấn quân sự nước ngoài, liên quân do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan khẳng định luôn giám sát chặt chẽ các binh sĩ tham gia chương trình ScanEagle và các máy bay trinh sát không người lái vẫn được sử dụng hằng ngày trong các chiến dịch quân sự, mặc dù “có thể không theo tiêu chuẩn phương Tây”.

 

Theo tờ The Washington Post, SIGAR là một cơ quan do Quốc hội Mỹ lập nên vào năm 2008 với nhiệm vụ “điều tra sự lãng phí và gian lận tại vùng chiến sự Afghanistan”. Năm 2014, dưới sự chỉ đạo của John Sopko, Giám đốc SIGAR, cơ quan này chuyển trọng tâm từ nhiệm vụ kiểm toán sang việc tìm hiểu những thất bại về chính sách của chính quyền Washington tại Afghanistan để giúp “Mỹ không lặp lại sai lầm trong tương lai khi đưa quân sang một quốc gia hoặc tìm cách tái thiết một quốc gia đổ nát”. Cuối năm ngoái, tờ The Washington Post từng đăng tải các tài liệu do SIGAR cung cấp cho thấy giới chức cấp cao Mỹ đã che giấu sự thật về cuộc chiến tại Afghanistan trong suốt 18 năm qua, “đưa ra những tuyên bố màu hồng mà họ thừa biết là không đúng” và “che giấu một bằng chứng rõ ràng rằng cuộc chiến này không thể thắng lợi”.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm